Hết vonfram lại tới chất lạ
Trước thông tin xuất hiện vàng giả tái xuất trên thị trường, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhận định: Tới thời điểm này, vẫn chưa khẳng định được chính xác lượng vàng giả mới được phát hiện tại Quảng Ninh được làm từ chất gì.
Không nói gì vùng sâu, vùng xa, cách đây vài ba năm, ngay tại Trung tâm Vàng bạc đá quý Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), DN kinh doanh vàng lớn này cũng đã “dính” phải lượng vàng giả. Chỉ tới khi đưa vào chế tác, cán bộ kỹ thuật mới phát hiện số vàng này đã được trộn bột vonfram vì loại bột này có trọng lượng tương đương với vàng.
“Thậm chí, ngày đó chiêu thức làm vàng giả tinh vi đến mức người ta đổ vào bên trong thỏi vàng lõi vonfram, sau đó dùng lớp vàng 9999 bao phủ độ dày nhất định, mắt thường không thể phát hiện. Chỉ đến khi dùng hỏa luyện, vàng nóng chảy, vonfram sẽ tạo thành lớp bột đọng trên bề mặt”, ông Trúc cho biết.
Từ đây, ông Trúc nêu kinh nghiệm đối với người mua vàng nên mua vàng rõ nguồn gốc, nếu là vàng nguyên liệu thì phải yêu cầu được cắt đôi miếng vàng, cho lửa khò chảy bề mặt.
Ngoài bột vonfram, trong những năm gần đây, thị trường còn xuất hiện loại vàng được pha tạp chất lạ 5-10%. Sau khi nghiên cứu kỹ, các chuyên gia cho rằng, tạp chất lạ được pha chế vào vàng chính là hỗn hợp gồm Ru, Ir và Os (ROI), có xuất xứ từ Trung Quốc, Hong Kong.
Các phương pháp kiểm định vàng hiện nay vẫn còn hạn chế (Trong ảnh: Kiểm định vàng bằng phương pháp huỳnh quang tia X tại PNJ). |
Ông Lưu Ngọc Phi, Giám đốc Xí nghiệp Nữ trang, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ cho biết, hiện tượng trên xuất phát từ năm 2010, khi DN kinh doanh sản xuất vàng trong nước thực hiện giao dịch với DN Trung Quốc, Hong Kong.
“Lúc này phần vì máy đo không phát hiện, phần lại do tin tưởng đối tác nên DN Việt đã phải chịu thiệt hại khi mua phải số lượng vàng chứa chất lạ. Khi biết chuyện, với DN có lương tâm, họ sẵn sàng chấp nhận chịu lỗ không đưa chất lạ quay lại thị trường. Tuy nhiên, cũng không trừ trường hợp DN tìm cách phân tán rủi ro của mình”, ông Phi nói.
Theo ông Phi, thời điểm chất lạ xâm nhập vào thị trường Việt Nam, PNJ cũng bị tổn thất rất nhiều. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty đã kiên quyết không đưa chất lạ vào sản phẩm của mình để giữ vững thương hiệu. Ông Phi khẳng định: “Chúng tôi chấp nhận lỗ, kiên quyết duy trì chất lượng dòng sản phẩm của mình”.
Nhận định về việc DN sản xuất cố tình đưa lượng vàng kém chất lượng ra thị trường, ông Nguyễn Thanh Trúc thừa nhận vẫn còn tình trạng làm ăn chụp giật kiểu đó. Thậm chí, theo ông Trúc còn có hiện tượng DN trong nước ăn cắp thương hiệu, làm giả thương hiệu vàng uy tín.
Việc ra đời của Thông tư 22 (tháng 6/2014), quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường, bước đầu đã chấn chỉnh chất lượng vàng trên cả nước. Tuy nhiên, để làm lành mạnh thị trường, ông Trúc kiến nghị cần duy trì biện pháp kiểm tra liên tục, xử phạt nghiêm những DN vi phạm.
Bất cập kiểm định vàng
Theo TS. Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng Viện Hóa học (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam), thời gian qua, tình trạng kiểm định vàng tại Việt Nam chưa được quản lý và kiểm soát chặt chẽ. Hầu hết các giao dịch vẫn chủ yếu dựa vào tín chấp.
Thông tư 22 quy định 3 phương pháp để xác định tuổi vàng, lượng vàng... Tuy nhiên, ông Lợi phân tích cả ba phương pháp này đều cho thấy bên cạnh những ưu điểm vẫn còn hạn chế.
Thứ nhất, với phương pháp huỳnh quang tia X, với ưu điểm không phá hủy mẫu, dễ sử dụng, phân tích nhanh, độ chính xác cao..., song nhược điểm lại chỉ xác định được vàng có trên bề mặt của mẫu, nếu tạp chất nằm trong lõi sẽ không phát hiện được.
Thứ hai, phương pháp quang phổ phát xạ plasma cảm ứng: Độ chính xác cao, phù hợp với nhiều đối tượng mẫu, tuy nhiên, phải phá hủy mẫu, vốn đầu tư trang thiết bị lớn, không phải đơn vị nào cũng có điều kiện để mua sắm. Mặt khác, để cho ra kết quả chính xác, đòi hỏi người thợ phân tích có tay nghề, kỹ năng cao...
Thứ ba, phương pháp cupen hóa (hỏa luyện) tương tự cũng phải phá hủy mẫu, bị ảnh hưởng bởi các hợp kim khác nếu xuất hiện.
“Trong bối cảnh hiện nay, với những chiêu thức tinh vi, xuất hiện nhiều thách thức, khó khăn trong việc phát hiện vàng giả”, TS Lợi nhận định.
Cụ thể, nếu vàng giả chế từ vonfram, chỉ duy nhất bằng phương pháp tạo lõi do vonfram có tỷ trọng (19,30) gần tương đương với tỷ trọng của vàng (19,32), nên bằng phương pháp tỷ trọng không thể phân biệt được, mặt khác phương pháp huỳnh quang tia X chỉ đo được vàng trên bề mặt nên rất khó phát hiện. Trong trường hợp này, để phát hiện vonfram trong lõi chỉ giải quyết bằng phương pháp cơ học. Còn trường hợp vonfram dạng bột, khi đưa vào vàng sẽ tạo thành hợp chất oxi vonfram có tỷ trọng thấp hơn vàng sẽ tạo xỉ và nổi trên bề mặt nóng chảy.
Mặt khác đối với vàng chứa tạp chất ROI, phương pháp huỳnh quang tia X không phát hiện được khi hàm lương ROI nhỏ hơn 1%. Với phương pháp hỏa luyện (fire assay) sẽ gây sai số dương.
Vì vậy, theo TS. Lợi, khi xuất hiện các hợp chất trên không được áp dụng các phương pháp huỳnh quang tia X và phương pháp hỏa luyện mà cần phải sử dụng phương pháp quang phổ phát xạ plasma cảm ứng hoặc cần phải phân kim vàng.
Giao dịch vàng vẫn dựa vào tín chấp
Theo ông Dương Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, từ xưa tới nay, uy tín vẫn là mục tiêu hàng đầu DN sản xuất, kinh doanh vàng theo đuổi. Lượng giao dịch nhiều, không phải hoạt động nào cũng có thể đem đi đo, kiểm định. “Tín chấp vẫn là nền tảng trong giao dịch, khi bên ngoài vô vàn hành vi gian dối mà ngay cả những thiết bị máy móc vẫn có thể sai sót, khi vẫn còn cơ sở cố tình trục lợi đánh lừa người tiêu dùng”, ông Tuấn nói và cho rằng, nếu nghi ngờ, người tiêu dùng mang sản phẩm tới những cơ quan được chỉ định thử nghiệm vàng. Nếu phát hiện gian dối cần khiếu kiện tới những cơ quan chức năng.