Vàng giả hay vàng pha tạp?
Trên thị trường đang xuất hiện thông tin vàng giả với 50% nguyên chất và 50% là vonfram. Kim loại quý này khi qua đèn khò thì không thể phát hiện được bởi vàng không bị đen mà chỉ hơi xạm.
Thực tế, theo giới chuyên gia, loại vàng nói trên không phải vàng giả, mà chỉ là vàng bị pha tạp (không nguyên chất). Tuy nhiên, từ trước đến nay, người Việt Nam vẫn mặc định vàng 9999 mới là vàng thật, nên những loại pha tạp hoặc có tỷ lệ vàng thấp bị coi là giả (sau đây thuật ngữ vàng giả được dùng cho loại này).
Một số miếng vàng giả (thực chất là vàng pha tạp) phát hiện tại Quảng Ninh. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Thanh Trúc, Tổng giám đốc Công ty Vàng Agribank, Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh Vàng Việt Nam cho biết, trước đây, đơn vị ông đã khuyến cáo với người tiêu dùng về vấn đề vàng pha trộn. Cách đây vài năm, trên thị trường cũng xuất hiện thông tin vàng giả được nhập từ Hong Kong, Trung Quốc. Sau đó, khi cơ quan chức năng vào cuộc tìm hiểu, việc này đã lắng lại.
Về phương thức làm vàng giả tinh vi khó phát hiện như trường hợp chủ tiệm P. nêu ra, ông Trúc cho rằng, vonfram được nghiền dưới dạng bột rất mịn và được trộn khi vàng nóng chảy. Sau đó, lớp bọc bên ngoài là vàng nguyên chất. Thông thường, tỷ trọng giữa vàng và vonfram không được quy định, dao động 50:50, 60:40, 70:30… Tỷ trọng kim loại trộn kèm càng cao, vàng càng kém nguyên chất.
Những cách phân biệt vàng thật, giả thường được áp dụng là tỷ trọng, huỳnh quang tia X và phân kim. Với vàng trộn vonfram theo cách như trên, phương pháp tỷ trọng, theo ông Trúc, khó có thể phát hiện ra. Thậm chí, việc dùng huỳnh quang tia X đôi khi cũng không phát hiện được vàng nguyên chất hay pha trộn vì tia này chỉ bắn được chuyên sâu dưới 1 mm, không vào được lớp có bọc vonfram.
Do đó, theo ông Trúc, cách tốt nhất là cần cắt thỏi vàng ra, dùng lửa khò thật kỹ. Nếu như vàng tan mà vẫn còn lớp bột ráp bám trên bề mặt cắt thì nhiều khả năng là vàng đã bị pha trộn kim loại khác. Để chính xác hơn, người thử có thể dùng phương pháp phân kim song đây thường là cách làm cuối cùng trong trường hợp những phương thức trên chưa chắc chắn.
Chuyên gia này chia sẻ, trước đây, thông tin vàng giả từ Trung Quốc, Hong Kong tràn sang cũng đã xuất hiện song sau đó lắng lại. Cách làm giả này, theo ông, thực ra không khó vì khi nghiền vonfram dưới dạng bột thì mỗi hạt chỉ có kích thước vài micromet được trộn vào vàng đang nóng chảy, sau đó được bọc vàng nguyên chất thì khó có thể phát hiện ra. Vonfram hiện nay có giá rẻ hơn vàng cả vài chục, vài trăm lần nên việc pha trộn như vậy mang lại lợi nhuận tương đối cao nếu như bán với giá vàng nguyên chất.
“Người tiêu dùng nên cẩn thận chọn mua những loại vàng miếng SJC, AAA ở các điểm uy tín bởi đây là sản phẩm được nấu từ vàng 9999. Với nhẫn trơn – sản phẩm dễ bị pha trộn kim loại khác – người dân cũng nên chọn mua tại các doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất mặt hàng này thay vì vào cửa tiệm nhỏ lẻ”, ông Trúc nói.
Dùng đèn khò là cách phân biệt vàng thật, giả truyền thống được nhiều tiệm áp dụng song không phải lúc nào cũng cho kết quả chính xác. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Giáo sư Phan Trường Thị, Viện trưởng Viện Đá quý vàng và trang sức Việt cho rằng, gọi vàng không nguyên chất là vàng giả là chưa chính xác.
Vàng giả là loại có hình dạng, màu sắc, kết cấu giống với vàng nhưng không phải vàng. Loại thứ hai vẫn thường quen gọi là vàng giả thực chất là vàng không nguyên chất. Như trường hợp của các chủ tiệm vàng ở Hạ Long (Quảng Ninh), ông Thị cho rằng, đó là vàng không nguyên chất.
Cách phân biệt
Có kinh nghiệm lâu năm trong ngành vàng, ông Thị chia sẻ, một số nguyên tố có thể pha với vàng để tạo ra vàng không nguyên chất là kẽm, niken, bạc, chì, song phổ biến hơn cả là vonfram. Tỷ lệ pha chế sẽ tùy theo chất lượng của từng thỏi vàng giả. Theo ông, cách để nhận biết độ nguyên chất của vàng nhanh và chính xác nhất là đo bằng máy phân tích, phân kim.
“Dùng đèn khò hay đá thử vàng là cách truyền thống được nhiều chủ tiệm vàng áp dụng. Tuy nhiên, thông thường, chỉ những chủ tiệm lâu năm mới có thể có kinh nghiệm để làm việc này. Còn lại, với việc pha trộn ngày càng tinh vi thì cách tốt nhất là máy đo, cuối cùng là phân kim”, ông Thị chia sẻ. Theo ông, chi phí cho việc thử này cũng không cao tuy nhiên không phải ai cũng sẵn sàng áp dụng vì chủ quan.
Ông Thị cho rằng, những người thợ cực giỏi và có kinh nghiệm mới nhận biết được vàng thật, giả thông qua máy khò. Khi khò, họ cũng phải nắm được các nguyên tắc về nhiệt độ, màu lửa, chất nào nóng chảy trước, chất nào chảy sau. Phương pháp đá thử vàng cũng có thể áp dụng tuy nhiên khá nhiều công đoạn và chủ tiệm phải mua thiết bị.
Một chuyên gia khác về vàng cho hay, ưu điểm của phương pháp phân kim là giúp phân định rõ ràng tỷ lệ, hàm lượng vàng nguyên chất. Tuy nhiên, nhược điểm là sẽ làm cho vàng bị đun nóng, trở về dạng nguyên thủy và có nguy cơ bị hao hụt trong quá trình xử lý. Do đó, cách làm này thường ít được lựa chọn.
Thông tin vàng được làm giả tinh vi tại Hạ Long (Quảng Ninh) xuất hiện trong vài ngày trở lại đây. Trên báo Tuổi Trẻ, anh T.Q.P, chủ một tiệm vàng cho biết đã mua 7 lượng vàng nguyên liệu từ 2 người khách. Hơ qua lửa đèn khò thấy sản phẩm không bị đen mà chỉ hơi sạn, anh P. nghĩ đó là vàng thật kém chất lượng nên mua 7 lượng với giá 210 triệu đồng. Sau đó, kết quả phân kim cho thấy vàng này chỉ có 50% vàng nguyên chất, 50% là vonfram.
Anh Đ., chủ một tiệm khác ở Hạ Long cũng mua phải 3 lượng vàng kém chất lượng. Anh Đ. dùng đèn khò thì thấy có sạn trong vàng. Khi nấu nguyên cục, lật ngược anh thấy có màu trắng, đổ lại lại thành vàng nguyên khối, đưa vào mày đo quang phổ không ra kết quả. Anh Đ. cho biết đã báo cáo sự việc lên cơ quan chức năng.