Ngày 16/11, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Kim Đức Thụ, Giám đốc Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường 1 (Tổng cục Đo lường chất lượng) cho rằng: “Việc kiểm định vàng rất khó. Hiện, máy kiểm định tại trung tâm chỉ xác định được thành phần vàng bề mặt còn lõi là cái gì thì chịu”.
Ông Trịnh Quang Hiệp, Phụ trách công nghệ, trang sức của Công ty TNHH Vàng Bạc Bảo Tín Minh Châu thì cho biết để đảm bảo chất lượng, mỗi thương hiệu vàng phải tự trang bị máy móc thiết bị hiện đại kiểm tra.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh Vàng Việt Nam lại lưu ý, hiện chỉ có Ngân hàng Nhà nước cùng Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam thành lập ra Công ty Kiểm định vàng bạc đá quý Việt Nam.
Nhưng công ty này đang quá trình hoàn chỉnh máy móc thiết bị để hoạt động trong khi các đơn vị kiểm định của Trung tâm kiểm định 1 (Tổng cục Đo lường chất lượng) chuyên kiểm định vàng thì lại rất ít hoạt động.
Theo ông Trúc, việc làm giả vàng chủ yếu rơi vào vàng trang sức như: nhẫn tròn trơn còn vàng miếng làm giả khó hơn. “Phương thức làm vàng giả vừa phát hiện vừa qua rất tinh vi và khó phát hiện bởi vonfram được nghiền dưới dạng bột rất mịn và được trộn vào khi vàng nóng chảy.
Sau đó, lớp bọc bên ngoài là vàng nguyên chất. Vonfram hiện nay có giá rẻ hơn vàng tới vài chục lần nên việc trộn mang lại lợi nhuận cao - nếu so với giá vàng nguyên chất”, ông Trúc nói. Ông Trúc cho biết thêm, hiện tỷ trọng vàng và vonfram tương đương nhau nên rất khó phân biệt thật giả.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vừa giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan xác minh, làm rõ thông tin các báo phản ánh về tình trạng buôn bán vàng giả, vàng kém chất lượng để có biện pháp phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân; báo cáo Thủ tướng kết quả trong tháng 12/2015.