Nhiều người vẫn không hiểu tại sao cô Wong Kwai-yung lại đi bơi ở bãi biển Đệ Nhất ở vịnh Clear Water thuộc quận Sai Kung vào buổi sáng ngày 13/5/1995. Đó là quyết định khiến cô phải trả giá bằng tính mạng.
Chỉ trong 2 tuần trước đó, 2 người đã thiệt mạng vì bị cá mập tấn công ở bờ biển phía đông của thành phố, nâng số người tử vong vì nguyên nhân này lên 7 trường hợp trong vòng 4 năm. Nỗi sợ hãi trước loài cá dữ tợn gần như lên đến đỉnh điểm trong thời gian này.
Nhưng đối với cô Wong, việc đi bơi mỗi sáng đã có trong lịch trình hàng ngày của mình nhiều năm qua, và cô cùng với khoảng 50 người khác vẫn đủ dũng cảm để xuống dưới nước vào sáng hôm đó. Cô Wong thậm chí còn cảnh báo mọi người về việc phải chú ý, và phải bơi ở khu vực nước nông để tránh cá mập.
Các nhân chứng nói rằng họ nghe thấy cô Wong hét lớn vào lúc 8h sáng.
Biển cảnh báo được đặt trên bãi biển Silverstrand ở khu Sai Kung năm 1993, sau 2 vụ cá mập tấn công gây chết người. Ảnh: South China Morning Post. |
Nơi chết chóc nhất thế giới vì cá mập
"Tôi vừa mới hỏi cô ấy rằng chúng ta có nên trở vào bờ hay không. Cô ấy bảo tôi đi trước và sẽ lên bờ sau. Khi tôi vừa lên bờ, tôi quay lại đã thấy cô ấy nổi trong vũng máu", một người bạn cùng đi bơi với cô Wong kể lại.
Khi thi thể của nạn nhân được đưa lên khỏi mặt nước bởi nhân viên cứu hộ, chân trái của cô đã bị xé toạc đến phần hông, và cánh tay trái cũng không còn. Các bác sĩ sau đó cho rằng có nhiều hơn một con cá mập đã tấn công cô Wong, vì họ tìm thấy 7 dấu răng ở bụng và 2 ở đùi phải, với kích cỡ khác nhau.
Kể từ ngày định mệnh đó tới nay đã là 25 năm, và Hong Kong chưa ghi nhận thêm trường hợp nào tử vong vì cá mập tấn công. Thảm kịch buổi chiều tháng 6/1995 đã kết thúc một chương đẫm máu trong lịch sử thành phố, khi Hong Kong chứng kiến nhiều người thiệt mạng vì cá mập tấn công hơn bất cứ nơi nào trên thế giới.
Từ năm 1991 đến 1995, ranh giới giữa chuyện phim kinh dị và đời thực gần như bị xoá bỏ, khi người dân Hong Kong sống trong sự ám ảnh với loài cá mập. Báo chí giật tít về việc có người nhìn thấy cá mập khổng lồ, thuyết âm mưu tràn lan và những cuộc tranh luận gay gắt về việc làm thế nào để giải quyết vấn nạn này.
Tiến sĩ Andy Cornish lớn lên ở Hong Kong và đang là người lãnh đạo chương trình phục hồi loài cá mập và cá đuối toàn cầu của WWF. Ông Cornish cũng từng ngâm mình dưới làn nước ở vịnh Clear Water trong thời điểm cả thành phố hoảng loạn vì cá mập.
"Khi đó tôi đang làm luận án tiến sĩ về cá ở rạn san hô, và một trong những khu vực mà tôi phải nghiên cứu là đảo Sharp, ngay đối diện vịnh Clear Water, nơi những vụ cá mập tấn công xảy ra. Vì vậy đó là quãng thời gian khá căng thẳng, chúng tôi nghe rằng mọi người đi thuyền ra khơi, ném những con gà xuống nước với móc câu ở trong đó. Tình hình khá kích động", ông Cornish kể lại.
Vic Hislop, thợ săn cá mập chuyên nghiệp người Australia, được chính quyền Hong Kong thuê để giải quyết vấn nạn. Ảnh: South China Morning Post. |
Chính quyền Hong Kong thậm chí đã thuê một thợ săn cá mập chuyên nghiệp từ Australia là Vic Hislop để giúp giải quyết vấn đề, nhưng sau khi đến thành phố và bị ngộ độc thực phẩm, ông này trở về sau 2 tuần mà không có thành quả nào.
Có ý kiến cho rằng nên thả lựu đạn từ máy bay trực thăng xuống dưới biển để đuổi cá mập khỏi khu vực vịnh. Một hãng truyền thông bỏ ra 100.000 HKD để chế tạo lồng thép chắc chắn giúp bảo vệ thợ lặn, nhưng sau 50 lần sử dụng, không ai nhìn thấy con cá mập nào cả.
Câu chuyện buồn ẩn sau số liệu tích cực
Gần như có thể khẳng định là 3 trường tử vong do cá mập tấn công từ ngày 31/5 đến 13/6 năm 1995 được gây ra bởi một cặp cá mập hổ, dựa trên những vết cắn từ thi thể cô Wong, cũng như các báo cáo của người dân địa phương về việc nhìn thấy chúng.
"Chúng ta đã biết nhiều hơn về cá mập hổ so với trước đây. Một trong những chiến lược mà chúng sử dụng là xuất hiện ở nơi không có những con cá mập hổ khác, một cách bất ngờ, tìm vài con mồi và đi tiếp. Vì vậy những con ở Hong Kong có thể đã làm điều đó - một chuyến thám hiểm khám phá", tiến sĩ Cornish nhận định.
"Nhưng vào lúc đó, có rất ít các loại cá khác ở vùng biển Hong Kong, vì vậy có thể chúng đã thử nghiệm một nguồn thực phẩm tiềm năng bằng cách tấn công con người. Đó là lý do tại sao rất ít người chết vì bị cá mập tấn công thật sự bị ăn thịt. Cá mập cắn họ, không thích món này và bỏ đi", ông Cornish nói thêm.
Bà Yvonne Sadoby, nhà hải dương học của Đại học Hong Kong, kể lại việc từng được chính phủ mời lấy ý kiến cùng với các chuyên gia khác. Kết quả là những tấm lưới chắn cá mập sẽ được lắp đặt xung quanh khoảng 40 bãi biển trên thành phố.
"Ban đầu có thông tin cho rằng những vụ tấn công đều được gây ra bởi một con cá mập 'điên', nhưng chưa hề có bằng chứng cho thấy thủ phạm là một con vật duy nhất, hay nó quay lại để tấn công sau hàng năm. Thời điểm xảy ra 3 vụ tấn công cũng là vào mùa mưa, lúc thường ít xuất hiện cá mập, trong khi trước đây việc cá mập xuất hiện là điều phổ biến. Mọi người quên rằng từng có ngành đánh bắt cá mập phát triển ở vùng biển này", bà Sadoby nói.
Mặc dù không có vụ tấn công bằng cá mập nào được ghi nhận trong vòng 25 năm qua là điều tốt, nhưng thống kê này ẩn chứa một thông tin đáng lo ngại khác: Việc đánh bắt quá mức đã làm suy giảm nguồn cá - khiến cho quần thể cá mập suy giảm theo - ở vùng biển xung quanh Hong Kong 50 năm qua.
Những tấm lưới với đường kính 2,5 cm được lắp đặt xung quanh 40 bãi biển của Hong Kong để ngăn chặn cá mập, và từ năm 1995 tới nay đã không có vụ tấn công nào xảy ra. Ảnh: South China Morning Post. |
Như được nêu trong báo "Những con cá mập Đông Nam Á" được công bố năm 2010 với bà Sadoby là đồng tác giả, việc đánh bắt cá mập ở vùng biển phía đông Trung Quốc đã xuất hiện từ hơn 3.000 năm trước. Trong thập niên 1960, mỗi năm Trung Quốc đánh bắt từ 9.000-12.000 tấn cá mập.
Báo cáo từ 50 năm trước đã ghi nhận việc đánh bắt những con cá mập búa dài tới 4,5 mét, và một lượng lớn cá mập đầu đen. Nhưng đến thập niên 1970 và 1990, ngành đánh bắt cá mập ở khu vực hoàn toàn sụp đổ.
Trong số 109 loài được ghi nhận ở Biển Đông, chỉ có 18 loài được nhìn thấy vào lúc này thông qua đánh bắt, và 65% chúng đều có kích thước chưa tới mức trưởng thành, theo báo cáo của bà Sadoby.
"Tất cả những con cá lớn đều đã bị bắt rồi. Tình hình từ thập niên 1970 đến nay thật sự tồi tệ. Tôi đã thực hiện 850 chuyến lặn ở Hong Kong nhưng chỉ một lần duy nhất nhìn thấy cá mập. Đã không có báo cáo về việc nhìn thấy cá mập ở Hong Kong trong vòng 10 năm qua. Mặc dù vậy, cá mập vẫn mang tiếng xấu không đáng có. Rắn giết 20.000 đến 50.000 người mỗi năm trên toàn thế giới. Cá mập chỉ giết 6", ông Cornish nói.