Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bí ẩn âm mưu Trung Quốc cài gián điệp vào Quốc hội Australia

Chính quyền Australia đang điều tra thông tin đường dây gián điệp Trung Quốc cố gắng cài cắm điệp viên của Bắc Kinh vào Quốc hội Australia.

Sydney Morning Gerald dẫn nhiều nguồn thạo tin cho biết nhóm tình báo Trung Quốc bị cáo buộc đã đề nghị trả 1 triệu USD cho chiến dịch tranh cử của Bo "Nick" Zhao, 32 tuổi. Ông Zhao là thành viên đảng Tự do và là đại lý buôn xe hơi hạng sang ở Melbourne.

Đây được cho là một trong những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm cài cắm đặc vụ vào Quốc hội Australia.

Mua chuộc ứng viên Australia?

Khoảng một năm trước, ông Zhao khai với Tình báo An ninh Australia (ASIO) về thông tin cáo buộc nói trên và cho biết ông được một doanh nhân khác ở Melbourne tên Brian Chen tiếp cận.

Brian Chen (tên tiếng Trung là Chen Chunsheng) phủ nhận quen biết ông Zhao và khẳng định mình không liên quan đến các hoạt động tình báo của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho biết chính quyền Australia đã xác định ông Chen có liên lạc với ông Zhao.

Lời khai của ông Zhao châm ngòi cho cuộc điều tra về nỗ lực của tình báo quân đội Trung Quốc nhằm đưa điệp viên vào Quốc hội Australia.

Vào tháng 3, ông Zhao được phát hiện đã tử vong trong nhà nghỉ ở Melbourne. Cảnh sát địa phương hiện chưa xác định được nguyên nhân cái chết.

gian diep Trung Quoc australia anh 1
Bo "Nick" Zhao (trái) và Brian Chen là trung tâm của cuộc điều tra. Đồ họa: Steven Siewert. 

Cáo buộc tài trợ cho chiến dịch của ông Zhao là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy chính phủ Trung Quốc cố gắng can thiệp vào nước khác, đồng thời phản ánh quy mô và bản chất mối đe dọa từng được ASIO coi là "chưa từng thấy".

Đây được cho là "hoạt động do chính phủ tài trợ để thâm nhập vào Quốc hội của chúng tôi bằng cách lợi dụng công dân Australia. Về cơ bản, họ sẽ bị điều khiển để trở thành tác nhân có ảnh hưởng trong hệ thống dân chủ của chúng tôi", ông Jason Hastie, Chủ tịch ủy ban an ninh và tình báo Quốc hội Australia, nói. 

Thông tin cáo buộc nói trên được đưa ra trong bối cảnh một người đàn ông Trung Quốc tự xưng là gián điệp của Bắc Kinh đã đào tẩu đến Australia xin tị nạn.

Wang Liqiang đã trao cho cơ quan phản gián của nước này danh tính của những sĩ quan tình báo cấp cao của Trung Quốc ở Hong Kong. Đồng thời, người này cung cấp chi tiết về cách thức Bắc Kinh tài trợ và tiến hành các hoạt động ngầm tại Hong Kong, Đài Loan và Australia.

Chính quyền Trung Quốc phản bác thông tin từ Wang do truyền thông Australia đăng tải. Cảnh sát Thượng Hải hôm 23/11 cho biết William Wang Liqiang, 26 tuổi, là công nhân thất nghiệp đến từ Nam Bình, thuộc tỉnh Phúc Kiến. Wang bị tòa án quận Quảng Châu, Phúc Kiến, kết án tù treo 1,5 năm vào tháng 10/2016 vì tội lừa đảo.

Wang tiếp tục bị điều tra vì liên quan đến cáo buộc lừa đảo thứ hai vào tháng 4. Wang được cho đã dùng dự án nhập khẩu gian lận xe hơi để lừa đảo 4,6 triệu nhân dân tệ (0,65 triệu USD) từ người có tên Shu vào tháng 2. Cuộc điều tra vụ án vẫn đang tiếp diễn.

Hôm 24/11, Wang phủ nhận tuyên bố của cảnh sát Thượng Hải, theo Sydney Morning Herald. Vụ việc của ông Zhang và ông Chen được cho không liên quan đến những gì Wang tiết lộ với ASIO.

gian diep Trung Quoc australia anh 2
Wang Liqiang tự nhận là gián điệp Trung Quốc và đã đào tẩu sang Australia. Ảnh: Steven Siewert.

"Mục tiêu hoàn hảo"

Trái ngược với quan điểm gần đây của cựu thủ tướng Paul Keating, cựu giám đốc ASIO Duncan Lewis cho biết hệ thống chính trị Australia đang bị Bắc Kinh tấn công. Ông Lewis cảnh báo rằng chính phủ Trung Quốc đang tìm cách "tiếp quản" hệ thống chính trị của Australia thông qua các hoạt động can thiệp "quỷ quyệt" vào nước khác.

Thông tin của đảng Tự do cho thấy từ năm 2015 cho đến khi qua đời, ông Zhao là đảng viên đảng Tự do tại Chisholm. 

"Ông là một thành viên được trả lương, điều đó có nghĩa là ông có khả năng hoạt động trong chi nhánh và bộ phận của mình. Tôi nghĩ Nick là mục tiêu hoàn hảo để khai thác, một gã hơi cao ngạo ở Melbourne, chi tiêu quá trớn, đối tượng dễ bị điệp viên nước ngoài tác động", Chủ tịch ủy ban an ninh và tình báo Quốc hội Australia Hastie nói.

Ông Zhao sống ở vùng ngoại ô phía đông nam Glen Iris cùng vợ và con gái. Từ năm 2016, ông Zhao phải đối mặt với các vấn đề tài chính nhưng không cho bạn bè và người thân biết.

Hồ sơ tòa án cho thấy năm 2017, ông Zhao bị buộc tội lừa đảo vay tiền để mua xe hạng sang. Năm 2018, các quản trị viên bắt đầu truy lùng ông sau khi đại lý ôtô Brighton đóng cửa. Đến đầu năm 2019, ông Zhao đã bỏ vợ và nợ tiền của các nhà đầu tư Trung Quốc.

Ông Bill McLoy, người từng quản lý đại lý xe hơi của ông Zhao ở Ringwood, cho rằng ông Zhao là "gã trẻ rất tham vọng và luôn vượt lên chính mình".

Đầu năm 2019, ông Zhao nói với hai cộng sự rằng ông đã tiết lộ với ASIO về việc ông Chen đề nghị thành lập công ty mới với số vốn hàng triệu USD. Đổi lại, ông Chen muốn ông Zhao đại diện cho khu vực bầu cử Chisholm ra tranh cử vào Quốc hội Australia.

gian diep Trung Quoc australia anh 3
Brian Chen. Ảnh: Sydney Morning Gerald.

Ông Zhao được một nhân viên vệ sinh phát hiện đã tử vong trong phòng trọ ở ngoại ô Mount Waverley hồi tháng 3. Cái chết của ông Zhao có nghĩa ông không bao giờ có thể tuyên bố công khai cáo buộc về ông Chen.

"Tôi không biết anh ấy (Nick Zhao). Tôi thực sự không biết gì về anh ấy", ông Chen nói. 

Các nhân viên cũ cho biết họ nghe tin ông Zhao có thể đã tự sát. Theo Chủ tịch ủy ban an ninh và tình báo Quốc hội Hastie, "chúng tôi cần khám phá mọi ngóc ngách và soi chiếu mọi góc khuất để đảm bảo có thể nhận thức đầy đủ và toàn diện về nguyên nhân cái chết của ông Zhao". 

Đời tư phức tạp của Chen

Truyền thông Australia xác nhận từ nhiều nguồn tin an ninh phương Tây cho rằng ông Chen là quan chức tình báo cấp cao của Trung Quốc. Doanh nhân này có cuộc sống khá phức tạp tại Melbourne.

Ảnh chụp cho thấy ông mặc đồng phục quân đội Trung Quốc và đóng giả làm nhà báo khi tham dự các hội nghị chính trị quốc tế, bao gồm G20 và APEC.

Ông Chen giải thích ông "có bạn là binh sĩ Trung Quốc nên đã mượn đồng phục của họ để chụp ảnh khoe. Ngoài ra không có ý nghĩa gì khác". Về việc tham gia các hội nghị, ông Chen nói "tôi chỉ đi theo một người bạn, lang thang khắp đất nước. Tôi được giới thiệu với một số người bạn và thực hiện một số dự án".

Doanh nhân này có mạng lưới liên kết tại Australia với những người đã quyên góp cho cả hai đảng chính trị lớn. Ông Chen từng làm việc với nhiều cựu quan chức chính trị cấp cao trên khắp châu Á và châu Âu.

Công ty kinh doanh của ông Chen, có tên Prospect Time, cũng đóng góp vào sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc. Điều này dấy lên nghi ngờ ông Chen sử dụng "Vành đai, Con đường" làm vỏ bọc cho hoạt động tình báo.

Cảnh sát TQ: Gián điệp đào tẩu sang Australia thực chất là kẻ lừa đảo

Cảnh sát Thượng Hải tuyên bố người đàn ông Trung Quốc tự xưng là điệp viên bí mật của Bắc Kinh hiện đào tẩu sang Australia thực chất là một kẻ lừa đảo bị kết án và truy nã hình sự.

Lãnh đạo tình báo Australia ủng hộ cấp quyền tị nạn cho gián điệp TQ

Lãnh đạo Ủy ban Tình báo Quốc hội Australia lên tiếng ủng hộ việc cấp quyền tị nạn cho người tự nhận là gián điệp Trung Quốc hiện đã đào tẩu tới nước này.



Hương Ly

Bạn có thể quan tâm