Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bếp từ TQ đội lốt Đức, Italy: Khách bị móc túi cả chục tỷ

Hàng chục nghìn bếp từ Trung Quốc có giá chỉ 23-75 USD được phù phép thành bếp từ của Đức, Italy. Cả vạn gia đình bị lừa đảo, móc túi hàng chục tỷ đồng.

Hàng Trung Quốc đội lốt

Đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả siêu khủng này của Nguyễn Huy Thọ - GĐ Công ty TNHH Romal VN. Sau khi được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp nhãn hiệu Romal và Kucy, trong khoảng thời gian tháng 6/2012 đến tháng 1/2015, Thọ đặt hàng một số công ty Trung Quốc làm bếp từ, bếp hồng ngoại, lò vi sóng, máy hút mùi và nhập khẩu vào VN. 

Trong khoảng thời gian trên, tổng số hàng hoá mà Thọ nhập khẩu về VN lên tới 14.846 sản phẩm, trị giá gần 500.000 USD. Số hàng trên được Thọ đưa về kho của công ty ở phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), sau đó chỉ đạo nhân viên bóc nhãn “Made in China” để dán nhãn hàng các nhãn hiệu Romal hoặc Kucy sản xuất tại Đức, Italy và bán ra thị trường cho người tiêu dùng. 

Theo lời khai tại cơ quan công an, các sản phẩm hàng hoá của Công ty Romal nhập khẩu từ Trung Quốc có giá nhập chỉ 23-75 USD, sau khi dán nhãn hàng nhập khẩu Châu Âu, giá bán ra lên tới 3-20 triệu đồng.

Sau một thời gian trinh sát, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) Bộ Công an phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra kho và trụ sở văn phòng của Công ty Romal. Kiểm tra kho hàng, cơ quan chức năng kiểm đếm có hơn 2.000 sản phẩm gia dụng, trong đó có 135 sản phẩm nhãn hàng hoá in xuất xứ Châu Âu. 

Đồng thời, Cục Chống buôn lậu Tổng cục Hải Quan tạm giữ hai container hàng nhập khẩu từ Trung Quốc của Công ty Romal, kèm theo 700 nhãn in “Made in Italy”, “Made in Germany”. Xác minh ban đầu của cơ quan điều tra cho thấy, Công ty Romal VN nhập hàng nghìn sản phẩm với tổng giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng. 

Sau khi dán nhãn mác hàng châu Âu, số hàng này được bán ra với giá trị hàng trăm tỉ đồng. Ngày 16/6, Cơ quan CSĐT Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Huy Thọ về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”.

Chiết khấu “khủng” để tăng doanh số

Theo lời khai của Trưởng phòng kinh doanh Công ty Romal, để tăng doanh số bán hàng, nhân viên kinh doanh công ty có trách nhiệm đi xuống các cửa hàng để giới thiệu sản phẩm của Romal được nhập khẩu từ Đức, Italy với giá bán được niêm yết trên website của công ty cũng như trong các tờ rơi, quảng cáo. 

Tuy nhiên Công ty Romal chiết khấu cho các đại lý với mức “khủng” để tăng doanh số, như chiết khấu bếp từ 40%, bếp gas 45% và máy hút mùi là 55%. 

Người tiêu dùng đang lựa chọn bếp từ tại cửa hàng trên phố Hàng Khoai (HN), chụp lúc 19h ngày 18.6.

Người tiêu dùng đang lựa chọn bếp từ tại cửa hàng trên phố Hàng Khoai (HN), chụp lúc 19h ngày 18/6.

Đa phần những đại lý do thấy chiết khấu nhiều, cộng thêm “quảng cáo” của công ty là hàng nhập khẩu châu Âu nên nhập nhiều sản phẩm trên về bán mà không cần để ý tới nguồn gốc. Điển hình như ông Nguyễn Đức Biên (chủ cửa hàng Bếp Gas Việt, quận Thanh Xuân, Hà Nội), ông Trần Văn Lợi (chủ siêu thị Anh Đức ở TX.Từ Sơn, Bắc Ninh) khai báo là do chiết khấu cao nên họ giới thiệu cho khách mà không để ý xem nguồn gốc thật sự có phải là nhập khẩu từ Châu Âu hay không.

Tại cơ quan điều tra, Thọ khai mỗi khi khách có nhu cầu đặt hàng, Thọ thông báo qua email cho một số công ty ở Trung Quốc mà Thọ đã quen từ trước mẫu mã, kiểu dáng, logo của hàng hoá. Sau khi phía Trung Quốc sản xuất xong, Công ty Romal thanh toán tiền hàng, nhà cung cấp sẽ gửi các chứng từ bản gốc hàng hoá cho công ty qua đường chuyển phát nhanh, rồi gửi hàng để công ty tiến hành mở tờ khai tại cảng Hải Phòng, rồi chuyển hàng về công ty, sau đó bán cho các đại lý tiêu thụ.

Đang có lỗ hổng quản lý rất lớn

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Trần Hùng - Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) nhìn nhận, lợi dụng tâm lý sính ngoại của người tiều dùng trong nước, nhiều đối tượng cố tình làm giả các sản phẩm nhập khẩu từ Đức, Italy trong khi ruột lại là sản phẩm gia công toàn bộ ở Trung Quốc.

Một vấn đề nữa được đặt ra là tại sao cơ quan cấp phép, cụ thể là Cục Sở hữu Trí tuệ, lại cấp cho nhiều công ty những tên gọi dễ gây hiểu lầm. Điển hình như tên gọi Romal của Huy Thọ bắt nguồn từ Roma (thủ đô Italy). 

Việc Cục Sở hữu trí tuệ cấp như vậy là không sai nhưng cấp như vậy người dân dễ hiểu lầm đây là những công ty hợp tác của Italia. “Có thể nói, ngay cách đặt tên công ty cũng như sản phẩm của Thọ có ý định lừa đảo ngay từ đầu”, ông Hùng nhấn mạnh. Đối với những người mua phải sản phẩm giả của Thọ, ông Hùng cho biết, hoàn toàn có thể kiện lại chủ doanh nghiệp vì bán hàng giả, không đúng xuất xứ như quảng cáo cho người tiêu dùng. “Họ bị tổn thương, thiệt hại có thể kiện ra toà, kể cả doanh nghiệp có phá sản cũng phải bồi thường cho người tiêu dùng”, ông Hùng chia sẻ.

Đáng chú ý, ngay tại thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra Công ty Romal, ông Hùng cũng biết, một trường hợp mua sản phẩm của Công ty Romal với quảng cáo là hàng của Đức ở hội chợ xây dựng tại Triển lãm Giảng Võ. Với thực tế này, ông Hùng cho rằng: “Việc hàng rởm, không rõ xuất xứ còn ngang nhiên đem đi triển lãm ở hội chợ quốc gia thì bảo sao người tiêu dùng không bị lừa. Phải chăng đây là lỗ hổng trong quản lý hay có sự tiếp tay của cơ quan chức năng khi nhiều công ty đưa hàng giả, hàng nhái vào bày bán công khai mà không bị xử lý. Khâu thẩm định của cơ quan chức năng như vậy là rất yếu kém”.

Nông sản Trung Quốc chiếm chợ đầu mối

Trong khi nông sản Việt Nam ê hề, giá rẻ thì hàng Trung Quốc lại áp đảo, chiếm các chợ đầu mối. Tuy nhiên, thống kê của cơ quan chức năng lại cho thấy con số ngược lại.

http://laodong.com.vn/kinh-te/bep-tu-trung-quoc-doi-lot-hang-duc-italia-hang-van-gia-dinh-bi-moc-tui-ca-chuc-ti-dong-343374.bld

Theo Phi Long/Lao Động

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm