Chính vì vậy, hơn 180 bệnh viện tư nhân đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đang “ngồi trên đống lửa”.
So với bệnh viện công lập được bao cấp đủ thứ, từ đất, nhà, thiết bị y tế, lương cán bộ, hỗ trợ đào tạo... thì bệnh viện tư nhân hoàn toàn tự thân vận động, và đang gặp khó khăn cả về nhân lực, nguồn lực đến các chính sách hỗ trợ.
Phải nói giá dịch vụ ở các bệnh viện công lập hiện không rẻ. Cụ thể giá dịch vụ một ca sinh mổ (tính toàn bộ các chi phí) tại một bệnh viện phụ sản công lập ở Hà Nội xấp xỉ 30 triệu đồng.
Trong đó, bệnh viện tính giá một giường dịch vụ sau sinh trong một phòng dịch vụ 2 giường rất thông thường là 1,5 triệu đồng/giường/ngày đêm.
Thậm chí có phòng dịch vụ ở bệnh viện công chuyên về ngoại khoa lên tới 6 triệu đồng/ngày đêm, một mức giá rất cao, thậm chí cao hơn cả bệnh viện tư, trong khi bệnh viện công được nhận đủ thứ ưu đãi từ ngân sách, trong đó có cả ngân sách cho nghiên cứu khoa học và phát triển kỹ thuật.
Để cạnh tranh với những “ông lớn y tế” là những bệnh viện công được bao cấp tận răng, bệnh viện tư như những anh con nuôi bị bố mẹ không yêu, không cho vốn cũng không truyền cho kinh nghiệm, cứ lăn lóc tự phát triển, và vì thế khó khăn càng chồng chất khó khăn.
Trước hội nghị của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân VN 2016, năm ngoái cũng đã có một cuộc đối thoại tương tự giữa nhóm các bệnh viện tư và cơ quan nhà nước như Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội VN...
Những khó khăn đã nói năm 2015 dường như vẫn còn nguyên ở năm 2016, khi bệnh viện tư hầu như chưa được xếp hạng, vì thế giá dịch vụ tại bệnh viện tư (được đầu tư hiện đại, sạch đẹp) chỉ tương đương với bệnh viện tuyến huyện hoặc thấp hơn!
Chính vì kêu khản cổ mà tình hình vẫn thế, nên Hiệp hội Bệnh viện tư đã kiến nghị Bộ Y tế và các cơ quan chức năng tháo gỡ 9 nút thắt chính sách cho họ. Có ý kiến cho rằng bệnh viện tư sẽ khó phát triển nếu tại các bệnh viện công vẫn còn tình trạng nhập nhằng công - tư như hiện nay.
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện số lượng bệnh viện tư mới chiếm 15%/tổng số bệnh viện toàn quốc, và số giường bệnh tư nhân chỉ bằng 10%/tổng số giường bệnh.
Tất cả các thông số này đều chưa đạt mục tiêu đề ra, và theo ý kiến mới đây của ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế thì giường bệnh tư nhân nên chiếm 40%/tổng số giường bệnh toàn quốc.
Nhưng nếu không tháo những nút thắt kể trên thì không nhà đầu tư nào dại dột bỏ tiền, và tình trạng quá tải bệnh viện, nhập nhằng công tư vẫn sẽ không giải quyết được. Ngay Singapore hay Thái Lan cùng trong ASEAN thì những bệnh viện người Việt chọn sang chữa bệnh đều là bệnh viện tư.
Chi phí chữa bệnh ở nước ngoài của người Việt theo một ước tính gần đây là khoảng 2,5 tỷ USD/năm.
Nếu để nhà đầu tư đầu tư bệnh viện như nước ngoài, chắc chắn có bệnh viện sẽ phát triển được như vậy và người Việt có thể được chữa bệnh với chất lượng dịch vụ đạt chuẩn quốc tế, kỹ thuật tiên tiến ngay ở trong nước.
Nhưng vấn đề là Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội có sớm tháo được những rào cản với họ?