Đại biểu Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: Hoàng Hà |
Bên hành lang Đại hội XII, đại biểu Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, đã chia sẻ những vấn đề đáng quan tâm của ngành y, trong đó có việc thay đổi thái độ phục vụ của cán bộ y bác sĩ với người bệnh...
- Thời gian qua, các đối tượng đi khám bằng Bảo hiểm y tế đôi khi còn gặp phải cái nhìn thiếu thiện cảm, sự thiếu nhiệt tình của các y bác sĩ?
- Một đột phá chiến lược của Bộ Y tế là việc đổi mới toàn diện phong cách phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Đột phá này nhằm hướng tới đổi mới tư duy từ cơ chế bao cấp cũ là xin – cho chuyển sang cơ chế thị trường phục vụ người dân vì nếu không có người dân, người bệnh thì thầy thuốc cũng chẳng cần tồn tại để làm gì.
Những vấn đề về thái độ, y đức phải được thay đổi, tất cả mọi người đến khám chữa bệnh mình phải coi đó là trung tâm, giống như người ta hay gọi là thượng đế. Họ dù là bệnh nhân cũng không phải xin anh cái dịch vụ khám chữa bệnh mà đến để “mua” dịch vụ y tế đó, dù là người Bảo hiểm y tế thanh toán hay người bỏ tiền túi ra.
Thay đổi thái độ của y bác sĩ phải từ từ. Anh đang quen tư duy người ta đến với mình để mình ban ơn thì giờ phải đổi sang tư duy người ta đến mình phục vụ.
Anh là người cung cấp dịch vụ thì phải mời chào, nhiệt tình, thu hút, coi những người đó là trung tâm, là khách hàng, là thượng đế. Thái độ với khách hàng không tốt, người ta quay đi thì sẽ lựa chọn những bệnh viện tư.
Do đó, bắt buộc các bệnh viện phải điều chỉnh. Đó là biện pháp kinh tế, nếu bệnh nhân bỏ đi, bệnh viện sẽ không có nguồn lực phục vụ hoạt động của bệnh viện. Ngoài ra, ngành y còn có những chế tài, có đường dây nóng, thùng thư góp ý và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm. Trong tương lai, Bộ Y tế sẽ xếp hạng bệnh viện với các tiêu chí, chất lượng cụ thể.
Nó giống như tư duy mậu dịch, khi khi mình đi mua hàng phải cầu cạnh mấy cô mậu dịch viên, còn bây giờ cửa hàng chỉ mong người ta đến mua. Tư duy ngành y cũng phải thay đổi như vậy.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
- Bộ trưởng vừa nói phải coi bệnh nhân đến khám chữa bệnh là thượng để nhưng bản thân người bệnh phải đến bệnh viện để nhờ cậy bác sĩ, vậy điều này có mâu thuẫn hay không?
- Điều đó là bình thường vì bệnh viện cũng rất vui mừng khi có người đến chứ. Nếu bệnh viện làm không tốt các dịch vụ khám chữa bệnh, không cạnh tranh được thì khi người ta không đến với anh, anh cũng rất buồn. Còn bệnh nhân đến là vui chứ. Nó giống như tư duy mậu dịch, khi khi mình đi mua hàng phải cầu cạnh mấy cô mậu dịch viên, còn bây giờ cửa hàng chỉ mong người ta đến mua. Tư duy ngành y cũng phải thay đổi như vậy.
- Bộ Y tế có triển khai thưc hiện mô hình cho tư nhân đầu tư vào các bệnh viện công ở tuyến huyện để phục vụ nhân dân hay không?
- Cái đó là mô hình công tư kết hợp, là chủ trương của ngành y tế, của Chính phủ. Tới đây những mô hình này sẽ được khuyến khích nhưng phải rất minh bạch, rõ ràng về chi phí, giá thành. Đương nhiên các khung giá về khám chữa bệnh, viện phí, điều trị... phải thực hiện theo quy định nhà nước.
Ngành y được bố trí gần 55.000 tỷ trong 8 năm
Theo báo cáo của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, năm 2012, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư liên tịch điều chỉnh giá 447 dịch vụ, bước đầu điều chỉnh 3/7 yếu tố chi phí trực tiếp vào cơ cấu thành giá. Chính sách này đã giúp các cơ sở y tế nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, có điều kiện nâng cấp khu khám bệnh khang trang sạch sẽ gắn với cải cách thủ tục hành chính, quy trình khám chữa bệnh, giảm bớt thời gian chờ đợi, phiền hà.
Từ năm 2008 đến nay, ngành y được bố trí gần 55.000 tỷ đồng đầu tư 766 bệnh viện Trung ương, tỉnh, huyện và hàng trăm phòng khám đa khoa khu vực. Việt Nam là một trong 39 nước làm chủ được công nghệ sản xuất vắcxin, tự nghiên cứu sản xuất và cung ứng đủ 11/12 loại vắcxin cho chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Sau 14 năm triển khai thực hiện, hệ thống quản lý quốc gia về vắcxin (NRA) đã được Tổ chức Y tế thế giới công nhận, đảm bảo hành lang pháp lý để văcxin Việt Nam xuất khẩu.