Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nói bác sĩ giẫm chân lên giường y đức kém là nhầm lẫn'

“Chúng ta đừng nhầm lẫn giữa những thói tật trong sinh hoạt hàng ngày với y đức, hay đạo đức nghề nghiệp”, bác sĩ Võ Xuân Sơn chia sẻ.

Qua những ý kiến xoay quanh câu chuyện bác sĩ H. giẫm chân lên giường gây xôn xao cộng động mạng vài ngày qua cùng với cách xử lý của Ban giám đốc bệnh viện, rõ ràng có một xu hướng nâng quan điểm trong xã hội chúng ta.

Việc bác sĩ H. (Bệnh viện Đa khoa huyện Lâm Thao, Phú Thọ) đặt chân lên giường khi khám bệnh, kể cả có để giày hay không, là hình ảnh không đẹp, nhưng không đến nỗi là thảm họa y đức như nhiều bạn nghĩ. Ai trong đời không có những lúc tư thế hớ hênh? Ai trong đời không có những lúc có một động tác không phù hợp với hoàn cảnh? Ai trong đời không có lúc buông một tiếng chửi thề?

Miễn nhiệm trưởng khoa bác sĩ giẫm chân lên giường bệnh

Bác sĩ Nam bị miễn chức vụ trưởng khoa, không được hưởng chế độ bổ sung thu nhập tăng thêm trong thời hạn 12 tháng, phải kiểm điểm sâu sắc trước toàn thể cán bộ bệnh viện.

Tôi nói như vậy không phải phủ nhận việc bác sĩ và nhân viên y tế cần có thái độ giao tiếp tốt. Bởi được gọi bác sĩ, nghĩa là bạn thuộc nhóm có học thức, thường phải thể hiện có văn hóa, phải lịch thiệp. Mọi bác sĩ phải học được điều đó. Nhưng nếu không đủ mức lịch thiệp, vô tình gác chân lên giường bệnh cũng không có nghĩa là kém y đức.

Có lẽ chúng ta hiểu sai về y đức. Y đức là quan tâm đến người bệnh như thế nào, hy sinh thời gian, thú vui cho người bệnh, quyết tâm trau dồi kiến thức mang đến cho người bệnh những kỹ thuật điều trị, chẩn đoán hoàn hảo hơn. Hay y đức đơn giản chỉ là tìm cách để cho người bệnh bớt đau, bớt khổ?

Gần như tuần nào tôi cũng có bệnh nhân đi chữa bệnh ở nước ngoài về nhưng họ không hết bệnh hoặc có biến chứng. Ở đó, người ta giao tiếp tốt lắm, lúc nào cũng ân cần, đạo đức ngất trời. Bác sĩ luôn lịch thiệp, ăn mặc chỉnh tề, thái độ thật là bặt thiệp. 

Thế nhưng có nơi họ mổ cho bệnh nhân ngay cả khi biết rằng ngày mai ông ấy sẽ chết. Nơi khác khi bạn hết tiền, họ trả bạn về với việc điều trị còn dang dở. Họ ngọt ngào giải thích cho bạn rằng, việc họ dự toán chi phí là không kể phát sinh, và bạn đã ký cam kết, biên bản này do luật sư của họ soạn.

Chúng ta đừng nhầm lẫn giữa những thói tật trong sinh hoạt hàng ngày với y đức hay đạo đức nghề nghiệp. Và nhất là đừng bao giờ tìm cách nâng quan điểm. Người ta chỉ nâng quan điểm khi tìm cách hạ bệ nhau, tranh giành nhau vật chất hay quyền lực. Còn khi các bạn không quen biết anh chàng bác sĩ kia, chẳng tranh giành gì với anh ta, đâu cần nâng quan điểm làm gì.

Bác sĩ giẫm chân lên giường để... hỏi bệnh rõ hơn

Bà Lê Thị Vượng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Lâm Thao, Phú Thọ cho rằng, bác sĩ phải rút kinh nghiệm, cẩn trọng hơn trong việc giữ gìn hình ảnh.

Bác sĩ Võ Xuân Sơn

Bạn có thể quan tâm