- Kỳ nghỉ lễ dịp 30/4 kéo dài 5 ngày, từ 27/4 đến hết 1/5
- Từ chiều 26/4, cửa ngõ các thành phố lớn và sân bay Tân Sơn Nhất bắt đầu đông đúc.
- Vietnam Airlines và Jetstar Pacific cho biết sẽ cung ứng gần 1 triệu chỗ (xấp xỉ 4.700 chuyến bay) cả đường bay nội địa và quốc tế. Các bến xe tăng gấp đôi công suất
-
Khách ngủ qua đêm ở sân bay
20h30, tại sân bay Tân Sơn Nhất, các quầy thủ tục của Vietnam Airlines vãn dần vì các chuyến còn lại của ngày đều đã hết vé. Vị khách này cho biết sẽ đợi qua đêm ở sân bay vì mua vé bay vào phút chót và bay vào khoảng 5h sáng.
Ở sảnh bên ngoài của sân bay, một số gia đình chưa mua được vé vì lên kế hoạch đi lại vào phút chót. Trong ảnh là một bé gái tranh thủ chợp mắt trong lúc chờ.
Hành khách trong khu vực phòng chờ, sau khi qua cửa an ninh. Một khách nữ bay VietJet Air mệt mỏi cho biết chuyến bay tới Hà Nội của chị được thông báo delay 2 tiếng, từ 20h tới 22h.
-
Bãi trông giữ xe tại bến xe Miền Tây quá tải
Lực lượng bảo vệ cho biết lượng người dân đổ về tăng mạnh nên tối 26/4, toàn bộ khu giữ xe trong nhà ở Bến xe Miền Tây đã quá tải, khu vực ngoài trời hiện cũng chỉ còn rất ít vị trí. Dù rất nhiều tuyến đã cháy vé nhưng dòng người đổ về bến xe Miền Tây mỗi lúc một dài hơn.
-
-
-
Sân bay mỗi lúc một đông
Hơn 19h, khu vực bên ngoài sân bay Tân Sơn Nhất lượng khách đổ về ngày một đông, trẻ em mệt mỏi ngủ gục trên vai mẹ. Nhiều người kéo valy từ xa vào sân bay để tránh tắc đường.
Bên trong sân bay, bà Vũ Thị Hồng, 57 tuổi nhà tại Đồng Nai, chia sẻ bà đi từ nhà lên sân bay mất hơn 3 giờ. Do gia đình có tang nên bà phải về Hải Dương gấp, chưa đặt mua vé máy bay từ trước. Tới sân bay, khi hỏi mua vé tại quầy, nhân viên VJ trả lời những chuyến bay gần nhất đã hết vé, bà có thể phải chờ tới chuyến bay 5h30 sáng hôm sau.
“Quầy lễ tân nói nếu có hành khách nào bỏ chuyến thì tôi mua ngay ghế đó được. Nhưng tôi cũng phải chờ đã, nếu không có ai bỏ chuyến thì đành phải ngồi ở sân bay cả đêm chờ tới 5h30 sáng mai”, cô Hồng chia sẻ.
-
Bến xe ở Sài Gòn đông nghịt người đầu giờ tối
19h, Bến xe Miền Tây người dân đổ về đông nghịt. "Giờ đặt vé không được nữa, mẹ mình đang xếp hàng mua vé về Cà Mau mà họ báo hết hoài. Nếu không mua được chắc nhà mình sẽ phải ra bến khác", chị Hương cùng cô con gái mệt mỏi chia sẻ.
Anh Sơn quê An Giang cho biết, mặc dù hơn 8h xe mới xuất bến nhưng tôi phải có mặt từ lúc 5h vì sợ tình trạng quá tải.
Lực lượng bảo vệ tại bến xe Miền Tây hoạt động liên tục, nhắc nhở người dân đề phòng kẻ gian và đảm bảo an ninh trật tự.
-
Mất hơn 20 phút vượt sông Sài Gòn và Bến xe Miền Đông
Số lượng xe ra vào Bến xe Miền Đông chiều 26/4 mỗi lúc một tăng gây ùn tắc nghiêm trọng. Nhiều người đành xuống xe đi bộ vào bến xe để không bị trễ chuyến.
Theo ghi nhận lúc cuối chiều, cầu Bình Triệu ùn tắc cả 2 hướng bởi hàng nghìn ôtô. Trong đó, nghiêm trọng nhất là hướng từ Thủ Đức về Bình Thạnh do nhiều người đổ dồn về Bến xe Miền Đông để đón xe đi các tỉnh trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày.
Tài xế Trần Quang Lữ cho biết để vượt qua sông Sài Gòn vào Bến xe Miền Đông, ông phải nhích từng mét một, thời gian mất khoảng 20 phút. Đường thì kẹt mà xe máy lại hay cắt đầu, len lỏi giữa các ôtô nên càng kẹt hơn. Trước tình trạng kẹt xe kéo dài, nhiều hành khách đành phải xin xuống xe để đi bộ vào Bến xe Miền Đông bởi sợ trễ chuyến xe.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hiền (ngụ quận Thủ Đức) cho biết chị đón xe buýt từ 16h ở dưới Khu Đô thị Đại học Quốc gia để lên bến xe nhưng đến cầu Bình Triệu thì ùn tắc kéo dài. "Mình đi chuyến 18h về Bình Định, sợ nhà xe đến giờ xuất bến nên đành cuốc bộ cho nhanh" - chị Hiền xách túi đồ bước nhanh về hướng bến xe.
Nhiều CSGT đã có mặt tại quốc lộ 13 và đường Đinh Bộ Lĩnh để điều tiết giao thông. Do 2 tuyến đường này ùn tắc dẫn đến một số tuyến đường khác như Xô Viết Nghệ Tĩnh, D5, Ung Văn Khiêm cũng bị ùn tắc theo, các phương tiện lưu thông với tốc độ khá chậm.
-
Kẹt nặng trên cầu Bình Triệu
Kẹt xe nặng trên cầu Bình Triệu hướng vào bến xe Miền Đông, quận Bình Thạnh, chiều 26/4.
-
Chị Lê Thị Bích Nga đang tranh thủ ăn trước khi xếp hàng kiểm tra an ninh để bay ra Hà Nội thăm mẹ. “Đa phần người già hay trông ngóng con về… Đôi khi mải kiếm tiền mình quên những ngày này có thể dành cho gia đình, nhất là người già ở xa”, chị Nga tâm sự.
“Có thể đi chơi dịp khác, ngày lễ đi chơi mới mệt, cái gì cũng đắt”, chị nói và cho biết đã chuẩn bị quà là một hũ nghệ tây cho mẹ và sẽ dành thời gian kết nối với mọi người. Chị cũng dẫn bạn bè từ Sài Gòn ra thăm phố cổ Hà Nội, đi hồ Gươm, hồ Tây.
-
Máy bay liên tục đáp trễ
Nhiều chuyến bay đáp trễ nên lượng người đợi ở sân bay Tân Sơn Nhất càng về tối càng đông. Nhiều trường hợp người dân đi đón thân nhân chen lấn chiếm hết lối ra của nhà chờ. Các dãy ghế chờ không còn chỗ trống.
Ông Huỳnh Thanh Liêm (60 tuổi, ngụ quận 10) nhận hợp đồng cho một nhóm khách du lịch từ Hà Nội. Ông Liêm cho biết ông cùng một đồng nghiệp đã đợi khách hơn 2 giờ do chuyến bay bị delay. "Bây giờ cứ chờ hết đoàn này tới đoàn kia thôi chứ không biết khi nào khách tới. Lễ này khách về Sài Gòn đông lắm, hôm nay chỉ mới bắt đầu thôi, sân bay còn kẹt dài dài đến hết lễ", ông Liêm nói. L ượng khách đổ về sân bay Tân Sơn Nhất đông cũng là dịp các tài xế như ông làm việc tần suất cao và vất vả hơn.
-
Chưa phải cao điểm ở bến xe miền Tây
Bác Phạm Viết Thanh - bảo vệ tại bến xe miền Tây cho biết thời điểm cao điểm nhất sẽ là sáng ngày 27/4, khi công nhân các khu công nghiệp bắt đầu đổ về các tỉnh. Hiện tại lượng khách đổ đến bến xe chủ yếu là nhân viên văn phòng, và lượng khách đến bến xe càng ngày càng giảm. Khu vực đông khách nhất của bến xe là phòng bán vé của công ty Phương Trang, nơi bắt đầu bán vé cho những chuyến xe ngày 27/4.
-
Khách VietJet liên tục bị lùi giờ bay
Chị Phương Linh (21 tuổi) đến sân bay từ 15h để chuẩn bị thủ tục cho chuyến bay tới Hà Nội, cất cánh lúc 20h. Chị đặt vé từ 3 tuần trước ngày bay. Tuy nhiên, 10 ngày trước khi bay chị nhận thông tin chuyến bay bị delay từ 18h10 sang 19h30. Khi đang chờ ở sân bay, khoảng 1 tiếng trước giờ bay, hãng VietjetAir tiếp tục thông báo chuyến bay của chị delay từ 19h30 sang 20h.
Ngồi gần quầy làm thủ tục, chị Linh than: “Tôi nhận thông báo delay chỉ cách đây vài phút. Không biết còn lùi giờ tiếp không”.
-
Đến sân bay trước 4 tiếng vì sợ tắc đường
"Các công nhân đều phấn khởi, có được dịp nghỉ lễ này. Tôi chỉ thấy sợ nhất là nỗi lo kẹt xe", anh Thái (quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết trong lần đầu tiên về quê ở Vinh sau bốn năm. Con trai lớn của anh vừa thi học kỳ môn anh văn buổi sáng, và gia đình phải xin cho cháu nghỉ buổi thi mỹ thuật chiều để về Vinh dịp lễ.
Bay chuyến 20h30 đi Hà Nội nhưng chị Minh Thư (42 tuổi, TP.HCM) cùng chồng và hai con nhỏ có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất từ lúc 16h. "Ngày lễ khi nào cũng đông và kẹt xe nên hai vợ chồng đi từ sớm cho chắc chuyện", chị Thư nói. Trong lúc chồng xếp hàng chờ ký gửi hành lý, chị Thư tranh thủ đút cháo cho con ăn.
“Dịp lễ này còn đỡ hơn Tết, Tết mới sợ”, chị Nguyễn Thị Thêu, đang xếp hàng kiểm tra an ninh ở sân bay Tân Sơn Nhất cùng chị gái để bay ra Hà Nội, so sánh với nỗi sợ phải bay về nhà ngày 27 Tết.
“Đông quá, ngán ngập cổ rồi”, chị gái của chị Thêu nói, và cho biết thêm chị từ Lâm Đồng xuống TP.HCM đợt này nên không quen với cảnh xếp hàng dài.
-
Xe cộ nhích từng mét quanh sân bay
Lúc 17h15, đường Trường Sơn, đoạn dẫn vào ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất, người dân đổ về sân bay chơi lễ khá đông khiến giao thông qua khu vực ùn ứ.
Một số người phải rời xe máy, ôm hành lý đi bộ vào sân bay làm thủ tục check in cho kịp chuyến bay. Trong khi đó, đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, vành đai ngoài hướng từ vòng xoay Nguyễn Thái Sơn về sân bay, ôtô xếp thành hàng dài nối đuôi nhau nhích từng chút.
-
Ùn ứ tại cửa ngõ, tuyến đường huyết mạch ở Hà Nội
TTừ 17h ngày 26/4, đường vành đai 2 đoạn Trường Chinh và trục xuyên tâm đoạn phố Tây Sơn bắt đầu ùn ứ kéo dài hàng trăm mét. Các phương tiện nhích từng mét qua các nút giao. Đây là tuyến đường quan trọng để người dân di chuyển ra các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm và khu vực cửa ngõ phía nam Hà Nội...
Đường Trường Chinh, Tây Sơn ùn ứ hàng trăm mét. Ảnh: Quang Đức.
Quốc lộ 1 đoạn đối diện bến xe Nước ngầm, người dân vất vả di chuyển do ở đây ô tô quay đầu.
-
Sân bay Tân Sơn Nhất đông đúc
Lúc này, tại sân bay Tân Sơn Nhất, hành khách đã tập trung đông nghịt tại sảnh chờ và khu vực kiểm tra an ninh, đa phần đều mang theo nhiều hành lý để chuẩn bị cho chuyến nghỉ lễ dài ngày.
Bà Nụ, một hành khách đi máy bay VietJet cho biết ra sân bay từ 15h. Bà cho biết giá vé máy bay tăng vùn vụt theo từng giờ. Con gái bà mua vé vào khoảng 8-9h sáng giá 2,7 triệu đồng, tới trưa bác mua đã thành 3,2 triệu.
Thông thường bà Nụ mua vé chưa đến 2 triệu, nhưng lần này bà phải về Hải Phòng gấp nhìn mặt người anh lần cuối. Anh bà mắc nhiều bệnh, hiện thở oxy, chỉ chờ các em về là rút ống thở.
Trước đó, hãng hàng không Vietnam Airlines và Jetstar Pacific cho biết sẽ cung ứng gần 1 triệu chỗ (xấp xỉ 4.700 chuyến bay) trên các đường bay nội địa và quốc tế trong thời gian từ 26/4 đến 5/5.
-
Bến xe tăng chuyến
Từ 16h chiều 26/4, lượng hành khách đổ ra các bến xe, nhà ga sân bay bắt đầu tăng. Tại bến xe Miền Tây (TP.HCM), xe về Cà mau, Kiên giang hết vé.
Trong lúc ngồi chờ chuyến xe về Bến Tre, bạn Phan Ngọc Thuận (22 tuổi, sinh viên ĐH Hoa Sen) cho biết vào dịp lễ, việc mua vé khá khó. Thuận phải đặt vé qua tổng đài từ trước và ra bến xe trước hẳn một tiếng. Trời nắng nóng khiến em khá mệt nhưng may mắn, bến xe có phun sương ở khu vực ngồi chờ nên đỡ hơn.
Anh Nguyễn Tuấn Vũ (nhân viên nhà xe Văn Lang) cho biết lượng khách đi về đợt lễ năm nay đông hơn năm ngoái. Nhà xe bán hết 200 vé trong ngày 26/4, dự kiến điều động thêm 2 chuyến tăng cường cho đêm nay. Lượng khách ngày mai tăng gấp đôi. Đến 15h30, các nhân viên bán vé mới có thời gian ăn trưa do quá bận rộn.
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Minh Tiến, Trưởng phòng điều hành bến xe miền Tây, cho biết từ sáng sớm nay bến xe đã đón lượng khách cao gấp 3 lần so với ngày thường và dự kiến lượng khách về bến sẽ còn tiếp tục tăng cao và tập trung cao điểm tầm lúc chiều tối.
“Do đợt nghỉ lễ dài nên nhu cầu về quê của người dân tăng mạnh trong những ngày gần đây. Dự kiến trong hôm nay bến xe sẽ đón khoảng hơn 55.000 lượt hành khách”, ông Tiến nói.