Số chip Nvidia được buôn lậu sẽ đến tay các start-up AI hoặc tổ chức nghiên cứu có nhu cầu thấp, không thể mua chip ở Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg. |
Mùa thu năm 2023 ở Singapore, một sinh viên Trung Quốc đang bận thu dọn hành lý để về nước đi nghỉ. Ngoài quần áo và giày dép, hành lý của anh còn có thêm 6 con chip AI Nvidia A100.
Hóa ra, một người bạn đại học đã nhờ anh mua mang về, vì Mỹ hạn chế xuất khẩu chúng sang Trung Quốc. Mỗi con chip có kích thước chỉ gần bằng một máy chơi game Nintendo Switch, nên chàng sinh viên này không hề bị nghi ngờ ở cổng hải quan. Khi về đến nơi, anh sẽ được trả 100 USD cho mỗi con chip vượt biên mình mang theo.
Theo Wall Street Journal, sinh viên này chỉ là một phần nhỏ của mạng lưới chợ đen tại đây. Trong đó, người mua, người bán tìm mọi cách qua mặt các quy định cấm xuất khẩu chip AI sang Trung Quốc của Mỹ. Trong đó, vi xử lý của Nvidia rất được yêu thích nhờ khả năng xử lý các tính toán lớn, đóng vai trò quan trọng trong quá trình đào tạo các hệ thống AI.
Luôn có cách để tuồn chip bị cấm vào Trung Quốc
Cụ thể, hơn 70 nhà phân phối đang bày bán công khai trực tuyến những mẫu chip bị cấm của Nvidia. Nhiều người bán cho biết họ có nguồn cung lên tới hàng chục chip Nvidia cao cấp mỗi tháng, sau đó có thể bán với giá khoảng 300.000 USD đối với các máy chủ chứa các con chip Nvidia cao cấp.
Một trong 6 bộ xử lý đồ họa Nvidia A100 được đóng gói trong vali để tuồn về Trung Quốc năm ngoái. Ảnh: WSJ. |
Thông thường, các nhà phân phối sẽ bắt đầu bằng cách quảng cáo thông tin sản phẩm trong các group trò chuyện nội bộ hoặc bày bán trên các trang thương mại điện tử như Taobao, Idle Fish của Alibaba. Nhiều chủ cửa hàng truyền thống tại các trung tâm nghiên cứu AI hàng đầu của Trung Quốc như Thâm Quyến và Bắc Kinh cũng bày bán chip AI đến từ Nvidia.
Những bên trung gian này thường niêm yết giá 22.500 USD cho chip A100 và 32.400 USD cho H100 cao cấp hơn. Con số này cao hơn 10.000 USD và 25.000 USD so với giá chính thức của hãng. Song, nhiều người bán cho biết giá chợ đen đã giảm hơn một nửa so với mùa hè năm ngoái, do nguồn cung dần ổn định hơn và làn sóng mua theo xu hướng dần hạ nhiệt.
Idle Fish là sàn thương mại điện tử mà các bên trung gian bày bán chip và máy chủ AI cao cấp của Nvidia. Ảnh: WSJ. |
Một số thương nhân tiết lộ họ có tới hàng chục con chip trong kho cùng một lúc và các đơn đặt hàng trước với số lượng lớn hơn có thể được giao trong vòng 1-2 tuần. Họ khẳng định các con chip này luôn được đựng trong hộp nguyên seal như lúc mua từ Mỹ.
“Quá trình này rất trắc trở, nhưng vẫn luôn có cách xoay sở để có được chip”, một nhà phân phối tại Bắc Kinh nói với Wall Street Journal. Người này cho biết thêm mỗi tháng anh sẽ nhận được một lô hàng. Mỗi lô hàng chứa khoảng chục con chip. Cứ thế, quy trình này đã kéo dài trong vài tháng qua.
Trong đó, những con chip mà sinh viên Trung Quốc mang về đại lục đến từ một nhà môi giới bí ẩn ở Singapore có tên là “Anh Jiang”. Người này rất có tiếng trong giới phân phối và mua bán chip trong khu vực.
Nói với Wall Street Journal, ông cho biết mình tận dụng mối quan hệ với các bên phân phối và các nhà tích hợp hệ thống ở Đông Nam Á để giúp khách hàng Trung Quốc có được chip và máy chủ.
Ông cho hay khách hàng của ông bao gồm các công ty AI, tổ chức nghiên cứu và đại lý bán chip. Một vài cái tên trong số đối tác của ông đã thành lập công ty ở Singapore, Malaysia, Việt Nam và Đài Loan để lách các hạn chế của Mỹ.
Chợ điện tử Hoa Cường Bắc ở Thâm Quyến, Trung Quốc là một trong những nơi tập trung nhiều người bán chip Nvidia. Ảnh: WSJ. |
Sau khi đặt hàng, Jiang sẽ hỗ trợ khâu hậu cần cho khách hàng như vận chuyển sản phẩm đến từng nơi riêng lẻ, chuẩn bị tài liệu để khai báo hải quan và liên hệ với các công ty vận chuyển. “Chúng tôi không nhận những đơn đặt hàng lớn vì quá dễ phát hiện”, nhà môi giới cho biết.
Trung Quốc vẫn chưa thể làm nhái sức mạnh con chip Nvidia
Trước đó, tại Trung Quốc, dòng chip cao cấp nhất của Nvidia đã bắt đầu cạn kiệt vào cuối năm 2022, sau khi Washington áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu. Động thái của Mỹ đã dẫn đến hàng trăm nghìn đơn đặt hàng của Nvidia với tổng giá trị ít nhất 5 tỷ USD bị hủy bỏ.
Nhưng nhờ thị trường chợ đen phát triển, các viện nghiên cứu và trường đại học Trung Quốc vẫn có thể mua chip AI cao cấp của Nvidia, ngay cả khi Mỹ thắt chặt hạn chế. Các giao dịch mua có cả con chip H100, bộ xử lý mà Nvidia chưa bao giờ chính thức vận chuyển đến Trung Quốc vì lệnh cấm xuất khẩu.
Trên thị trường chợ đen, vẫn xuất hiện một vài người bán quảng cáo những dòng chip Nvidia mà họ không có hoặc bán chip đã được tân trang lại từ bộ vi xử lý cũ. Nhưng họ gần như không thể bán hàng giả vì sức mạnh của dòng chip Nvidia là không thể làm nhái.
Các đại lý ở Trung Quốc thường bán 32.400 USD cho chip Nvidia H100 cao cấp. Ảnh: Bloomberg. |
Nguồn tin trong ngành cho biết các công ty công nghệ Trung Quốc, bao gồm cả Huawei bị Mỹ trừng phạt, đang cố gắng tạo ra những con chip có sức mạnh tương tự Nvidia. Song, họ đang phải đối mặt với những hạn chế về cả hiệu năng lẫn công nghệ.
Hồi tháng 3, một tổ chức nghiên cứu hàng đầu từng nói với Thủ tướng Trung Quốc Li Qiang rằng việc đào tạo các mô hình AI lớn bằng chip nội địa có nguy cơ xảy ra sự cố trên toàn hệ thống.
Do đó, thị trường dành cho dòng chip cao cấp của Nvidia vẫn sẽ duy trì mạnh mẽ, cho đến khi những con chip sản xuất trong nước xuất hiện ở Trung Quốc.
Nam sinh viên Trung Quốc mang theo bộ xử lý Nvidia về nước cho biết anh sẵn sàng tiếp tục vận chuyển các linh kiện công nghệ vượt biên để kiếm tiền.
“Tôi rất vui vì đã có thể làm điều gì đó cho đất nước và kiếm thêm một ít tiền. Thế thì sao lại không làm”, anh nói với Wall Street Journal.
Những câu hỏi chúng ta phải đối mặt trong thế giới AI
Chúng ta có rất nhiều câu hỏi về thế giới AI, mà đó đều là những nghi hoặc không dễ có ngay đáp án.
Cuốn sách Thời đại AI - Và tương lai loài người chúng ta trình bày cách AI làm thay đổi mối quan hệ của chúng ta với tri thức, chính trị và xã hội. Mục tiêu tối thượng của cuốn sách này là giải thích về AI và cung cấp cho độc giả những câu hỏi mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong những năm tới lẫn bộ công cụ để bắt đầu trả lời chúng.