Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bên trong cơ sở cảnh báo hoạt động tên lửa Triều Tiên tại Bắc Mỹ

Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) vẫn theo dõi sát những hoạt động thử nghiệm tên lửa và vũ khí hạt nhân từ Triều Tiên dù các bên đang có nhiều tiến triển hòa bình.

Vài tháng qua, mối đe dọa hỏa lực trên bán đảo Triều Tiên được thay thế bằng những cái bắt tay và viễn cảnh hòa bình, thịnh vượng. Tuy nhiên với cơ quan có nhiệm vụ giám sát các mối hiểm họa đối với không phận Bắc Mỹ, sự cảnh giác đối với Triều Tiên chưa bao giờ được buông lỏng. 

Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ (NORAD), tổ chức chung giữa Mỹ và Canada, vẫn theo dõi sát các hoạt động quân sự tại Triều Tiên với cường độ tương tự năm 2017, thời điểm những vụ thử nghiệm tên lửa và vũ khí hạt nhân tại quốc gia này diễn ra căng thẳng nhất. 

Trên thực tế, Đại tá Travis Morehen, chỉ huy Trung tâm Tư lệnh Bắc Mỹ và NORAD cho rằng cơ quan này vẫn nhận được 3-4 báo cáo tình báo về chương trình hạt nhân của Triều Tiên mỗi ngày.

"Chúng tôi vẫn theo dõi Bình Nhưỡng không khác gì trước đây, tương tự đối với tất cả các quốc gia có thể trở thành mối đe dọa cho Mỹ và Canada", CNN dẫn lời ông Morehen.

co so canh bao hat nhan Trieu Tien anh 1
Đại tá Travis Morehen, trưởng Trung tâm Tư lệnh Bắc Mỹ và NORAD. Ảnh: CNN.

Đại tá Morehen là người "cầm cương" NORAD trong 5 cuộc thử nghiệm tên lửa trước đó tại Triều Tiên. Ông cho rằng các động thái chính trị không ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan này mà chính các "hoạt động tình báo nghiêm túc" sẽ quyết định những phản ứng thích hợp.

"Chúng tôi có nhiệm vụ đo lường từng giây, từng phút hoạt động của các vũ khí có khả năng nhằm vào Bắc Mỹ bất kỳ lúc nào", ông cho biết.

Bên trong tòa chỉ huy 'bảo mật nhất thế giới'

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập NORAD, kênh truyền hình CNN được trao cơ hội hiếm hoi được đặt chân vào trụ sở của cơ quan này, một công trình đặt ngầm trong một ngọn núi tại Khu phức hợp Núi Cheyenne, thành phố Colorado Springs, bang Colorado, Mỹ. Khu căn cứ chỉ huy của NORAD nằm sâu gần 2 km trong lòng ngọn núi, dưới khoảng 700 m đá hoa cương.

Trụ sở chính của NORAD nằm gần Căn cứ Không quân Peterson tại bang Colorado. Tuy nhiên trong trường hợp đối mặt với một mối đe dọa thực tiễn, hoạt động của NORAD sẽ được chuyển đến trụ sở bên trong Khu phức hợp Núi Cheyenne. Căn cứ này được bảo vệ bởi 2 cánh cửa chống mìn nặng 23 tấn, giúp nơi đây hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài trong trường hợp xảy ra một vụ tấn công hạt nhân hoặc tấn công bằng bức xạ điện từ. 

Ngoại trừ các cuộc diễn tập, hai cánh cửa trên mới bị đóng một lần duy nhất: vụ khủng bố ngày 11/9/2001.

co so canh bao hat nhan Trieu Tien anh 2
Cổng vào Khu phức hợp Núi Cheyenne. Ảnh: NORAD.

15 tòa nhà trong lòng Khu phức hợp Núi Cheyenne được xây dựng trên 1.300 lò xo khổng lồ giúp giữ sự đàn hồi đề phòng những vụ tấn công hạt nhân hoặc động đất. Trong trung tâm chỉ huy, hệ thống công nghệ của NORAD cao cấp đến mức có thể phát hiện bất kỳ vụ phóng tên lửa nào trên Trái Đất chỉ trong vòng vài giây.

"Chúng tôi tin rằng đây là công trình bảo mật nhất thế giới", phó trưởng Trạm Không quân Núi Cheyenne Steven Rose cho biết.

Không phụ thuộc vào các diễn biến chính trị

Được xây dựng từ Thế chiến thứ hai nhằm chống lại máy bay ném bom của Liên Xô, NORAD giờ đây là cơ quan giám sát hoạt động tên lửa của các quốc gia trên thế giới và theo dõi những mối nguy hại có khả năng đe dọa giao thông hàng không dân dụng Bắc Mỹ. 

Cơ quan này cũng được trang bị để phát hiện một số hiểm họa hàng hải, ví dụ như hoạt động của tàu ngầm quân sự. Nếu Trung Quốc hay Nga cử một hạm đội hướng đến Bắc Mỹ, công việc của NORAD là phải nhận biết điều này.

Trong trường hợp Triều Tiên phóng tên lửa đe dọa Mỹ hay Canada, khoảng 30 nhân viên NORAD được huấn luyện để phản ứng trong vòng vài giây nhằm tiên liệu vũ khí được phóng ra có đến được Bắc Mỹ hay không. Nếu câu trả lời là có, Washington và Ottawa phải được thông báo ngay lập tức để đưa ra các quyết định kịp thời. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump không còn gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là "người tên lửa nhỏ bé". Ngược lại, ông Kim cũng không nhắc đến Tổng thống Trump như "lão già loạn trí". Thay vào đó, vị đương kim tổng thống Mỹ vừa tự tìm thấy cho mình một hiểm họa mới: Iran.

Kể từ khi tuyên bố rút khỏi Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) nhằm ngăn chặn Iran hoạt động hạt nhân, nước Mỹ lại chuẩn bị chứng kiến một thế lực hạt nhân đang nổi lên đe dọa nền hòa bình thịnh vượng của thế giới.

co so canh bao hat nhan Trieu Tien anh 3
Bên trong Khu phức hợp Núi Cheyenne.  Ảnh: AP.

Tuy nhiên tất cả những điều trên không làm thay đổi những tính toán đang diễn ra hàng ngày bên trong trụ sở NORAD. Đại tá Morehen cho rằng các báo cáo tình báo từ Iran có thể không trùng khớp với nhiều diễn biến chính trị diễn ra gần đây, chưa kể đến một thực tế đó là Iran chưa thể hiện ý định sẽ tấn công Bắc Mỹ, điều mà Triều Tiên liên tục tuyên bố trong năm 2017.

"Chúng tôi sẽ không theo dõi những gì mà truyền thông đưa tin. Chúng tôi chỉ tập trung vào những động thái thể hiện năng lực triển khai tên lửa, tàu ngầm và máy bay ném bom của các nước có khả năng đe dọa Bắc Mỹ", ông Morehen cho biết.

Quan chức cơ quan giám sát hạt nhân LHQ bất ngờ từ chức

Phó tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) từ chức không rõ lý do vào ngày 11/5, không lâu sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Mỹ hứa hỗ trợ kinh tế nếu Triều Tiên giải trừ hạt nhân

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố sẽ hỗ trợ để Triều Tiên trở nên giàu có như Hàn Quốc nếu nước này chấp nhận trải qua quá trình phi hạt nhân hóa.




Chi Mai

Bạn có thể quan tâm