“Căng thẳng về chính trị giữa Nga và Ukraine không ảnh hưởng gì đến việc đón Tết cổ truyền của cộng đồng người Việt tại đây”, ông Đặng Đình Ngà, sinh sống và làm việc tại thành phố Odessa, Ukraine chia sẻ với Zing.
Theo ông Ngà, xung đột giữa hai nước ảnh hưởng một phần đến công việc kinh doanh của người dân. Tuy nhiên, dân bản địa và cộng đồng người Việt không quá bận tâm đến việc chiến tranh giữa Ukraine và Nga có xảy ra hay không.
“Nếu có, chỉ một số rất ít người lo lắng về việc này”, ông Ngà cho biết.
Một người Việt khác, ông Nguyễn Sỹ Tuyên, định cư tại Kyiv, cho rằng cuộc sống chưa có nhiều thay đổi.
“Từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, xung đột vẫn thường xảy ra chứ không phải bây giờ mới có chiến tranh. Người dân quanh khu nhà tôi cũng không quá căng thẳng hay sốt sắng. Cuộc sống vẫn diễn ra bình thường”, ông Tuyên cho biết.
Xe tăng Nga tham gia cuộc tập trận tại bãi tập Molkino ở vùng Krasnodar, Nga hôm 14/12/2021. Ảnh: CNN. |
Theo CNN, dù Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo châu Âu đã cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng nếu chính quyền ông Putin tiến hành cuộc xâm lược, khoảng 100.000 quân Nga vẫn được tập trung tại biên giới Ukraine. Vào tháng 12/2021, tình báo Mỹ ước tính rằng Nga có thể bắt đầu cuộc tấn công quân sự ở Ukraine sớm nhất vào đầu năm 2022.
Căng thẳng vì đại dịch lấn át chiến tranh
Ông Đình Ngà chia sẻ tại Odessa, nhiều người Việt sống bằng các công việc kinh doanh. Tình hình chính trị căng thẳng dẫn đến đồng nội tệ mất giá. Đi kèm với ảnh hưởng dịch Covid-19, sức mua giảm dẫn đến việc kinh doanh của bà con người Việt khó khăn hơn.
Theo ông Sỹ Tuyên, xung đột giữa Ukraine và Nga tạo nên căng thẳng về dầu khí. Điều này ảnh hưởng đến từng người dân. Khi giá khí đốt và dầu lửa tăng, các mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống tăng theo. Nhìn chung, đời sống chưa chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi chính trị.
“Ở ngoài đường, mọi người vẫn đi làm bình thường. Tôi chưa thấy ai phải đi mua sắm hay tích trữ gì cho chiến tranh. An tâm sống bình thường thôi”, ông Tuyên nói.
Ông Tuyên cảm thấy bất ngờ khi báo chí và truyền hình quốc tế đưa tin nhiều và mô tả về căng thẳng giữa Ukraine và Nga nghiêm trọng. Ông cũng nhận được nhiều tin nhắn hỏi thăm của người thân và bạn bè ở Việt Nam về tình hình chính trị tại Ukraine. Tuy nhiên, theo ông, chính phủ Ukraine chưa có động thái hay cảnh báo đối với người dân về tình trạng không an toàn trong xã hội do xung đột này gây nên.
Hòa chung bối cảnh dịch bệnh trên toàn cầu, người dân Ukraine vẫn phải tuân thủ các quy tắc phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ở các hàng quán, cồn khử trùng và khẩu trang miễn phí được bày ra để người dân dễ dàng sử dụng.
“Đại dịch ở đây còn được người dân quan tâm hơn nhiều so với đe dọa về chiến tranh”, ông Tuyên nói.
Cuộc sống diễn ra bình thường tại Kyiv. Ảnh: Guardian. |
Tết xa nhà không khác gì Tết Việt Nam
Những ngày này thủ đô Kyiv trở lạnh. Tại Kyiv, những năm trước đại dịch, cộng đồng người Việt thường phối hợp với ĐSQ tổ chức Tết. Số tiền quyên góp mang tính tự nguyện. Ai có nhiều ủng hộ nhiều, ai có ít ủng hộ ít. Sự đóng góp dù lớn hay bé đều xuất phát từ tinh thần đoàn kết và vì mong ước đem Tết đến gần hơn với những người Việt xa xứ.
Ông Tuyên kể lại những năm ấy, Tết đến xuân về, mọi người thuê hội trường lớn. Đồ ăn truyền thống có thể mua hoặc tự nấu. Lá dong được cắt rửa sạch sẽ ở Việt Nam và vận chuyển qua Ukraine bằng máy bay. Vì lá dong đắt nên mọi người gói tiết kiệm. Chỉ cần 2 cái lá đã có thể gói được một cái bánh to. Bánh sẽ được đun bằng khí đốt hoặc điện.
“Lúc nấu bánh, sẽ không thể cảm nhận hơi ấm như nấu bằng củi. Mọi người đặt nhỏ lửa. Lúc nào nước cạn thì đổ thêm nước. Để qua đêm, sáng hôm sau là có bánh ăn rồi”, ông Tuyên cho hay.
Người Việt tại Kyiv cùng nhau tổ chức gói bánh chưng. Ảnh: NVCC. |
Tiết trời ở Kyiv lạnh khắc nghiệt nên hoa đào không nở. Trước Tết khoảng 7-10 ngày, người Việt tại đây thường lấy cành mơ, mận, hoặc đào rồi hơ gốc qua lửa. Sau đó, cắm cành cây vào bình nước đã hòa sẵn mực đỏ. Vào đúng mùng Một Tết là lúc có một cành đào như ý.
Ngày Tết, người địa phương vẫn đi làm bình thường. Những người Việt lao động tự do sẽ cho bản thân được nghỉ một vài ngày. Ai đi làm các đơn vị của người địa phương sẽ xin phép nghỉ.
Người Việt ở đây tổ chức Tết với phương châm “ở Việt Nam có gì, ở Kyiv có cái đó”. Tất cả đón Tết theo giờ Việt Nam. Mọi người chúc Tết và gọi điện về thăm người thân. Ai nấy cũng vui vẻ và mong ước năm mới thật nhiều an vui.
Năm nay, gia đình ông Tuyên sẽ hội họp theo nhóm nhỏ với vài gia đình người Việt. Hai con của ông ở tuổi đi học dù không được nghỉ, vẫn đón Tết theo cách riêng. Cả nhà sẽ cùng dâng lên bàn thờ các món ăn truyền thống để tưởng nhớ tổ tiên.
Cộng đồng người Việt tổ chức Tết sum vầy tại Kyiv những năm trước đại dịch. Ảnh: NVCC. |
Tại Odessa, do tình hình dịch bệnh, người Việt tại đây cũng không tổ chức Tết cộng đồng. Dịp Tết là lúc để ông Đặng Ngà nhớ về quê hương, người ruột thịt thân yêu, và nhớ lại những kỷ niệm xưa.
Do không có chuyến bay thương mại, ông không thể về Việt Nam đón Tết cùng gia đình. Con gái ông sẽ bay từ Việt Nam sang ăn Tết với bố mẹ. Gia đình ông sẽ sum vầy và đi chơi cùng nhau. Tết đoàn viên là điều mãn nguyện nhất với ông.