Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Người Việt ở Nga: Mẹ chồng gửi lá dong sang để tôi gói bánh

Do tình hình dịch bệnh phức tạp, cùng với vướng bận công việc nơi xứ người, những người Việt ở nước ngoài có cách riêng để duy trì truyền thống văn hóa quê hương.

nguoi Viet o nuoc ngoai don tet xa que anh 1

Vì dịch bệnh, năm nay gia đình chị Thu Huyền - chủ một quán ăn ở Moscow - không thể về nước đón Tết. Không muốn các con quên đi truyền thống văn hóa, chị Huyền cố gắng tổ chức Tết ấm áp, giống như khi còn nhỏ gia đình chị vẫn làm. Mấy ngày trước, mẹ chồng chị còn gửi lá rong sang để cả nhà gói bánh chưng.

“Nhà tôi vừa vào rừng chặt cành táo, cành mận thay đào để cắm trước một tuần. Xa quê nên không phải gia đình nào cũng có điều kiện mua cành đào tươi”, chị chia sẻ với Zing và cho biết tại thủ đô Nga, giá trung bình cành đào thật có thể lên tới 300 USD.

Hái cành mận giả làm đào

Sống ở Nga từ nhỏ với gia đình, số lần chị Thu Huyền quay trở về nước đón Tết rất ít ỏi. Đến khi kết hôn, chị Huyền có thêm nhiều cơ hội cùng chồng con về Việt Nam ăn Tết với gia đình bên nội.

Chị chia sẻ trước đây, khi các con còn nhỏ hoặc Tết may mắn trùng kỳ nghỉ lễ, cả nhà sẽ tất bật sửa soạn, tranh thủ về nước để cảm nhận trọn vẹn hương vị Tết truyền thống quê nhà.

Dịp Tết Nguyên đán cũng là lúc các thành phố ở Nga trở lạnh. Mưa và tuyết kết hợp khiến cái rét “cắt da, cắt thịt” dịp Tết đến xuân về càng khứa sâu vào lòng những người con xa xứ.

Tết năm nay diễn ra trong bối cảnh đợt dịch bên Moscow lại bùng phát, số ca dương tính tăng nhanh. Nhiều bạn bè và đồng nghiệp của chị Huyền mắc Covid-19, vì thế năm nay Tết cả gia đình chỉ tự tổ chức tại nhà với nhau, hạn chế giao lưu.

Quyết về nhà sau 3 năm xa quê

Sang du học ở Nga từ năm 2018, 3 năm qua Thu Hiền - sinh viên Đại học Kinh tế Nga G.V. Plekhanov - chưa được ăn Tết cùng cả gia đình. Năm nay, chuyện về quê dịp Tết giữa dịch bệnh từng là điều Hiền chưa từng nghĩ tới.

Tuy nhiên, tình hình dịch tại Moscow - nơi Hiền sinh sống - diễn biến phức tạp. Nhà trường quyết định phong tỏa cả ký túc xá từ ngày 10/1 để phòng chống dịch. Trở về sau chuyến du lịch tới vùng Bắc Cực ngày 12/1, Hiền không thể vào ký túc xá nên cũng gặp một vài bất tiện.

Sau khi tìm hiểu vé về Việt Nam, Hiền nhận thấy giá cả đã rẻ hơn trước một nửa, và không cần cách ly quá lâu. Đường bay thương mại với Nga đã mở, do đó Hiền không lo sợ bị mắc kẹt ở Việt Nam. Hơn nữa, tiêm đủ hai mũi vaccine cũng giúp cô cảm thấy yên tâm hơn nếu như phải di chuyển.

nguoi Viet o nuoc ngoai don tet xa que anh 6

Thu Hiền (giữa) trong lần tham dự Hội thao Quân sự Quốc tế Army Game 2021 tại Nga.

Khoảng 40 tiếng trước khi bay, Hiền mới đặt vé. Nhờ người chị làm dịch vụ bán vé máy bay, Hiền chỉ cần gửi hộ chiếu, bằng chứng tiêm chủng và kết quả xét nghiệm PCR là xong thủ tục.

Gia đình Hiền sau khi biết tin con gái về quê ăn Tết vừa vui mừng vừa bất ngờ, cũng không lo lắng bởi chị đã tiêm vaccine.

Sau khi đặt chân tới Việt Nam, Hiền có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Thay vì cách ly 3 ngày, Hiền phải ở trong khách sạn ở Hà Nội thêm 9 ngày nữa mới được về Thái Nguyên. Nếu tình hình sức khỏe ổn định, Hiền vẫn có thể về nhà kịp ăn Tết vào ngày 30/1 (28 Tết).

“Tết chỉ đến trong suy nghĩ”

Nguyễn Văn Hải - 26 tuổi, sống ở thành phố Leipzig, Anh - đã dần quen với việc không cùng người thân đón Tết. Đây là cái Tết thứ 3 anh ở lại nơi đất khách.

Hải lấy kỷ niệm cùng với bạn bè trong đêm giao thừa làm niềm vui. Có bánh chưng, có trang trí nhà cửa, có bạn bè nhưng không vì thế mà nỗi nhớ xuân ở Việt Nam trong anh Hải vơi đi.

“Trước mắt là đống bài tập chưa làm, người thân bố mẹ không ở bên, ra đường thì không thấy hoa đào, hoa mai gì cả. Tôi nghĩ với du học sinh, Tết chỉ đến trong suy nghĩ”, Hải nói. “Trong tiềm thức thì nhớ đến hôm nay là ngày Tết. Nhưng thực tế, không khí bên ngoài lại không hề ‘Tết’ chút nào”.

Giống như Hải, Đức Hiếu - sinh năm 1999, sống và làm việc ở Osaka - cũng đã quen với việc đón Tết một mình.

Nhật Bản không đón Tết âm lịch, thế nên đêm 30 hay giao thừa là khái niệm xa vời nếu như không rơi vào ngày cuối tuần.

Hiếu sẽ ăn tất niên sớm cùng bạn vào ngày 30/1 (28 Tết) để "cho có không khí cuối năm". Mùng một Tết rơi vào thứ 3, Hiếu bận công việc nên không thể thức vào đêm giao thừa, do giờ tại Nhật nhanh hơn Việt Nam hai tiếng. Anh đợi đến ngày hôm sau để gọi điện về cho gia đình chúc Tết.

Ở nước láng giềng Hàn Quốc, Ly Chu - 20 tuổi, sống tại Jincheon, tỉnh Chungcheongbuk - cũng không về Việt Nam đón Tết vì vấn đề thủ tục giấy tờ phòng dịch của trường. Cô bạn chọn ở lại do sợ phải bảo lưu cả kỳ học nếu không kịp quay lại.

Ly Chu cho biết bạn bè đã lên kế hoạch tụ họp cùng ăn bữa cơm truyền thống gồm bánh chưng, thịt gà, lạp sườn, bò giàng, dưa món, xôi, giò chả và một ít món phụ khác.

Vì Hàn Quốc cũng đón Tết âm lịch, cô bạn cũng sẽ ăn tất niên cùng ông bà chủ quán nơi đang làm việc và nhận tiền mừng tuổi từ họ.

Đi chùa ở Madrid mùng 1

Thời khắc chuyển giao sang năm cũ và năm mới tới gần cũng là lúc Phương Thanh chuyển từ làng Axams, Tirol ở Áo sang Tây Ban Nha và bắt đầu hành trình làm sinh viên trao đổi tại Đại học tự trị Madrid.

Cô có kế hoạch về nước vào cuối tháng 2, nhưng chưa chốt chắc chắn thời điểm. “Tháng giêng là tháng ăn chơi, nên khi tôi về, chắc vẫn sẽ được hưởng một chút không khí Tết”, Thanh nói.

Mới qua châu Âu từ tháng 9/2021, đây là cái Tết đầu tiên Phương Thanh không có gia đình ở bên, và cũng là lần đầu tiên cô rời xa nhà lâu tới vậy.

nguoi Viet o nuoc ngoai don tet xa que anh 9

Năm 2022 là lần đầu tiên Phương Thanh đón Tết xa nhà.

"Chất Tết" ở quê Long An của Thanh có nhiều điều đặc biệt mà cô dù đi đâu cũng nhớ. Thời điểm cận Tết cũng là lúc mọi người ở quê cô gặt lúa. Quanh nhà lúc nào cũng có đống rơm, nên cái hương gió thoảng qua mang mùi lúa chín báo hiệu cho Thanh biết Tết sắp về.

Mùng 1 Tết, Thanh sẽ "đi bù" một ngôi chùa ở Madrid. Cô mong sẽ gặp thêm nhiều người Việt Nam trong dịp Tết này để cùng họ cảm nhận cái Tết Việt trên đất khách, ăn món truyền thống của quê hương từ cả 3 miền, và đón giao thừa cùng gia đình qua màn hình điện thoại.

Món ăn Tết Việt dễ mua trên đất Thái

Trúc Đặng hiện là giảng viên ở Đại học Mahidol, Thái Lan cũng đã lâu chưa về Việt Nam ăn Tết. Năm nay, ngày Tết Việt Nam nhưng các lớp học vẫn diễn ra trực tuyến, vì vậy, Trúc vẫn phụ trách các công việc giảng dạy và nghiên cứu như thường lệ.

Trúc bắt đầu sang học ở Thái Lan từ năm 2014 và sau đó ở lại giảng dạy, nghiên cứu. Người Việt ở đây thường cùng nhau gặp mặt ở chùa Việt để dâng hương ngày đầu năm mới.

“Năm nay, tôi sẽ đón Tết ở Làng Mai Thái Lan vào mùng 2 Tết với nhóm nhỏ. Mọi người sẽ cùng nhau ngồi thiền, xem thư pháp do các thầy cô viết, thưởng thức món chay như bánh tét chay, phở chay”, Trúc chia sẻ.

Mặc dù dịch Covid-19 không thuận lợi để về quê ăn Tết, cộng đồng người Việt ở Thái Lan lại dễ dàng mua các món ăn truyền thống.

Năm nay, nhiều người Việt tham gia nấu các món ăn Tết để buôn bán. Trước đây, họ bận tham gia các công việc khác như phiên dịch, hướng dẫn du lịch. Do dịch Covid-19, nhiều người chuyển sang làm các món ăn Việt Nam để duy trì kinh tế.

Chi phí các món ăn dịp Tết của Việt Nam ở Thái cũng không đắt hơn quá nhiều so với mua ở Việt Nam vào ngày Tết. Bánh chưng, bánh tét chỉ khoảng 5,3 USD, các loại giò khoảng 16,79 USD/kg, Trúc cho biết.

Du học sinh Việt lạc vào ‘vương quốc’ băng tuyết tại Hàn Quốc

Tuyết rơi là thời điểm Hàn Quốc tổ chức các lễ hội mùa đông, trong đó có lễ hội băng tuyết - "đặc sản" du lịch thu hút người tới trải nghiệm nét văn hóa thú vị của xứ sở kim chi.

Mùa đông Canada qua những chuyến trekking của người Việt

Trong cái lạnh dưới 0 độ C, một số du học sinh Việt ở Canada vẫn quyết tâm chinh phục những ngọn núi tuyết phủ trắng để tận hưởng vẻ đẹp mùa đông ở xứ sở lá phong.

Minh An - Phương Linh

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm