Bên kia núi
Tiếng lá hát vào trăng
***
Bên kia trăng
Tiếng lá hát vào trời
***
Bên kia trời
Mây hát buồn như lá
***
Tiếng hát bay ra
Đậu vào mình đám mây rất lạ
Lời bình
Bài thơ có phải là một văn bản của vô thức không? Một giấc mơ chẳng hạn? Tuy nhiên, đọc thật kỹ, xem xét quá trình triển khai tứ thơ, cấu trúc không gian, cấu trúc ngôn ngữ, ta thấy mộng tưởng mới đích xác là trạng thái tinh thần của chủ thể trong bài thơ này.
Mộng tưởng phát hiện ra mối tương giao làm lay động không gian núi đồi đêm trăng và cây lá. Đó là là cốt lõi của tứ thơ. Mộng tưởng không phải là mộng (mơ), thế nên tứ thơ được triển khai rất chặt, có lớp lang về không gian (từ núi đến trăng đến trời - xa dần, rộng dần rồi quay về gần). Sự hoán chuyển của thanh điệu bằng - trắc và âm điệu của lời tạo nên ấn tượng về sự reo vẫy (lá hát vào trăng, lá hát vào trời, hát buồn như lá). Mối tương giao vũ trụ trong mộng tưởng lành hiền và phiêu lãng làm nên chất thơ của Phạm Văn Vũ.