Rất lâu trước khi nhà máy thép Azovstal tại Mariupol trở thành "điểm nóng giao tranh" ở Ukraine, nó đã đóng vai trò chi phối trong nền kinh tế của thành phố cảng.
Là một trong những nhà máy luyện kim lớn nhất ở châu Âu, Azovstal cung cấp hơn 4 triệu tấn thép thô hàng năm và tạo sinh kế cho hàng chục nghìn người, theo Washington Post.
Nhưng giờ đây, giữa sự bao vây kéo dài nhiều tuần liên của Nga, khu công nghiệp rộng lớn với mạng lưới đường hầm thay vì sản xuất thép đã trở thành thành trì cuối cùng tại Mariupol cho hàng nghìn binh lính Ukraine, trong đó có nhiều chiến binh thuộc Tiểu đoàn Azov.
Hội đồng thành phố Mariupol cho biết có tới 1.000 dân thường đang ẩn náu trong mạng lưới đường hầm của nhà máy thép Azovstal.
Khói bốc lên từ nhà máy thép Azovstal. Ảnh: Reuters. |
Vì sao Azovstal được ví là “pháo đài”?
Azovstal ban đầu được xây dựng vào thời kỳ đầu của Liên Xô và được tái thiết sau khi Đức Quốc xã chiếm đóng Mariupol từ năm 1941 đến năm 1943 khiến nó trở nên hoang tàn. Nhà máy hiện trải rộng hơn 10 km2 dọc theo bờ sông của thành phố.
Yan Gagin, một cố vấn của nhóm ly khai “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” thân Moscow, nói với hãng thông tấn nhà nước Nga Ria Novosti hồi cuối tuần: “Bên dưới thành phố, về cơ bản có một thành phố khác”.
Gagin nói rằng khu vực nhà máy được thiết kế để chống lại các vụ đánh bom và phong tỏa, và nó có một hệ thống liên lạc sẵn có, hỗ trợ mạnh mẽ cho quân đội Ukraine ở đó.
Sergiy Zgurets, một nhà phân tích quân sự Ukraine, nói với Reuters rằng Nga đang sử dụng "bom hạng nặng" ở khu vực Azovstal, do quy mô và số lượng xưởng lớn của nó.
Binh lính thân Nga nạp lựu đạn vào xe chiến đấu gần nhà máy thép Azovstal, ngày 12/4. Ảnh: Reuters. |
Mariana Budjeryn, một chuyên gia tại Trung tâm Khoa học và Các vấn đề Quốc tế Belfer của Trường Harvard Kennedy, nhận định tình hình ở Mariupol trông ngày càng “vô vọng”, dựa trên thông tin hiện có.
Bà Budjeryn, người Ukraine, nói: “Thành phố này bị bao vây từ từ và khu vực kiểm soát của lực lượng Ukraine bị bóp nghẹt. Có lẽ sẽ có lợi thế về chiến thuật và an ninh khi các lực lượng phòng thủ (Ukraine) chọn cơ sở công nghiệp lớn này làm thành trì cuối cùng. Nó giống như một pháo đài nhỏ”.
Bà nói rằng vẫn còn rất nhiều điều chưa biết về “pháo đài” này, bao gồm loại vũ khí trang bị hay khả năng tiếp cận các hệ thống phòng không mà lực lượng Ukraine đã để lại.
Trong diễn biến mới nhất, Bộ Quốc phòng Nga ngày 19/4 đã kêu gọi Ukraine "ngay lập tức hạ vũ khí" và đưa ra tối hậu thư mới cho lực lượng đang cố thủ tại thành phố cảng Mariupol.
Bộ Quốc phòng Nga kêu gọi chính quyền Kyiv "đưa ra mệnh lệnh tương ứng cho các lực lượng của họ để ngừng phản kháng vô nghĩa", AFP đưa tin.
Phía Nga cũng nói thêm rằng lực lượng Ukraine tại Mariupol sẽ được "đảm bảo sống sót" nếu họ hạ vũ khí bắt đầu từ trưa 19/4 (theo giờ địa phương).
Vì sao Azovstal quan trọng?
Nếu Nga chiếm được nhà máy luyện thép, đó sẽ là một chiến thắng rất cần thiết cho Điện Kremlin.
Sau khi rút khỏi Kyiv, các lực lượng Nga đã tái phân bố để tập trung vào miền Đông Ukraine, với một kế hoạch rõ ràng là kiểm soát phần lớn các vùng Luhansk và Donetsk, thuộc Donbas.
Mariupol, với dân số khoảng 450.000 người trước cuộc xung đột, là một trong những khu vực đô thị cuối cùng của Donetsk không hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội thân Nga. Việc chiếm được nó sẽ giúp các lực lượng Nga tạo một cầu nối trên bộ giữa Nga và Crimea, bán đảo mà nước này sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014.
Khói bốc lên từ phía nhà máy thép Azovstal và các tòa nhà bị hư hại khác ở Mariupol, ngày 18/4. Ảnh: Reuters. |
Azovstal và các địa điểm tương tự trong thành phố cũng là những ví dụ điển hình về lý do Donbas và di sản công nghiệp của nó rất quan trọng đối với cả Ukraine và Nga.
Mariupol là thành phố cảng lớn thứ hai của Ukraine. Trước khi hứng chịu các lệnh trừng phạt toàn diện của phương Tây, Nga đã có một ngành thép phát triển mạnh, được đánh giá là lớn 5 thứ năm trên thế giới.
Donbas được biết đến nhiều nhất về than đá, nhưng Mariupol cũng có một ngành công nghiệp kim loại có lãi. Khoảng 40.000 cư dân đã làm việc tại Azovstal và nhà máy thép Ilyich gần đó, theo công ty thép khổng lồ Metinvest của Ukraine.
Cùng với nhau, Azovstal và Ilyich chiếm khoảng ⅓ sản lượng thép thô của Ukraine vào năm 2019, theo dữ liệu từ nhóm phân tích GMK Center. Năm đó, thép và các ngành liên quan đóng góp 12% tổng sản phẩm quốc nội của Ukraine.
Lực lượng Nga đã kiểm soát nhà máy Ilyich nhỏ hơn vào tuần trước. Nhưng Metinvest cho biết trong một tuyên bố với Reuters rằng họ sẽ "không bao giờ hoạt động dưới sự kiểm soát của Nga”.
Taras Shevchenko, Tổng giám đốc của Ilyich ngày 18/4 cho biết trên kênh tin tức Ukraine 24 rằng công ty đang đánh giá mức độ thiệt hại và cam kết sẽ khôi phục các nhà máy luyện kim.
Azovstal từng trải qua những gì?
Azovstal từng chứng kiến xung đột trước đây. Việc sản xuất tại địa điểm này bắt đầu vào năm 1933. Chưa đầy một thập kỷ sau, Mariupol bị quân đội Đức kiểm soát trong Thế chiến II. Các nhà máy đã tạm dừng hoạt động trong bối cảnh dân thường di cư khỏi thành phố.
Tuy nhiên, đến năm 1944, một năm sau khi quân đội Đức rời khỏi đây, nhà máy đã được xây dựng lại và nhanh chóng trở thành một bộ phận năng suất và sinh lời của ngành công nghiệp thép Liên Xô.
70 năm sau, những người thợ luyện thép từ Azovstal đã tổ chức để chiếm lại Mariupol từ phe ly khai thân Nga vào năm 2014.
Quân đội thân Nga lái xe bọc thép gần nhà máy Azovstal, ngày 12/4. Ảnh: Reuters. |
Ngành công nghiệp sắt thép của Ukraine suy giảm sau năm 2014, với sản lượng thép thô từ Azovstal giảm hơn 1 triệu tấn từ năm 2013 đến năm 2015, theo GMK Center. Nhưng với khoản đầu tư mới vào Mariupol, đã có một xu hướng tích cực cho ngành trong những năm gần đây. Metinvest đã có kế hoạch đầu tư một tỷ USD vào các khu công nghiệp sắt thép của mình trong khu vực.
Vào giữa tháng 3, giám đốc điều hành của Azovstal cho biết giao tranh gần đó đã khiến địa điểm này đóng cửa lần đầu tiên kể sau thế chiến 2. Ông Enver Tskitishvili phát biểu trong video từ Kyiv, cho biết việc ngừng hoạt động sẽ chỉ là tạm thời.
“Chúng tôi sẽ trở lại thành phố, xây dựng lại doanh nghiệp và vực dậy nó. Nó sẽ hoạt động và mang lại vinh quang cho Ukraine như trước”.
Các hướng tiến công mới của Nga tại Ukraine. Đồ họa: Guardian. |