Chuyện gì sẽ xảy ra nếu David Beckham đến Barcelona thay vì Real Madrid? Khi đó, Ronaldinho nhiều khả năng không đến sân Camp Nou, thay vào đó Rô "vẩu" sẽ đến Old Trafford. Và số phận của Cristiano Ronaldo có lẽ cũng khác.
Hè năm 2003, Beckham đến Real, bắt đầu chuỗi domino chuyển nhượng không thể quên trong lịch sử thế giới bóng đá. Ảnh: Getty. |
Bí mật của Beckham
Mùa hè 2003, thế giới bóng đá chờ đợi một kỳ chuyển nhượng đầy biến động, với rất nhiều CLB lớn và các ngôi sao hàng đầu lăm le đổi chỗ. Một trong số đó là David Beckham.
Tiền vệ người Anh khi đó gần như hết tương lai ở Old Trafford, sau vụ "chiếc giày bay" với Sir Alex Ferguson. Manchester United tìm đường bán Beckham ra nước ngoài, với điểm đến tiềm năng nhất mang tên Barcelona.
“Tôi đang nghỉ hè ở Mỹ thì nghe tin người ta muốn bán mình", Beckham nói trên BBC. "Một người bạn báo với tôi, tivi đưa tin MU đạt thoả thuận với Barca. Tôi nói với cậu ta điều đó không đúng, tôi chẳng biết gì cả". Thực tế, Beckham từ lâu đã biết sự quan tâm mà Barca dành cho anh.
Trong nỗ lực tranh cử chức chủ tịch Barca, Joan Laporta hứa với các hội viên sẽ mua Beckham về hè năm đó. Ông bắn tin cho MU và nhận được lời hứa hẹn từ Sir Alex Ferguson, người không còn muốn có Beckham trong đội hình.
Đến tháng 6, Laporta trúng cử. Tuy nhiên, cựu luật sư người Tây Ban Nha hốt hoảng khi CLB nước Anh lật kèo phút chót. "Họ đã hứa sẽ bán Beckham cho Barca nếu tôi thắng cử chủ tịch", Laporta nhớ lại. "Thế rồi họ lợi dụng chúng tôi để làm giá với Real". Cuộc gặp trước đó ở sân bay Heathrow (London, Anh) giữa các bên bị vứt vào sọt rác. MU nuốt lời, vì Real đã trả hậu hĩnh hơn và cũng có thể vì ý muốn của Beckham.
Sau khi nghe tin trên báo chí, Beckham bay trở lại London để hỏi Peter Kenyon và Sir Alex, hai nhân vật chịu trách nhiệm chính khi đó tại MU. Ban đầu cả hai từ chối, nhưng trước áp lực từ Beckham, họ phải thừa nhận đã có một thoả thuận với Barca.
“Thế là tôi đi tìm người đại diện của mình, tôi nói với ông ấy nếu tôi chuyển đi, tôi sẽ chỉ tới Real Madrid", Beckham nói. Tín hiệu được phía MU chuyển đến Barca, và Chủ tịch Laporta khi đó tức tốc bay sang Nice để thuyết phục Beckham. Tiền vệ người Anh nói muốn có thêm thời gian suy nghĩ. Tuy nhiên, thực tế Beckham đã gật đầu với Real. "Chỉ trong vòng một ngày tôi gặp mặt Chủ tịch Florentino Perez, và mọi chuyện được thông qua", Beckham nói tiếp.
Cựu số 7 của MU khi đó chỉ còn một năm trong hợp đồng, và ban lãnh đạo "Quỷ đỏ" phải tranh thủ làm giá cao nhất có thể. Real đồng ý trả 37 triệu euro cho Beckham, để biến anh trở thành Galacticos mới nhất trong kỷ nguyên của Perez.
Ngày 1/7/2003, thương vụ chính thức hoàn tất. Trong khuôn viên sân bóng rổ của Real, hơn 500 nhà báo đến từ 25 quốc gia có mặt để đưa tin về một trong những chuyển nhượng đình đám mùa hè năm đó.
Ronaldinho và chủ tịch Barca khi đó, Laporta trong ngày ra mắt. Ảnh: Getty. |
Lời hứa không thành của Laporta
Xuyên suốt lịch sử Barca, Laporta đóng vai trò quan trọng. Bỏ qua những lùm xùm về tham nhũng, vị cựu chủ tịch này từng đưa ra những quyết định làm thay đổi hoàn toàn diện mạo đội bóng xứ Catalonia.
Một trong số đó là quyết định bổ nhiệm Pep Guardiola trở thành HLV trưởng hè 2008. Ban đầu, Pep không phải lựa chọn số 1 của Laporta. Cuốn sách "A Gentleman in New Clothes" xuất bản năm 2013 tiết lộ HLV Đan Mạch Michael Laudrup mới là lựa chọn ban đầu của Laporta. Tuy nhiên, Laudrup khi đó còn hợp đồng với Getafe, và mọi chuyện không thành.
Để rồi Laporta quyết định chọn Pep, bên cạnh việc từ chối Jose Mourinho, một ứng viên hàng đầu vào lúc đó. Đây được xem như thành công lớn thứ 2 trong sự nghiệp làm chủ tịch Barca của Laporta.
Thành công lớn đầu tiên của Chủ tịch Laporta cũng đến nhờ một thương vụ không thành trước đó. Beckham không đến Camp Nou, vì thế Laporta mang về Ronaldinho.
Trước thương vụ Beckham đến Real vài tuần, Laporta đã chiến thắng ứng cử viên nặng ký Lluis Bassat cùng 4 đối thủ khác. Sau thành công trong cuộc đua khốc liệt, vị luật sư này có một mối lo khác. Đó là thực hiện lời hứa với các CĐV.
"Nếu tôi trở thành chủ tịch Barca, tôi sẽ đưa CLB này trở thành thế lực của bóng đá thế giới. Để làm được điều đó, chúng ta phải ký hợp đồng với một trong 3 cầu thủ sau: David Beckham, Thierry Henry hoặc Ronaldinho", Laporta nói trong chiến dịch tranh cử.
Henry khi đó là bất khả xâm phạm ở Arsenal, và tiền đạo người Pháp chỉ đến Camp Nou 3 năm sau đó. Mọi nỗ lực của Barca tập trung vào Beckham và Ronaldinho. Laporta và các cộng sự đã trao đổi với phía MU từ trước, và cả hai thậm chí đã ký biên bản ghi nhớ.
Tuy nhiên, trong 2 tuần đầu tiên kể từ khi trở thành chủ tịch Barca, Laporta không thể thuyết phục Beckham và đành nhìn tiền vệ điển trai người Anh khoác áo "Kền kền trắng".
Ngày 19/7/2003, Barca tuyên bố chiêu mộ thành công Ronaldinho từ Paris Saint-Germain với giá 30 triệu euro. Đây được xem như sự trả thù đầy ngọt ngào của Barca với MU cho thương vụ Beckham trước đó.
Trong 5 mùa giải có mặt tại Barca, Ronaldinho giành 2 chức vô địch La Liga và danh hiệu Champions League năm 2006, chức vô địch được xem là bản lề, mở ra thời kỳ thịnh vượng cho CLB xứ Catalonia đầu thế kỷ 21.
Sự có mặt của Ronaldinho tại Barca được chính Lionel Messi miêu tả mang lại "sự thay đổi toàn diện" cho lịch sử đội bóng. Trước Rô "vẩu", Barca chỉ là một CLB mạnh ở châu Âu, chứ chưa phải là thế lực thật sự.
Mùa hè năm đó, Ronaldinho 23 tuổi. Trong màu áo PSG, cầu thủ người Brazil bộc lộ đủ tiềm năng để trở thành ngôi sao lớn của bóng đá thế giới trong tương lai. Sau khi đã phát ngán với thái độ nhuốm màu showbiz của Beckham, HLV Alex Ferguson chắc mẩm Ronaldinho có thể trở thành thần tượng mới ở Old Trafford.
Mọi chuyện sau đó đổ bể vì Assis, anh trai và cũng là người đại diện của Ronadinho. Một nguồn tin ở Manchester United kể lại anh trai Ronaldinho quá tham lam và đòi nhiều yêu sách trong vụ này. Trong một bài phỏng vấn sau đó, HLV Alex Ferguson thừa nhận điều này. "Có vấn đề với anh trai, người cũng là đại diện của cầu thủ, và Peter Kenyon đã không thể hoàn tất mọi thứ", Sir Alex nói.
Nhiều năm sau, Ronaldinho thừa nhận mình có thể đã đến MU. “Tôi có 48 giờ thuộc về MU trước khi nhận cuộc gọi từ Sandro Rosell”, Ronaldinho nhớ lại. Rosell khi đó là phó chủ tịch Barca và cũng là ứng viên trong cuộc đua giành ghế chủ tịch. Ông có mối quan hệ tốt với Ronaldinho. Rosell gọi điện cho Ronaldinho và nhận được lời hứa từ cầu thủ người Brazil.
Rosell sau đó không trúng cử, nhưng Ronaldinho vẫn quyết định đến Tây Ban Nha, phần vì trục trặc trong đàm phán như đã nói ở trên, bên cạnh lịch sử của những cầu thủ Brazil như Romario, Ronaldo (béo) hay Rivaldo tại Camp Nou. Và còn một lý do đặc biệt khác khiến MU hụt Ronaldinho trong tiếc nuối: Thời tiết u ám tại Manchester.
Ngày "Quỷ đỏ" lên cuộc hẹn với Ronaldinho tại Manchester, để cầu thủ Brazil tham quan Old Trafford trước khi ký hợp đồng, trời đổ mưa lớn.
Bầu không khí ẩm ướt, lạnh lẽo tại Manchester khiến mẫu người ưa tiệc tùng, vui chơi như Ronaldinho không mấy ấn tượng. Thành phố Barcelona, nơi có bãi biển đẹp và khí hậu ấm áp trở thành địa điểm lý tưởng hơn với Ronaldinho.
Không lâu sau khi hụt mất Ronaldinho, MU chiêu mộ Cristiano Ronaldo. Ảnh: Getty. |
Sự vội vàng của Sir Alex
Hụt Ronaldinho, HLV người Scotland cuống cuồng tìm người thay thế cho chiếc áo số 7 bị bỏ trống. Một tháng sau ngày Beckham và Ronaldinho đến các CLB mới, MU đá giao hữu với Sporting Lisbon tại Bồ Đào Nha.
Đội bóng nước Anh để thua đối thủ 1-3 trong trận giao hữu đó, và Sir Alex nhanh chóng bị ấn tượng bởi một cầu thủ trẻ chạy cánh, dáng mảnh khảnh xen lẫn sự điệu đà, nhưng sở hữu tốc độ cùng kỹ thuật đáng nể. Cầu thủ trẻ đó là Cristiano Ronaldo.
Cựu hậu vệ Mikel Silvestre kể lại rằng nhiều cầu thủ MU muốn BLĐ ký hợp đồng với chàng cầu thủ trẻ ấy. “Phil Neville bước ra sân, đi đến chỗ HLV và nói, chúng ta cần ký hợp đồng với cậu ấy”. Thực tế, đội ngũ tuyển trạch MU quan sát Ronaldo từ lâu.
HLV người Bồ Đào Nha, Carlos Queiroz, khi đó làm trợ lý cho Ferguson, từng nhận định Ronaldo có tiềm năng lớn. Điều này được thể hiện qua việc ngoài MU, còn có một danh sách dài các CLB lớn ở châu Âu để mắt đến Ronaldo. Vài tháng trước, Ronaldo thậm chí đến thăm sân tập của Arsenal, gặp gỡ HLV Arsene Wenger.
“Tôi nói chuyện với Cristiano và Jorge Mendes - người đại diện của cậu ấy. Chúng tôi phải nhanh chóng, bởi những câu lạc bộ như Real và Arsenal cũng theo đuổi Ronaldo”, Sir Alex nói trên France Football năm 2017. Thất bại trong thương vụ Ronaldinho khiến ông quyết đoán hơn thường lệ.
"Tôi nói Cristiano hãy gia nhập MU và ngay lập tức liên lạc với mẹ của cậu ấy", HLV người Scotland cho biết. "Tôi nghĩ mẹ và người đại diện của Ronaldo ấn tượng với chúng tôi, ngay cả khi CLB không hứa đảm bảo cho cậu ấy vị trí trong đội một”.
Nửa đỏ thành Manchester chấp nhận chi 12,24 triệu bảng cho Sporting Lisbon. Những gì xảy ra sau đó là lịch sử.