Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bé hai tuổi kêu ‘bố’ khi tivi phát hình nạn nhân MH17

Cô bé Zulaika vẫn chưa biết bố của em sẽ không bao giờ trở về nhà nữa. Khi truyền hình phát ảnh các nạn nhân của thảm kịch MH17, em kêu to: “Bố kìa”.

Anh Shaikh Mohd Noor Mahmood là một trong 15 phi hành đoàn trên chuyến bay MH17 rơi tại miền đông Ukraina vào ngày 17/7. Con gái của anh, bé Zulaika, năm nay hai tuổi.

“Con gái tôi còn quá nhỏ để để hiểu bi kịch gì đang xảy ra. Con bé rất gần gũi với cha. Anh ấy chăm sóc bé khi tôi có lịch bay”, cô Madiani Mahdi, mẹ của Zulaika, nói với Bloomberg.

Cô Madiani cũng là tiếp viên tại hãng hàng không Malaysia Airlines. Người mẹ 42 tuổi gặp chồng trên chuyến bay từ Kuala Lumpur đến Amsterdam cách đây 5 năm.

Một phụ nữ cầu nguyện trong buổi tưởng niệm đặc biệt dành cho các nạn nhân của chuyến bay MH17 tại Kuala Lumpur ngày 18/7. Ảnh: Reuters
Một phụ nữ cầu nguyện trong buổi tưởng niệm đặc biệt dành cho các nạn nhân của chuyến bay MH17 tại Kuala Lumpur ngày 18/7. Ảnh: Reuters

Madiani đón nhận tin dữ từ cuộc điện thoại của một người thân vào khuya 17/7. “Shaikh ở đâu rồi? Cô bật tivi lên đi”, người này nói.

Bối rối vì chưa hiểu chuyện, Madiani hỏi lại: “Có việc gì thế?”. “Về chuyến bay MH17 đấy”, đầu dây đáp.

Cô Madiani trả lời: “Đúng rồi, Shaikh đang ở trên chuyến bay đó. Máy bay sẽ đáp vào 6g sáng mai”. Gia đình người bạn trả lời dứt khoát: “Cô bật tivi lên ngay đi”.

Khi xem bản tin đầu tiên về vụ tai nạn, dù lúc đó thông tin chưa đầy đủ, Madiani hét lên vì sợ hãi. Sau đó, cô cố gắng gửi tin nhắn tới điện thoại của chồng: “Anh ở đâu rồi? Mong là anh bình an. Em sẽ ra đón anh. Ngay khi anh đáp máy bay thì gọi cho em nhé? Em sẽ đợi anh”.

“Tôi vô cùng kinh hoàng. Đến giờ tôi vẫn không hoàn toàn tin đấy là sự thật. Tôi vẫn hy vọng phép màu xảy ra. Cho đến khi tôi tận mắt nhìn thấy thi thể chồng tôi, tôi vẫn chưa thể tin nổi”, Madiani trả lời Bloomberg qua điện thoại.

Nhận diện thi thể nạn nhân MH17 là việc khó nhất

Thi thể không còn nguyên vẹn do trúng tên lửa và rơi từ trên cao và điều kiện bảo quản không tốt là những yếu tố gây trở ngại cho công tác nhận diện nạn nhân trên chuyến bay MH17.

Trong cơn đau buồn, Madiani cố gắng nhớ lại những ký ức hạnh phúc với người chồng. “Anh ấy hay xoa bóp giúp tôi khi tôi mệt mỏi. Chúng tôi có thói quen luôn nhắn tin cho nhau khi đáp xuống điểm đến, kể những chuyện trên chuyến bay, mọi người mệt mỏi ra sao”.

Phiến quân ly khai Ukraina đã bàn giao thi thể các nạn nhân cho chính phủ Ukraina, sau đó chuyển thi thể Hà Lan để các chuyên viên bắt đầu nhận diện nạn nhân. 193 trong tổng số 298 người trên chuyến bay MH17 là người Hà Lan. 43 công dân, gồm hành khách lẫn thành viên phi hành đoàn, là người Malaysia”.

Bi kịch chuyến bay MH17 phủ bóng lên không khí chuẩn bị cho lễ Eid al-Fitr, ngày lễ lớn nhất tại Malaysia vào cuối tháng Ramadan. Đây là thời điểm để gia đình và người thân đoàn tụ. Vào những ngày cuối cùng của tháng Ramadan, các siêu thị và trung tâm mua sắm trở nên nhộn nhịp bởi dòng người sắm sửa chuẩn bị cho ngày lẽ. 

Nhưng bây giờ, ngoài sự phẫn nộ với thủ phạm phóng tên lửa bắn hạn phi cơ MH17, người thân của các nạn nhân rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì họ phải chấp nhận nỗi đau mất chồng, vợ, cha, mẹ, con một cách đột ngột.

Ông Louis Downs, giám đốc Trung tâm nghiên cứu chấn thương tâm lý Đông Nam Á, nói những phản ứng như rối loạn căng thẳng hậu chấn thương sẽ "ảnh hưởng đến rất nhiều người". 

Nó có thể ám ảnh suốt cuộc đời còn lại của bạn", ông lập luận.

Gia đình ngóng chờ thi thể nạn nhân MH17

Nguyện vọng hàng đầu của gia đình các hành khách và thành viên phi hành đoàn trong chuyến bay định mệnh MH17 là sớm nhận lại thi thể người thân để tổ chức tang lễ.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm