Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bé gái Hàn Quốc chào đời 2 tiếng đã sinh nhật 2 tuổi

Cũng giống như ở Việt Nam, người Hàn Quốc tính tuổi mụ và cho rằng em bé khi ra đời đã có một tuổi. Nhiều người cho rằng truyền thống này bị đặt nặng quá mức, và muốn thay đổi.

Cách tính tuổi khác lạ của người Hàn Quốc Phương pháp tính tuổi này bắt nguồn ở Trung Quốc từ nhiều thế kỷ trước sau đó lan rộng khắp Đông Á và Đông Nam Á.

Chỉ hai tiếng sau khi con gái của anh Lee Dong Kil ra đời, đồng hồ điểm tiếng chuông giao thừa và Hàn Quốc bước vào ngày đầu tiên của năm 2019. Mới chỉ vừa ra đời không lâu nhưng theo quan niệm của người dân xứ sở kim chi, cô bé đã bước sang tuổi thứ hai, vì tất cả em bé sinh ra vào năm trước sẽ được tính 2 tuổi trong ngày 1/1 năm sau.

Theo cách thức tính đặc biệt, mỗi em bé Hàn Quốc được tính là 1 tuổi khi ra đời (hay còn gọi là tuổi mụ), và cứ đến ngày đầu tiên của năm mới thì sẽ bước sang tuổi tiếp theo. Một nhà lập pháp nước này đang cố gắng tạo ra quy định giúp từ bỏ truyền thống này, giữa những ý kiến cho rằng cách tính tuổi mụ đã lỗi thời, gây lãng phí, và không còn phù hợp với một quốc gia đang tân tiến như Hàn Quốc.

Nguoi Han phien toai vi tuoi mu anh 1
Anh Lee Dong Kil bên cạnh vợ và con gái, theo cách tính tuổi đặc biệt của Hàn Quốc, em bé được tính lên 2 tuổi chỉ 2 tiếng sau khi chào đời vì sinh vào ngày cuối cùng trong năm. Ảnh: AP.

Cha mẹ khó xử

Đối với các bậc cha mẹ sinh con vào tháng 12, cách tính tuổi này gây nhiều bối rối. Khi con gái chào đời lúc 22h ngày 31/12 năm ngoái, anh Lee Dong Kil chia sẻ thông tin với bạn bè trên mạng xã hội và ngay lập tức nhận được rất nhiều tin nhắn chúc mừng.

"Khoảng hai tiếng sau đó, khi năm mới bắt đầu, những người bạn lại gọi tôi để chúc mừng vì con gái tôi bước sang tuổi thứ 2. Lúc đó tôi nghĩ: 'Thế ư, con bé 2 tuổi rồi sao, nó mới được sinh ra 2 tiếng thôi mà. Chuyện quái gì vậy nhỉ'", anh Lee chia sẻ và cho biết ở Hàn Quốc thì anh 34 tuổi, nhưng ở mọi nơi còn lại trên trái đất thì anh mới bước sang tuổi 32.

Nguồn gốc của phương pháp tính tuổi này dựa trên quan điểm cho rằng thời gian 9 tháng nằm trong bụng mẹ cũng nên được tính vào tuổi của mỗi người, quan niệm thường thấy ở các quốc gia Đông Á trước đây. Nhưng việc thêm một tuổi mới vào ngày 1/1 thì chỉ có ở Hàn Quốc.

Theo chuyên gia Jung Yon Hak đến từ Bảo tàng Dân gian Quốc gia Hàn Quốc, người Hàn trước đây coi trọng năm sinh của một người theo vòng tuần hoàn 60 năm trong lịch Trung Hoa, thay vì một con số nhất địch theo lịch phương Tây. Họ cũng không quan tâm lắm đến ngày tháng sinh cụ thể của mình và cho rằng khi bước sang năm mới theo Âm lịch thì mình cũng bước sang tuổi mới.

Và khi Hàn Quốc chuyển sang dùng Dương lịch thay cho Âm lịch, thói quen này cũng được áp dụng vào Dương lịch. Năm sinh vẫn là thứ quan trọng nhất với người Hàn Quốc, những người sinh cùng năm thì sẽ cùng cầm tinh một con giáp.

Nhật Bản đã từ bỏ cách tính tuổi của người Trung Quốc và chuyển hoàn toàn sang cách tính tuổi phương Tây. Về mặt lý thuyết, Hàn Quốc cũng tính tuổi theo Dương lịch, nhưng người dân nước này vẫn cực kỳ coi trọng tuổi Âm lịch trong đời sống hàng ngày. Nhiều người cho rằng chính phủ cần phải làm nhiều hơn để thay đổi thói quen đó.

Nguoi Han phien toai vi tuoi mu anh 2
Về mặt lý thuyết thì Hàn Quốc cũng tính tuổi theo Dương lịch, nhưng người dân nước này vẫn cực kỳ coi trọng tuổi Âm lịch trong đời sống hàng ngày. Ảnh: AP.

Người dân thì đơn giản là chọn cách sống với cả 2 phương pháp tính tuổi.

Mọi người không tổ chức tiệc sinh nhật vào ngày đầu năm mới, mà thay vào đó vẫn ăn mừng buổi lễ này vào ngày họ sinh ra. Những người trẻ coi họ bước sang tuổi mới trong năm Dương lịch, còn những người già vẫn đợi đến năm mới Âm lịch để thêm cho mình một tuổi.

Một số quán ăn gia đình ở Hàn Quốc không tính tiền trẻ em dưới 36 tháng tuổi, vì vậy nhiều cha mẹ thường tính tuổi cho con mình theo cách của phương Tây khi đi ăn ở ngoài.

Cần sự thay đổi

Tuy vậy, nhiều người vẫn cho rằng văn hóa tính tuổi mụ này sẽ khiến cho Hàn Quốc trở nên kỳ quặc so với cộng đồng quốc tế. Nhiều người cảm thấy phức tạp khi trò chuyện với người nước ngoài. Phóng viên nước ngoài ở Hàn Quốc cũng phải hỏi ngày tháng sinh của những người được hỏi để tính tuổi Tây của họ trong các câu chuyện.

Cách tính tuổi đặc biệt của người Hàn cũng được cho là cổ súy cho cách xếp vị trí trong xã hội của một người theo tuổi tác. Ở Hàn Quốc, những người sinh cùng năm sẽ ngang hàng với nhau, trong khi để xưng hô với những người lớn tuổi, người Hàn phải sử dụng kính ngữ thay vì gọi họ bằng tên riêng.

Anh Ahn Chang Gun đến từ thành phố Gimhae cho biết mình cảm thấy "trống rỗng" khi con trai lên 2 tuổi vào ngày 1/1 năm 2013, em bé mới chỉ ra đời 2 tuần trước đó, 8 năm sau ngày cưới của vợ chồng anh. "Nó là con trai bé bỏng và quý giá mà chúng tôi phải chờ mãi mới có được, nhưng tự nhiên tôi thấy vèo cái 2 năm đã trôi qua mà tôi chưa làm được gì cho con, anh Ahn chia sẻ.

Vào tháng 1, nhà lập pháp Hwang Ju Hong đã đệ trình một dự thảo luật yêu cầu cơ quan nhà nước phải ghi rõ độ tuổi theo Dương lịch trong các văn bản, và khuyến khích người dân sử dụng cách tính tuổi phương Tây trong đời sống hàng ngày. Đây là lần đầu tiên một điều luật được đưa ra nhằm hủy bỏ cách "tính tuổi kiểu Hàn".

"Mục đích của điều này là để giải quyết sự nhầm lẫn và kém hiệu quả trong việc sử dụng một lúc 2 cách tính tuổi", ông Hwang cho biết.

Nguoi Han phien toai vi tuoi mu anh 3
Chị Choi Min Kyung, nhân viên một công ty du lịch ở Seoul, cho rằng cách tính tuổi của người Hàn Quốc khiến cho phụ nữ bị thiệt thòi, nhất là khi đi hẹn hò. Ảnh: AP.

Nghị sĩ này nói thêm rằng dự thảo sẽ được trình lên trong phiên họp quốc hội trong vài tháng tới.

Kết quả thăm dò trong những năm gần đây cho thấy người Hàn Quốc ủng hộ cách tính tuổi phương Tây, nhưng không rõ họ muốn sự thay đổi mạnh mẽ tới đâu.

"Nếu chúng tôi dùng tuổi Dương lịch, mọi chuyện có thể trở nên phức tạp vì xã hội rất coi trọng việc bạn sinh ra vào năm nào. Chúng ta cũng nên tính thời gian em bé được thụ tinh và lớn lên trong bụng mẹ vào tuổi của chúng", ông Lim Kyoung Jae, người đứng đầu công ty du lịch Miko ở Seoul, cho biết.

Nhân viên của ông Lim, cô Choi Min Kyung thì không nghĩ như vậy, cô mới 26 tuổi ở nước ngoài, nhưng đã bước sang tuổi 28 ở Hàn Quốc. "Sẽ tốt hơn nếu bạn trẻ hơn, đặc biệt là khi đi hẹn hò, có một sự khác biệt không hề nhẹ giữa 26 và 28 tuổi", cô Choi chia sẻ.

Hàn Quốc và sắc lệnh ngăn 'vấn nạn cô đơn' thời hiện đại

Số lượng người độc thân đang ngày một tăng cao ở Hàn Quốc khiến chính quyền thành phố phải tìm mọi cách giúp người dân chống chọi với cô đơn.

Nhà cửa cháy đen, bãi xe chỉ còn khung sau 'biển lửa' ở Hàn Quốc

Trong hai ngày 4-5/4, các đám cháy lớn ở tỉnh Gangwon phía đông Hàn Quốc buộc hơn 4.000 người phải sơ tán trong khi chính phủ điều động hơn 15.000 lính cứu hỏa và binh sĩ quân đội.

Sơn Trần

(theo AP)

Bạn có thể quan tâm