Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàn Quốc và sắc lệnh ngăn 'vấn nạn cô đơn' thời hiện đại

Số lượng người độc thân đang ngày một tăng cao ở Hàn Quốc khiến chính quyền thành phố phải tìm mọi cách giúp người dân chống chọi với cô đơn.

12 năm trước, Park Ki-woong, 32 tuổi, đã phải rời gia đình ở Busan để chuyển đến Seoul và bắt đầu cuộc sống độc thân từ đó. Sau một thời gian nỗ lực thích nghi, anh đã quen với nó.

"Dần dần, ăn một mình, ngủ một mình hay xem tivi một mình với tôi dễ dàng hơn trước, nhưng nhiều năm trôi qua, cảm giác cô đơn bao trùm tôi thường xuyên hơn vào những thời điểm bất ngờ", anh Ki-woong cho biết. "Ví dụ, khi tôi trở về nhà sau một ngày dài làm việc và bật đèn cho căn hộ trống trải của mình, tôi đột nhiên cảm thấy như mình đang ở một mình trên thế giới".

Cảm giác cô đơn trầm trọng dần dà sẽ dẫn đến trầm cảm. Người nhân viên văn phòng này hẹn gặp bác sĩ trị liệu mỗi tuần.

co don o Han Quoc anh 1
Cô đơn là cơn ác mộng của giới độc thân Hàn Quốc. Ảnh: The Korea Herald.

"Có thể có nhiều lý do cho chứng trầm cảm của tôi nhưng tôi nghĩ mình sẽ kiểm soát nó tốt hơn nếu có ai đó để nói chuyện và chia sẻ cuộc sống của tôi mỗi ngày, anh Park nói.

Park là một ví dụ điển hình của nhóm ngày càng tăng những người trẻ tuổi sống độc thân ở Hàn Quốc.

Theo số liệu thống kê của nước này, trong năm 2017 có khoảng 5,6 triệu người độc thân ở Hàn Quốc, chiếm khoảng 29% số hộ gia đình. Năm 2000, tỷ lệ này ở mức 15,5% và dự kiến sẽ hơn 36% vào năm 2045.

Một cuộc khảo sát của Hankook Research vào tháng 4/2018 trên 1.000 người trưởng thành tại Hàn Quốc cho thấy 46% những người sống một mình luôn luôn hoặc thường cảm thấy cô đơn, và chỉ 44% đôi khi cảm thấy điều này.

Dịch vụ kinh doanh "ăn chung"

Lee Ji Soo, sinh viên đại học đã 6 năm sống một mình ở Seoul, ghét cảnh phải ăn một mình trên chiếc bàn ăn trống huếch trong gian bếp.

"Tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều người thuộc thế hệ của tôi gặp phải khó khăn tương tự như việc ăn uống một mình", Ji Soo nói với The Korea Herald.

"Tôi muốn chia sẻ bàn ăn của mình với những người cũng cảm thấy cô đơn khi ăn một mình, vì vậy tôi đã tập hợp mọi người lại, cùng đi mua đồ tại siêu thị hoặc khu chợ địa phương để nấu ăn với nhau", cô nói.

Bữa ăn chung đầu tiên Ji Soo tổ chức với những người hàng xóm của mình vào năm 2017 sau đó đã trở thành chính công việc kinh doanh mà cô đam mê.

Ji Soo hiện kinh doanh loại hình nhóm ăn uống chung có tên "Bàn ăn của Jingu", hướng đến những người ăn uống một mình ở thủ đô Seoul.

co don o Han Quoc anh 2
Những người tham gia câu lạc bộ ăn uống cộng đồng "Bàn ăn của Jingu" cùng nhau ăn tối và trò chuyện. Ảnh: Jingu’s Table.

Thông qua các tài khoản mạng xã hội của nhóm, Lee tìm ra 10-12 người mỗi tháng để tập trung nấu các bữa ăn tại nhà, với thực đơn thay đổi đa dạng từ cà ri đến món hầm.

Nấu ăn và ăn uống cùng nhau giúp mọi người trở thành bạn bè và có thể chia sẻ những khó khăn về cuộc sống độc thân. "Có người tham gia ăn chung 5 tuần liên tiếp nói với tôi rằng bây giờ anh ấy cảm thấy như thiếu thứ gì đó khi ăn một mình vào ban đêm, Lee nói.

Tại Hàn Quốc, có nhiều sự kiện tương tự như "Bàn ăn của Jingu" được tổ chức trên toàn quốc để giúp đỡ những người sống độc thân. Xu thế sống độc thân cũng "truyền cảm hứng" đến các chương trình truyền hình. Chẳng hạn, chương trình gameshow giải trí "Everyone’s Kitchen" (Bếp cho mọi người) sẽ mời các nghệ sĩ nổi tiếng cùng tham gia nấu ăn.

co don o Han Quoc anh 3
Những sự kiện kết nối cộng đồng như "Bàn ăn của Jingu" đang trở thành mô hình tham khảo cho chính phủ Hàn Quốc. Ảnh: Jingu’s Table.

“Là một người được sinh ra trong xã hội, việc những người sống một mình nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng là điều rất cần thiết”, Kwak Keum Joo, giáo sư ngành tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul, nhận định.

Ngoài ra, người độc thân cũng được hưởng các dịch vụ hỗ trợ đa dạng khác như: làm đồ thủ công, du lịch, các lớp nấu ăn, tập thể dục,... dành cho những người chưa từng quen biết.

"Hãy nhảy Cha Cha Cha cùng nhau" của quận Seodaemun-gu, Seoul, là một chương trình được nhiều người ưu chuộng. Trong 3 tháng, 20 thành viên trong độ tuổi từ 40 - 60 sẽ dành thời gian từ 10h sáng - 8h tối mỗi thứ bảy để cùng nhau nấu nướng và làm đồ thủ công.

co don o Han Quoc anh 4
Những người độc thân ở Seodaemun-gu, Seoul, làm đồ gỗ trong một sự kiện kết nối cộng đồng. Ảnh: Seodaemun-gu Health Family Support Center.

Người điều phối chương trình, bà Lee Lee Sook từ văn phòng quận Seodaemun-gu, nói với The Korea Herald: "Chương trình là cơ hội để hòa nhập giúp những người hàng xóm cảm thấy bớt cô đơn".

Ở độ tuổi 60 và sống một mình tại Seodaemun-gu, ông Lee đã quyết định tham gia chương trình này vào năm ngoái sau khi ông nhìn thấy tờ rơi trên xe buýt của thành phố. Lee cho biết mặc dù có khoảng cách tuổi tác lớn giữa các thành viên nhưng ông vẫn dễ dàng kết bạn khi giữa họ có chung một chủ đề để chia sẻ là sống một mình trong thành phố.

"Tôi đã đợi đến thứ bảy để thấy bớt cô đơn khi được ăn tối với người khác", ông Lee thổ lộ.

Chương trình yêu thích của ông Lee đã kết thúc vào năm ngoái song các thành viên vẫn tụ tập ít nhất mỗi tháng một lần. Ông cũng hy vọng chính quyền tiếp tục tổ chức chương trình trong năm 2019 và sẵn lòng tham gia.

Chính quyền thành phố Seoul đã chi 300 triệu won (264.300 USD) cho các chương trình kết nối người độc thân trong năm 2019. Chi tiết về các chương trình sẽ được công bố vào tháng 4 này.

Sắc lệnh ngăn chặn sự cô đơn

Nghị viên Park Min Sung từ Hội đồng thành phố Busan nói rằng thành phố này coi trọng tác động nghiêm trọng của sự cô đơn. Theo ông Park, người đang chuẩn bị sắc lệnh của thành phố để đối phó với "vấn nạn cô đơn", số người độc thân chiếm tới 34% số hộ gia đình ở Busan. 78 trong số 206 quận ở Busan có tỷ lệ người độc thân cao hơn 40%.

"Sự cô đơn đã nổi lên như một vấn đề nghiêm trọng trong cộng đồng của chúng tôi. Tôi nghĩ rằng hội đồng thành phố nên xây dựng một sắc lệnh quan tâm đến đời sống tinh thần của các công dân", ông nói.

Trong một diễn đàn mở được tổ chức vào ngày 29/1 vừa qua, khoảng 20 sinh viên đại học và những người trẻ tuổi đã thảo luận các biện pháp để chống chọi với cô đơn, bao gồm cả những biện pháp mà chính quyền thành phố có thể áp dụng.

Dự thảo sắc lệnh xem xét thiết lập một "bản đồ những người sống độc thân" ở Busan, căn cứ vào đó thành lập các trung tâm tư vấn để mọi người có thể đến nghe các tư vấn từ chuyên gia.

"Mức độ cô đơn có thể được xác định dựa trên các chỉ số, chẳng hạn như tỷ lệ số người độc thân, tỷ lệ tự sát hoặc tỷ lệ người chết một mình trong khu vực. Nếu sắc lệnh được ban hành, chính quyền thành phố Busan có thể phân tích dữ liệu định kỳ và cung cấp các dịch vụ phù hợp cho từng quận dựa trên kết quả đó", ông Park giải thích.

Ông đang lên kế hoạch đệ trình sắc lệnh này lên Hội đồng thành phố vào tháng 5. Ngay khi ý tưởng về các biện pháp đối phó với sự cô đơn của ông Park xuất hiện, chính quyền các thành phố khác cũng lập tức thể hiện sự quan tâm.

"Điều này cho thấy vấn nạn cô đơn của người độc thân không phải của riêng Busan, mà còn là vấn đề phổ biến trên cả nước. Tôi hy vọng sắc lệnh này có thể trở thành một mô hình hoạt động hiệu quả ở các thành phố khác nữa", ông Park cho biết.

Người Hàn Quốc nuôi thú thay con, nhưng 'đứa trẻ' sẽ chết trước bố mẹ

Nhiều người Hàn Quốc ngày càng không muốn sinh con và quyết định chọn một con vật nuôi làm thành viên gia đình, nhưng điều đó trở thành vấn đề vì chúng không thể sống lâu hơn chủ.

Ngành bói toán tỷ USD xứ Hàn - từ giải trí đến trấn an tinh thần

Bói toán phát triển mạnh một cách bất thường từ trò vui thỏa mãn tò mò thành chỉ dẫn trong cuộc sống hàng ngày ở Hàn Quốc, nơi người dân tìm đến thế giới tâm linh khi bất an.


Hà Lan

Bạn có thể quan tâm