Đa dị tật bẩm sinh
Vẫn còn đau đớn vì vết mổ đẻ nhưng sản phụ Vũ Thị Khuyến (SN 1977, ở Thuỵ Hương, Kiến Thụy, Hải Phòng) vẫn gắng gượng bên chiếc lồng ấp, để được vỗ về đứa con gái tội nghiệp bị chằng chịt dây thở ô xi và kim tiêm truyền dịch.
Chị Khuyến bảo: “Tôi phải vỗ như thế để cháu bớt đi những tiếng khò khè sau một nhịp thở. Nếu ngừng tay vỗ thì chỉ một lúc là cháu tím tái toàn thân phải cấp cứu như mấy ngày đầu nhập viện. Cũng có lúc cháu giẫy đạp nhiều dẫn đến thở dốc và toàn thân tím bẫm như quả mồng tơi chín”.
Dù còn đau nhiều sau mổ đẻ, chị Khuyến vẫn gắng gượng để được vỗ về con. |
Vượt cạn với vết mổ, nhưng chị Khuyến còn đau đớn hơn khi chứng kiến cảnh con gái bé nhỏ thoi thóp sống. Chị kể: “Sau khi được mổ lấy thai, cháu được chuyển sang bệnh viện trẻ em, còn tôi phải ở lại bệnh viện phụ sản để điều trị vết mổ. Không gặp được con ngay, tôi hỏi thì nhận được thông báo từ bác sĩ rằng cháu bị đa dị tật bẩm sinh, tim nằm bên phải và gan nằm bên trái, phổi nằm bên phải, thực quản ngày càng teo, tay phải bị khèo và sức khỏe rất yếu. Bác sĩ cũng cho biết trường hợp đa dị tật như của cháu là rất hiếm gặp…”, nói về tình trạng của con, chị Khuyến không ngừng khóc.
Vốn sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo khó lại đông con nên chị Khuyến không được học hành đầy đủ. Ngoài 20 tuổi, chị rời quê hương Kiến Thuỵ, theo người quen vào tận Sài Gòn làm thuê với mong có thu nhập gửi về quê đỡ đần cha mẹ.
Nơi đất khách quê người, chị gặp anh Phạm Văn Pháp (SN 1974, quê ở Ngô Quyền, Hải Phòng). Hai người nên duyên vợ chồng.
Năm 2008, chị mang thai và sinh con gái đầu lòng trong niềm hạnh phúc ngập tràn. Chị đặt tên con là Phạm Ngọc Như Ý. Khi sinh ra, Như Ý phát triền bình thường, nhưng khi tròn 1 tuổi, cháu bị sốt cao, co giật và phải nhập viện. Bác sĩ kết luận cháu bị lao màng não do nhiễm chất độc dam cam di truyền từ mẹ.
Khi đó, chị Khuyến mới biết bản thân mình bị nhiễm chất độc da cam di truyền từ người cha bởi một thời ông Vũ Văn Mễ (bố chị Khuyến) tham gia chiến đấu trong vùng bị địch rải chất độc da cam và hiện đang hưởng chế độ trợ cấp nhiễm chất độc da cam với thương tật 81% sức khỏe.
Hoàn cảnh kinh tế khó khăn, vợ chồng chị Khuyến phải vay mượn bạn bè, họ hàng gần 100 triệu đồng để chạy chữa cho con. Suốt 3 tháng trời, vợ chồng thay phiên nhau chăm con. May mắn sau lần nhập viện đó, cháu Như Ý phát triển khỏe mạnh như đứa trẻ bình thường.
Vừa lo trả xong số nợ chữa bệnh cho còn, thì cuối năm 2012 chị Khuyến mang thai đứa con thứ hai. Anh Phát động viên vợ, dù có kinh tế có khó khăn thế nào đi chăng nữa, vợ chồng cũng phải sinh thêm đứa con thứ 2, để cho con gái lớn có chị có em. Chị Khuyến lại lo lắng, con sẽ mang gen di truyền của mẹ.
Do vậy, lần mang thai này, chị thường xuyên đến bệnh viện có uy tín để kiểm tra tình trạng thai nghén và kết quả không phát hiện dấu hiệu bất thường.
Bé Ý Nhi đang từng giờ giành giật sự sống với bệnh tật |
Khoảng 3 tháng trước ngày sinh, hai vợ chồng cùng con gái lớn về nhà ngoại để chờ sinh, rồi dự tính cả nhà sẽ ở Hải Phòng kiếm việc làm chứ không đi vào Nam nữa. Đến tháng thứ 8, chị thấy chân trái sưng to không đi lại được, đi khám thì bác sĩ bảo do thai chèn ép dây thân kinh nên chị lại về nhà để dưỡng thai chờ ngày sinh.
Ngày chị Khuyến chuyển dạ, bằng phương pháp sinh mổ, các bác sĩ bắt bé gái nặng 2,2kg ra khỏi bụng mẹ. Nhưng niềm vui con chào đời ngắn chẳng tày gang, chị Khuyến như chết lặng khi bác sĩ thông báo tình trạng sức khỏe con gái nhỏ ngày càng xấu đi.
Mong một phép màu
Phạm Ngọc Ý Nhi là tên cha mẹ bé gái bất hạnh đã đặt cho bé với hy vọng điều tốt đẹp sẽ đến với con như một phép màu. Trong lồng ấp của bệnh viện, Ý Nhi thi thoảng lại tóp tép cái miệng xinh, rồi lại co quắp bởi những nhịp thở gấp do trái tim non nớt bị lỗi nhịp.
Đã chào đời nhiều ngày song Ý Nhi vẫn không tự ăn bằng miệng. Nhìn con, chị Khuyến biết con đang rất đói, đòi ăn, nhưng do thực quản bị teo lại nên có ăn thì sữa cũng chỉ tắc ở cổ họng rồi lại bị trào ra qua đường miệng, không thể xuống dạ dày. Cũng do phổi nằm đảo ngược sang bên phải lồng ngực nên cháu bé phải hỗ trợ thở ô xi.
Ông ngoại của bé Ý Nhi dằn vặt, đau đớn bởi chất độc màu da cam từ ông đã làm ảnh hưởng đến đời con, đời cháu... |
Bác sĩ Phạm Văn Điệp, Trưởng khoa sơ sinh Bệnh viện trẻ em Hải Phòng, cho biết: Sản phụ Vũ Thị Khuyến sinh non 36 tuần, bé gái nhập viện trong tình trạng tím tái, do bị đa dị tật: Tim bẩm sinh lệch bên phải, thông sàn nhĩ thất thể bán phần, bất thường về tĩnh mạch phổi, teo thực quản bẩm sinh, bàn tay trái khèo.
Bệnh viện đã tiến hành hội chẩn, xác định đây là trường hợp trẻ sơ sinh bị đa dị tật rất hiếm gặp. Để cứu sống cháu bé, bệnh viện đã tổ chức phẫu thuật mở ống thông vào dạ dày để nuôi dưỡng tạm thời; hỗ trợ thở ô xi và nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch.
Về mặt chuyên môn, bác sĩ Điệp cho biết, do bệnh nhi gặp di tật ở tim nên bệnh viện không thể can thiệp dị tật teo thực quản bẩm sinh, nếu can thiệp tính mạng cháu bé sẽ bị đe dọa. Việc nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch cũng chỉ là giải pháp tạm thời, bởi lâu dài cháu bé sẽ bị duy dinh dưỡng kéo dài, bội nhiễm, nhiễm trùng và khả năng tử vong là rất cao. Đây cũng là trường hợp vượt quá khả năng và điều kiện can thiệp của bệnh viện. Do vậy, bệnh viện đã khuyên gia đình chuyển cháu lên Bệnh viện Nhi trung ương để được phẫu thuật càng sớm càng tốt.
Biết rằng đưa con lên bệnh viện tuyến trên, cơ hội sống sẽ nhiều hơn, nhưng chị Khuyến đành nuốt nước mắt xin được điều trị ở Hải Phòng. Gia đình chị cũng xoay sở nhưng số tiền có được không đến vài triệu đồng. Chị Khuyến chẳng biết lấy tiền ở đâu để chữa trị cho con.
Nhìn con gái, nhìn cháu ngoại đang chết dần mòn, ông Vũ Quang Mễ càng dằn vặt mình hơn. Ông Mễ bảo, cả tuổi trẻ gắn bó với chiến trường Quảng Nam, Đà Nẵng, không ngờ thứ chất độc hóa học đang nhiễm trong cơ thể lại ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ thứ 3. “Tôi đã làm khổ các con rồi, tôi sinh 5 người còn thì 3 đứa mắc bệnh tâm thần, nay tôi lại làm khổ đến đời các cháu nữa…”, người lính già đau khổ, mắt ầng ậc nước.
Ngày 12/9, bác sĩ bệnh viện trẻ em Hải Phòng thông báo với chị Khuyến, sức khỏe bé Ý Nhi quá yếu, nếu không kịp thời chuyển viện tuyến trên để mổ thông thực quản, bé sẽ không qua khỏi trong 1 - 2 ngày tới...
Mọi lòng hảo tâm xin gửi về: Phạm Văn Pháp, thôn Trà Phương, xã Thuỵ Hương, Kiến Thuỵ, Hải Phòng. ĐT 0922913189, hoặc tài khoản: Vũ Thị Khuyến, STK: 0071003019398, Ngân hàng Vietcombank, Chi nhánh TP.HCM.