Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bê bối tại tiệc tối làm ô danh Mật vụ Mỹ

Mật vụ Mỹ để lọt lỗ hổng cực lớn trong buổi tiệc chiêu đãi Thủ tướng Ấn Độ tại Nhà Trắng năm 2009, khi hai vị khách không mời mà đến có dịp bắt tay Tổng thống Mỹ Barack Obama.

a
Quốc tiệc của tổng thống Mỹ đón tiếp tổng thống Ấn Độ tại Nhà Trắng.

Scandal an ninh trên xảy ra trong buổi quốc tiệc chiêu đãi Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tại Nhà Trắng đêm 24/11/2009. Đây được xem là một trong những khoảnh khắc đen tối nhất của Cơ quan Mật vụ Mỹ.

Đó là quốc tiệc đầu tiên của Tổng thống Barack Obama chiêu đãi thượng khách nước ngoài kể từ khi ông trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Lúc 19h15, một quý bà khoảng 40 tuổi, mái tóc bạch kim dài duỗi thẳng, vóc dáng mảnh mai cao ráo như người mẫu, mặc đầm xuất hiện.

Bà khoác tay một quý ông mặc lễ phục đen trông không kém phần lịch lãm và giàu có. Họ bước trên thảm đỏ, tươi cười trước ê-kíp quay phim truyền hình của Công ty Truyền thông Bravo. Một phóng viên la lớn: "Kìa, một Desparate Housewife… (tên chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng ở Mỹ)".

Nhà Trắng trúng đạn: Vết nhơ khó gột

Ít nhất 7 viên đạn bay vào gần phòng khách của gia đình Tổng thống Barack Obama khi con gái út và mẹ vợ ông đang ở bên trong. Nhưng 4 ngày sau Cơ quan Mật vụ Mỹ mới biết.

Mật vụ Mỹ để Obama đi thang máy với kẻ mang súng

Các mật vụ Mỹ phạm sai lầm nghiêm trọng khi để Tổng thống Mỹ Barack Obama đi chung thang máy với một kẻ cầm vũ khí, từng có tiền án vì tấn công có vũ trang.

Không gặp trở ngại nào

Đó là cặp vợ chồng Michaele và Tareq Salahi, người Virginia, chuyên kinh doanh rượu vang và tổ chức các trận đấu polo (môn cưỡi ngựa đánh bóng gỗ của giới thượng lưu) ở thủ đô Washington, Mỹ. Họ chuẩn bị trước cả tuần cho sự kiện quan trọng này với tư cách thí sinh đăng ký tham gia sô truyền hình thực tế The Real Housewives of Washington của Bravo.

Vợ chồng Salahi hòa mình một cách tự tin vào đoàn khách mời 320 người thuộc giới thượng lưu. Lúc đó trời mưa nặng hạt, quan khách kiên nhẫn xếp hàng ở các cổng vào chờ kiểm tra an ninh mất khá nhiều thời gian. 

Dù không có tên trong danh sách khách mời, không rõ bằng cách nào mà vợ chồng Salahi vẫn lọt qua hai chốt an ninh, trong đó có một chốt kiểm tra qua ảnh. Đêm đó, cặp khách không mời này tiếp cận dễ dàng Tổng thống Obama, đệ nhất phu nhân Michelle Obama, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cùng phu nhân Gursharan Kaur và Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden mà không gặp bất cứ trở ngại nào từ phía Cơ quan Mật vụ Mỹ (USSS).

Chi tiết về việc người lạ trà trộn vào các quan khách tham dự quốc tiệc đã được Washington Post đưa tin đầu tiên ngay sáng hôm sau trên trang web của nhật báo này. Một quan chức Nhà Trắng xác nhận vợ chồng Salahi không được mời dự lễ và ăn tối. USSS chỉ biết nội vụ sau khi bà Michaele khoe trên trang Facebook một loạt ảnh chụp hai vợ chồng trong buổi quốc tiệc. Tuy nhiên, Nhà Trắng không chính thức đưa ra lời giải thích tại sao xảy ra sự cố đó.

Tổng thống Mỹ nhiều lần thót tim với mật vụ

Từ khi vào Nhà Trắng đầu năm 2009, không ít lần gia đình Tổng thống Barack Obama lâm nguy vì sai sót khó hiểu của Cơ quan Mật vụ Mỹ.

Nếu họ là khủng bố?

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Nhà Trắng, có người "ăn chực" quốc tiệc mà không bị phát hiện. Cũng may là vợ chồng nhà Salahi chỉ làm liều để được nổi tiếng. Tuy nhiên, nếu họ là khủng bố thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Rõ ràng USSS đã mắc phải sai lầm chết người. Tính mạng tổng thống, phó tổng thống Mỹ và kể cả thủ tướng Ấn Độ đã bị đe dọa nghiêm trọng. Tổng thống Obama khi hay biết sự cố này đã nổi giận, phê bình gay gắt bà Desiree Rogers, thư ký Nhà Trắng phụ trách các sự kiện xã hội, đồng thời yêu cầu ông Mark Sullivan, Giám đốc USSS, không được để xảy ra lần thứ hai.

Mật vụ theo sau bảo vệ Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh:Reuters

Sự cố tuy không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng các ông nghị đảng Cộng hòa không bỏ lỡ cơ hội làm lớn chuyện để bêu riếu chính quyền Tổng thống Obama. Hạ nghị sĩ Peter T. King, đại biểu đảng Cộng hòa bang New York, yêu cầu Ủy ban An ninh nội địa Hạ viện có thẩm quyền giám sát USSS tiến hành điều tra vụ việc. Ba đối tượng đã bị mời đến điều trần trước ủy ban vào đầu tháng 12/2009: Vợ chồng Salahi, thư ký Nhà Trắng Desirée Rogers và Giám đốc USSS Mark Sullivan.

Vợ chồng Salahi thoạt đầu từ chối buổi điều trần ngày 3/12/2009. Dù sau đó có đến trình diện Ủy ban An ninh nội địa nhưng họ viện dẫn tu chính án hiến pháp thứ 5 (quyền từ chối làm chứng chống lại chính mình) để 32 lần khước từ trả lời chất vấn của các ủy viên.

Trường hợp bà Rogers đã gây tranh cãi gay gắt giữa các ủy viên hai đảng đối nghịch. Ông Bennie Thompson, đảng Dân chủ, Chủ nhiệm Ủy ban An ninh nội địa Hạ viện, bác yêu cầu của các ủy viên đảng Cộng hòa đòi triệu tập bà Rogers điều trần. Theo ông, phía chịu trách nhiệm an ninh chính là USSS chứ không phải Nhà Trắng, dù nhân viên của bà Rogers có nhiệm vụ cùng với các đặc vụ kiểm tra thư mời.

Ông Thompson cũng có ý trách phe Cộng hòa "nhỏ mọn", muốn lôi Nhà Trắng vào để "trả thù", điều mà hạ nghị sĩ King bác bỏ. Ông King chỉ trích Nhà Trắng không minh bạch khi từ chối để bà Rogers ra điều trần trước Hạ viện. Vài tháng sau, một nhân viên của bà Rogers đã đệ đơn xin nghỉ vì chịu không nổi áp lực quá lớn.

Trong khi đó, giám đốc USSS không có lý do gì để từ chối điều trần. Ông Sullivan thừa nhận: "Đó là lỗi của chúng tôi và chỉ có chúng tôi mà thôi". Ông thông báo đã cho nghỉ việc ba đặc vụ liên đới trong vụ sơ suất để kẻ lạ mặt trà trộn vào quốc tiệc. USSS hứa mở cuộc điều tra nội bộ, xem trách nhiệm cụ thể thuộc về ai để xử lý thích đáng…

Cầu vinh rước nhục

Mục đích của vợ chồng nhà Salahi là kiếm danh. Về mặt này, họ hết sức "nổi tiếng" khi được cả làng báo Mỹ tranh nhau phỏng vấn, điều tra, tìm hiểu sự thật đằng sau vụ USSS để hai vị khách không mời dễ dàng qua mặt, lọt vào Nhà Trắng và có thể ám sát Tổng thống Obama như chơi (thực tế, ngoài vợ chồng Salahi còn có một vị khách không mời tên Carlos Allen cũng lọt vào quốc tiệc). Trong đó, tờ Washngton Post đã huy động cả chục phóng viên viết về họ và đăng tổng cộng 110 bài.

Tuy nhiên, cuộc sống của vợ chồng Salahi đã trở thành cơn ác mộng. Nhà máy sản xuất rượu của gia đình họ nhận được hàng ngàn cú điện thoại chửi bới, đe dọa. Ông Tareq bị Sở Du lịch Virginia sa thải theo yêu cầu của thống đốc bang. Nhiều nhà tài trợ rút khỏi Cúp America’s Polo do ông tổ chức. Bức xúc, ông Tareq cho rằng Nhà Trắng nên xin lỗi vì đã vùi dập danh tiếng của ông.

Từ ngày 11 đến 13/12/2009, báo USA Today kết hợp với Công ty Gallup tổ chức thăm dò ý kiến 1.025 người trên toàn nước Mỹ về chuyện vợ chồng Salahi "ăn chực" quốc tiệc. 70% người được hỏi cho rằng cặp vợ chồng này "thất bại" trong việc tìm kiếm danh vọng, chỉ 16% tin rằng họ "thắng cuộc".

http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/bua-tiec-lam-o-danh-usss-20141018090229564.htm

Theo Nguyễn Cao/Người lao động

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm