Khi được mời đóng phim True Detective (2014), Raeden Greer đã rất hãnh diện.
Thế nhưng, mọi hy vọng của Greer đã tan thành mây khói. Cô kể bị sỉ nhục và xúc phạm đến nỗi phải chạy sang nhà người bạn để khóc. “Chỉ vì từ chối phô ngực trần trong một cảnh quay không có trong hợp đồng mà tôi đã bị sa thải”, Greer kể với The Daily Beast. Cô nói người đứng sau việc này không ai khác là đạo diễn Cary Joji Fukunaga.
Sự việc đã trôi qua 7 năm nhưng tổn thương trong Greer vẫn còn. Gần đây, ký ức ấy trỗi dậy khi nữ diễn viên đọc bài phỏng vấn của Cary Joji Fukunaga trên The Hollywood Reporter. Trong đó, vị đạo diễn nói về nỗ lực đưa bom tấn No Time to Die trở thành một phần của phong trào #MeToo.
Đạo diễn No Time to Die qua lời kể của Raeden Greer
Trong cuộc phỏng vấn ngày 13/10, Raeden Greer kể vụ tranh cãi với Cary Joji Fukunaga năm xưa diễn ra căng thẳng. Trong 10 phút lời qua tiếng lại, Greer tiết lộ đạo diễn lừng danh đã làm mọi cách, từ nói lời đường mật cho đến đe dọa để thuyết phục cô khỏa thân.
Khi Greer không chịu, cô đã bị thay thế bằng một tên tuổi khác có kinh nghiệm diễn xuất, và quan trọng hơn là người này đồng ý cởi đồ trước ống kính máy quay.
“Tôi cảm giác thất vọng và thật là tệ hại. Cary không thể đối xử với phụ nữ như thể tất cả những gì ông ta muốn chỉ là nhìn ngắm bộ ngực. Sự thật luôn khiến người khác tổn thương”, Greer chia sẻ.
Trở lại với phần phim thứ 25 của James Bond, cũng chính là tác phẩm cuối cùng mà Daniel Craig thủ vai điệp viên 007, Cary Joji Fukunaga dành tặng lời có cánh cho các nhân vật nữ trong phim của ông. Điển hình là sự khen ngợi Ana de Armas đã cố gắng như thế nào mới có thể diễn vai Bond girl Paloma vượt cả kỳ vọng.
“Điều đó chẳng khác nào Cary đang tự tát vào mặt mình, một cú tát lặp đi lặp lại”, Greer nói.
Raeden Greer (trái) và đạo diễn Cary Joji Fukunaga. Ảnh: NME. |
Nữ diễn viên cho rằng vì là “gà mới”, là phụ nữ, tiếng nói của cô không được xem trọng trước Cary Joji Fukunaga - tay đạo diễn đã dày dặn kinh nghiệm và quá nổi tiếng với những tác phẩm ăn khách. Song, Greer cho rằng Fukunaga tài giỏi đến đâu thì trong ông vẫn thiếu phần “người”.
Không rõ rằng Greer chân thành hay ngụ ý, nhưng khi trả lời The Daily Beast, nữ diễn viên đã nói: “Tôi chỉ hy vọng việc Cary hứa tạo ra ‘thế hệ nhân vật nữ đa tài và năng động trên màn ảnh’ là bởi ông ta đã thấm thía bài học phải biết trân quý phụ nữ trong 7 năm qua”.
Hiện tại, phía đạo diễn No Time to Die vẫn chưa lên tiếng về những tố cáo của Greer.
Kể từ thời điểm bước chân vào giới nghệ thuật, Greer quan sát thấy hầu hết phụ nữ đều đối mặt với yêu cầu khiếm nhã giống cô. Đơn cử như Angelina Jolie, Jennifer Lawrence hay Gwyneth Paltrow.
Phải nhiều năm sau vụ việc với Cary Joji Fukunaga, Greer mới cảm thấy được an ủi khi Hollywood dần phơi bày góc tối sau khi Harvey Weinstein bị phanh phui là kẻ săn mồi tình dục, tiếp đó tới R. Kelly của giới nhạc và Ed Razek của ngành thời trang.
Khi tin tức phủ kín trang nhất báo New York Times và The New Yorker, làn sóng #MeToo đã phát triển toàn cầu. Greer tin rằng điều này đã giúp cân bằng quyền lực sau nhiều thập kỷ phụ nữ phải nhịn nhục, chịu đựng biết bao thiệt thòi.
Song, theo The Daily Beast, #MeToo dù có lan rộng cũng không thể khiến những vấn đề sâu xa của vấn nạn lạm dụng tình dục bốc hơi chỉ sau một đêm.
Quy định đóng cảnh khỏa thân
Jon Rubinstein - Giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập của Authentic Talent & Literary Management (công ty quản lý Brie Larson) - phát biểu trên The Hollywood Reporter: “Đế chế của Harvey Weinstein đã sụp đổ, nhưng đâu đó ở Hollywood vẫn còn nhiều trường hợp diễn viên nữ phải đáp ứng những yêu cầu nhạy cảm của đạo diễn hoặc các nhà sản xuất”.
“Nhiều khi nhà sản xuất hoặc đạo diễn sẽ tiến đến gần diễn viên nữ và yêu cầu một vài thứ không nằm trong điều khoản đã đàm phán. Kiểu như là ‘Xem này, cả đoàn đều muốn về nhà. Giờ là nửa đêm rồi, tất cả đã kiệt sức. Chúng ta chỉ cần cảnh cuối nữa thôi. Cô có thể thả khăn tắm xuống được không?’, hoặc ‘Chiếc áo đó không ổn chút nào, tại sao cô không cởi nó ra nhỉ?’”, Rubinstein nêu ví dụ về “câu thoại” quen thuộc mà các ông lớn thường nói với sao nữ trên phim trường.
Trong podcast năm 2018, Evangeline Lilly cởi mở về câu chuyện bị nhà sản xuất The Lost Boy ép đóng cảnh cởi đồ không có trong kịch bản. Cô hồi tưởng: “Tôi đã xấu hổ và khóc rất nhiều. Tôi không còn chọn lựa nào khác cả. Sự việc xảy ra ở mùa thứ 3 của phim và lặp lại ở mùa thứ 4”.
Trước khi được săn đón, Jennifer Lawrence cũng phải chấp nhận những yêu cầu khiếm nhã trên phim trường. Ảnh: Cevescene. |
Tiếp nối phong trào #MeToo, Jennifer Lawrence cũng chia sẻ rằng một nhà sản xuất đã yêu cầu cô chụp ảnh khỏa thân với 5 phụ nữ khác. Họ đứng cạnh nhau và chỉ dùng băng dính che vùng kín. Lawrence trở nên nổi bật vì cô là người gầy nhất. Những bức ảnh sau đó được nhà làm phim “xem để lấy động lực ăn kiêng”.
“Tôi không đủ quyền lực sa thải nhà làm phim, đạo diễn, hay người đứng đầu studio. Tôi cắn răng chịu đựng việc bị đối xử như vậy vì tôi đặt sự nghiệp lên hàng đầu”, minh tinh từng giành giải Oscar chia sẻ.
Tác động của #MeToo đã siết chặt hơn quy định đóng cảnh đóng ở Hollywood. Trong bài phỏng vấn trên Hollywood Reporter nhiều năm trước, Jamie Feldman - luật sư đại diện cho Juno Temple và Gillian Jacobs - đưa thêm 40 điều khoản vào phụ lục hợp đồng đàm phán đóng cảnh khỏa thân.
Feldman đưa ra yêu cầu cơ bản như xây dựng studio kín, không được chụp ảnh, xóa hẳn những cảnh nóng chưa đạt chuẩn có nguy cơ rò rỉ, buộc các nhân viên tham gia sản xuất phải tiêu hủy và xác nhận trên giấy tờ.
Hòa vào dòng chảy sự kiện, Liên đoàn Nghệ sĩ Truyền hình và Phát thanh Mỹ (The Screen Actors Guild) cũng đã đưa ra bộ quy tắc mới, trong đó nêu rõ “đạo diễn phải thông báo cho diễn viên trước 48 tiếng về cảnh quay nhạy cảm”. Việc này sẽ đảm bảo diễn viên không phát hoảng khi phải đột ngột cởi đồ trước mặt cả đoàn phim.