Trong một buổi họp báo tuần rồi, bà Lee Yong Soo, 92 tuổi, một phụ nữ Hàn Quốc từng bị ép phục vụ tình dục binh lính Nhật trong Thế chiến II cáo buộc nhà lập pháp Yoon Mi Hyang đã bóc lột bà và nhiều nạn nhân khác.
Theo người này, bà Yoon coi họ như như "những con gấu làm trò tiêu khiển" để gây mủi lòng các nhà tài trợ và giả vờ rơi nước mắt trong đám tang của một người phụ nữ bị ép "mua vui" - nô lệ tình dục thời Thế chiến II.
Thổi bùng cuộc đối thoại trên toàn quốc về vấn đề nhạy cảm
Những lời chỉ trích kịch liệt của bà Lee đã làm bùng lên một cuộc đối thoại trên toàn quốc về một chủ đề nhạy cảm vốn là cái gai trong nhiều thập kỷ trong quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, phe chiếm giữ bán đảo Triều Tiên giai đoạn 1910-1945.
Các công tố viên Hàn Quốc đang xem xét cáo buộc cho rằng Yoon Mi-hyang chiếm đoạt tiền quyên góp. Hội đồng Công lý và Tưởng nhớ các vấn đề nô lệ tình dục trong quân đội Nhật Bản, tổ chức bà Yoon lãnh đạo cũng bị tố đã thu lợi nhuận từ một khu nhà dành riêng cho những phụ nữ từng bị ép mua vui trong chiến tranh.
Lee Yong-soo, một phụ nữ Hàn Quốc làm việc tại một nhà thổ quân sự trong Thế chiến II, chạm vào bức tượng đại diện cho những nạn nhân bị ép làm "phụ nữ mua vui" tại Seoul. Ảnh: AP. |
Sau nhiều thập kỷ làm một nhà hoạt động, bà Yoon bước chân vào giới chính trị lần đầu tiên sau chiến thắng của Đảng Dân chủ. Trước đó, bà Yoon và tổ chức của mình từng kịch liệt phản đối một thỏa thuận năm 2015 giữa Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm giải quyết vấn đề “phụ nữ mua vui”.
Phe đối lập bảo thủ, sau thất bại ê chề tổng tuyển cử vào tháng 4, đã nhân vụ việc này chỉ trích chính quyền của Tổng thống Moon Jae In là “đạo đức giả” khi không thực hiện được những cam kết chống tham nhũng và lạm quyền.
Có thể tạo bước ngoặt quan trọng
Vụ việc có khả năng gây ra thay đổi bước ngoặt trong cách Seoul nói về thời kỳ bị chiếm đóng 1910 - 1945, giai đoạn được nhắc tới nhiều nhất trong các sách giáo khoa và tài liệu lịch sử chính thức tại nước này.
"Tiết lộ của bà Lee sẽ là một bước ngoặt quan trọng. Mọi người ít nhất bắt đầu ý thức được sự phức tạp liên quan đến các nhà hoạt động vì quyền lợi của ‘phụ nữ mua vui’. Nó cho thấy rõ ràng có những tổ chức có động cơ cá nhân để ngăn vấn đề này được giải quyết dứt điểm", Fantong Lee, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành khoa học chính trị tại Đại học California, Mỹ cho biết.
Joseph Yi, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Hanyang ở Seoul, cho rằng sự chỉ trích công khai của phe đối lập đối với một tổ chức đại diện cho các nạn nhân của lịch sử là một bước tiến trong cuộc cách mạng tạo nên diễn đàn tranh luận công khai cho chính trị Hàn Quốc.
Trước Yoon, cựu Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc Cho Guk từng từ chức năm ngoái sau khi bị buộc tội sử dụng ảnh hưởng của mình để “chạy trường” cho con gái cũng như có các khoản đầu tư đáng ngờ.
Cựu Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc Cho Guk bị buộc tội sử dụng ảnh hưởng của mình để “chạy trường” cho con gái vào năm 2019. Ảnh: Yonhap. |
Trước vụ việc trên, nhiều người dân Hàn Quốc bày tỏ thái độ giận dữ. Trong một cuộc thăm dò do công bố hôm 27/5, 70% số người được hỏi cho biết bà Yoon nên từ chức.
Hankyoreh, một tờ báo cánh tả có truyền thống ủng hộ các hoạt động của bà Yoon cũng lên tiếng chỉ trích. Trong một bài xã luận, tờ báo này cho biết những cáo buộc trên “đã gây tác hại lớn đến chiến dịch đấu tranh vì quyền lợi của các nạn nhân suốt 30 năm qua và làm lung lay niềm tin của công chúng đối với phong trào này".
Tuy nhiên, với đa số trong quốc hội, chính quyền ông Moon Jae In được nhận định sẽ đứng vững trước bê bối này, đặc biệt khi bà Yoon không phải nhà lập pháp thân cận với tổng thống và không do tổng thống chọn, khác với trường hợp của cựu Bộ trưởng Tư pháp Cho Kuk.
Cả hai đảng cầm quyền và bà Yoon sẽ đối mặt với nhiều áp lực trong phiên họp thường kỳ của Quốc hội Hàn Quốc sắp tới.