Mọi chuyện bắt đầu bằng một dòng thông báo: “Một người dùng muốn kết nối với bạn trên LinkedIn”. Cô gái lạ mặt này còn gửi tin nhắn vì thấy hồ sơ của người đàn ông ấn tượng. Thấy cô có vẻ lịch sự, người đàn ông 75 tuổi sống ở Mỹ nhanh chóng trả lời.
Đây chính là khởi đầu của một cơn ác mộng kéo dài hàng tháng trời, bòn rút khoản lương hưu cuối đời và đẩy ông đến bờ vực tự tử. Ông chỉ là một trong hàng triệu nạn nhân của chiêu lừa đảo “mổ lợn".
Trong đó, những kẻ lừa đảo tiếp cận người lạ trên các nền tảng online, xây dựng lòng tin và thuyết phục họ bỏ tiền vào các khoản đầu tư không có thật. Sau khi lấy được tiền, kẻ lừa đảo ngay lập tức cắt đứt liên lạc, xóa sạch mọi dấu vết.
Người đàn ông trong câu chuyện trên đã mất hơn 715.000 USD, là tất cả những gì ông có.
Bước đầu quyến rũ nạn nhân
Đầu tiên, những kẻ lừa đảo thường đóng giả là phụ nữ trẻ đẹp, nhiều tiền nhưng thiếu thốn tình thương. Trên thực tế, họ là đàn ông, liên hệ với con mồi từ trụ sở tổ chức tội phạm Trung Quốc, “đóng đô” ở các khu vực Đông Nam Á và Tây Phi.
Những “hang ổ lừa đảo” này khét tiếng với hành vi buôn người. Bản thân những kẻ lừa đảo cũng bị bán sang nước ngoài. Họ được cung cấp kịch bản và smartphone có sẵn tài khoản giả, sau đó buộc phải thực hiện hành vi lừa đảo do bị đe dọa bằng bạo lực.
Trò lừa đảo "mổ lợn" nhằm tới những người đàn ông tầm thường, cô đơn. Ảnh: Demysti5. |
Nạn nhân không hề hay biết điều này khi nhận được tin nhắn đầu tiên trên LinkedIn vào ngày 31/5 năm ngoái. Ảnh đại diện là một phụ nữ trẻ, tạo dáng đoan trang bên bó hoa. Sau một vài câu bông đùa vui vẻ, cô đề nghị chuyển sang WhatsApp để trò chuyện riêng tư hơn.
Cô đã thu hút ông bằng cách vẽ ra cuộc sống một người đàn ông hằng mơ ước. Cô nói mình sống ở San Francisco, làm việc cho một người chú giàu có. Cô gửi cho ông những bức ảnh thử quần áo hàng hiệu, ăn tối ở nhà hàng sang trọng và tạo dáng bên chiếc xe hơi đắt tiền.
Ông tiết lộ tuổi của mình, nói rằng có quỹ hưu trí không nhiều lắm và hiện vẫn làm việc toàn thời gian. Người này cũng kể từng sống với người bạn đời 40 năm, nhưng giờ đã ly thân.
Theo Wall Street Journal, đối tượng được kẻ lừa đảo nhắm đến thường là những người cô đơn, sống cuộc sống bình thường, phải ăn đồ ăn đông lạnh và làm nghề lương thấp. Có thế, kẻ lừa đảo mới thu hút được họ bằng viễn cảnh về một cuộc sống thú vị, ngoài tầm với.
Ban đầu, họ có vài cuộc gọi thoại ngắn và một cuộc gọi video. Mỗi cuộc gọi chỉ kéo dài vài giây vì cô ấy nói mình đang vội. Nhưng bấy nhiêu chi tiết cũng đã đủ để thuyết phục nạn nhân rằng cô ấy có thật.
Đối với nạn nhân, Violaine là người phụ nữ lý tưởng - giàu có nhưng cũng giản dị, đức hạnh nhưng vẫn gợi cảm. “Cô ấy đã quyến rũ tôi thành công”, ông nói.
“Red flag” đầy rẫy nhưng nạn nhân lờ đi
Sau 2 ngày làm quen, Violaine bắt đầu bước lừa đảo tiếp theo - moi tiền.
Cô bắt đầu bằng cách giải thích lý do mình giàu có. Người chú của cô sở hữu cổ phần trong nền tảng giao dịch FX6 và có một nhóm các nhà phân tích chuyên nghiệp dự đoán khi nào giá sắp tăng vọt. Lời giải thích của cô khiến nạn nhân tin tưởng và làm theo sự chỉ dẫn.
Cô nói mình dùng ứng dụng Fuex để giao dịch trên thị trường FX6.
Erin West, một công tố viên California chuyên về lừa đảo qua mạng, cho biết có rất nhiều trang web như vậy, nhiều đến mức các cơ quan quản lý không thể theo kịp. Các trang web giao dịch trực tuyến lừa đảo này được mô phỏng theo trang web thật nhưng được phát triển và kiểm soát bởi những kẻ lừa đảo.
Nạn nhân không am hiểu về công nghệ nên càng có lợi cho Violaine. Cô hướng dẫn ông các bước thiết lập tài khoản trên Fuex và giải thích cách thêm tiền vào ví online. Ông đã chật vật ở từng bước một. Nhưng với sự kiên trì của Violaine, ông đã gửi khoản tiền đầu tiên trị giá 1.500 USD vào ngày 2/6 vào tài khoản ngân hàng của một người lạ ở Hong Kong.
Đoạn hội thoại nghe như AI của Violaine. Ảnh: Wall Street Journal. |
Trong suốt quá trình, có rất nhiều dấu hiệu đáng ngờ xuất hiện.
Violaine đề xuất một “kế hoạch tình yêu”. Cô và nạn nhân sẽ góp tiền vào quỹ chung trên Fuex để kiếm đủ tiền giúp nạn nhân ly hôn. Họ sẽ mua một chiếc ôtô và đi đến California. Trong khi đó, ngân hàng khuyên ông không nên chuyển khoản, nói rằng họ đã nhìn thấy dấu hiệu lừa đảo. Nhưng ông vẫn tin tưởng Violaine.
Đôi khi, tin nhắn của cô ấy nghe rất giống AI viết như dấu câu loạn xạ, nội dung được sao chép, dán một cách bất cẩn hay chỉ toàn thông tin khó hiểu. Nhưng nạn nhân vẫn cố gạt đi sự bất thường vì nghĩ tiếng Anh chỉ là ngôn ngữ thứ 2 của cô.
Đã đến lúc thu lưới
Những kẻ lừa đảo luôn cố gắng tìm ra chính xác nạn nhân có bao nhiêu tiền, khả năng thanh khoản, các khoản đầu tư, thậm chí họ có thể vay bao nhiêu từ bạn bè và gia đình.
Một tuần sau khi nói chuyện, Violaine hỏi ông có bao nhiêu tiền mặt. 2 ngày sau, cô hỏi ông có bao nhiêu cổ phiếu và trái phiếu. Ông trả lời khoảng 460.000 USD và bán 130.000 USD cổ phiếu ngày 10/6.
Cuối tháng 6, Violaine nói sẽ đến gặp ông, nhưng vào phút cuối lại bảo phải ở Argentina để hoàn thành công việc cho chú mình. Violaine nói rằng cô khao khát được ở bên ông. Càng tâm sự, nạn nhân càng mạnh tay chi tiền.
Trong suốt tháng 6 và giữa tháng 7, ông đã gửi 3 khoản tiền lớn với tổng số tiền hơn 300.000 USD vào một tài khoản ở Hà Nội. Mỗi lần gửi tiền vào, ứng dụng hiển thị một khoản tiền gửi tương đương mà ông tin là do Violaine gửi vào quỹ chung của 2 người. Đến giữa tháng 7, tổng số tiền quỹ chung của họ đã tăng lên gần 1,5 triệu USD.
Đến lúc này, Violaine đã sẵn sàng để "thu lưới".
Ngày 13/7, cô nói muốn mua một căn nhà ở Los Angeles sau khi họ kết hôn. Cô nhờ ông rút một nửa số tiền từ tài khoản chung để trả tiền cọc, hứa sẽ trả lại số tiền này khi trở về Mỹ.
Đỉnh điểm chính là đây. Theo Wall Street Journal, chiêu thức của kẻ lừa đảo là yêu cầu nạn nhân rút tiền nhưng họ sẽ bị chặn lại. Đóng vai trò là nhân viên hỗ trợ, những kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu nạn nhân trả phí để khôi phục hoặc “mở khóa” tài khoản.
Vì chính kẻ lừa đảo (trong vai người tình) đã nhờ rút tiền, nên nạn nhân không nghi ngờ. Tại thời điểm này, nạn nhân hoặc phải từ bỏ tài khoản của họ và mất tất cả tiền, hoặc thậm chí còn bị lừa nhiều hơn, đôi khi là vay tiền để trả.
Mãi sau này, nạn nhân mới biết mình bị lừa. Ảnh: IdentityIQ. |
Đúng như kịch bản, ngày hôm sau, nạn nhân gửi cho Violaine ảnh chụp màn hình nói chuyện với nhân viên hỗ trợ Fuex. Nhân viên nói yêu cầu rút tiền đã bị từ chối vì không xác minh danh tính. Họ bắt ông đăng nhập vào FX6, điền vào mẫu xác thực và tải giấy tờ tùy thân kèm ảnh. Yêu cầu rút tiền sẽ được xem xét trong vòng 24 giờ.
Khi đó, ông bắt đầu hoảng sợ. 24 giờ đã trôi qua. Nhưng thay vì yêu cầu rút tiền được chấp thuận, ông được thông báo rằng tài khoản bị đóng băng vì bảo mật và phải trả gần 640.000 USD để mở khóa.
Ông và người tình đã cãi nhau. Đến ngày 22/7, Violaine nói đã vay 485.000 USD để giúp ông trả phí một phần phí mở khóa. Ông phải trả phần còn lại - 155.000 USD - bằng cách bán bớt các khoản đầu tư còn lại và vay ngân hàng 45.000 USD.
Không dừng lại, ông tiếp tục nhận thông báo có lỗi trong quá trình xử lý hồ sơ nên phải trả thêm 212.000 USD. Ông đã trả bằng cách vay vốn chủ sở hữu nhà. Tiếp sau đó là khoản phí trễ hạn hay “phí rủi ro quỹ”.
Đến thời điểm này, trong vòng chưa đầy 2 tháng, ông đã “đốt” 716.212 USD vào tài khoản Fuex. Cuối cùng, nạn nhân không còn tiền để trả các khoản phí Fuex yêu cầu và cũng không tin Fuex sẽ giải ngân tiền nếu trả thêm phí.
Giữa tháng 9, Violaine ngừng trả lời tin nhắn. Đến lúc này, nạn nhân mới biết về chiêu lừa đảo “mổ lợn” và mình đã bị lừa.
Đến tận bây giờ, thỉnh thoảng Violaine vẫn gửi tin nhắn đòi thêm tiền. Ông đã ngừng trả lời. Mỗi ngày, ông đều cố gắng truy cập lại vào tài khoản Fuex của mình. Nhưng nó vẫn bị đóng băng như cũ, không có gì thay đổi.
'Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ
Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.