Chừng nào tiền còn chảy vào, nạn “mổ lợn” sẽ tiếp tục lan rộng khắp thế giới. Ảnh: Stephanie Arnett/MITTR. |
Hơn 200.000 người tại Đông Nam Á đã bị ép tham gia vào các hoạt động lừa đảo trực tuyến dưới sự giám sát của các tổ chức tội phạm. Họ là một phần của những doanh nghiệp đánh cắp thành công hàng tỷ USD.
Được gọi là “mổ lợn” (pig butchering), hình thức lừa đảo này chủ yếu bắt nguồn từ các nhóm tội phạm tổ chức Trung Quốc lợi dụng tình hình bất ổn và quản lý yếu kém ở Myanmar, Campuchia và Lào.
Lợi nhuận khổng lồ giúp trò lừa đảo bành trướng toàn cầu
Theo Wired, các hoạt động “mổ lợn" xuất phát từ Đông Nam Á đang nở rộ tại nhiều quốc gia và khu vực. Trong những tháng gần đây, nhiều hoạt động tương tự đã được phát hiện trên nhiều châu lục, từ Trung Đông, Đông Âu, Mỹ Latinh cho đến Tây Phi.
Một phần không nhỏ trong các tổ chức lừa đảo này liên kết với nhóm tội phạm nói tiếng Trung, hoặc phát triển song song với các dự án của Sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) của Trung Quốc. Đây là một chương trình phát triển cơ sở hạ tầng quốc tế lớn của nước này.
Chiêu lừa đảo "mổ lợn" chỉ mới nổi lên trong 5 năm qua và cần xây dựng mối quan hệ thân thiết với nạn nhân. Ảnh: Katherine Anne Rose/The Observer. |
Năm 2023, FBI ghi nhận thiệt hại lên đến 4 tỷ USD chỉ riêng từ các vụ lừa đảo “mổ lợn”. Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, tổng thiệt hại toàn cầu từ trước đến nay có thể lên đến hơn 75 tỷ USD.
Hoạt động "mổ lợn" chỉ mới nổi lên trong khoảng 5 năm trở lại. Đây là một kiểu lừa đảo bằng cách tạo dựng mối quan hệ thân thiết với nạn nhân. Những kẻ lừa đảo thường bắt đầu bằng việc gửi tin nhắn đến các mục tiêu tiềm năng không hề quen biết và dần dần bắt chuyện.
Sau khi tạo dựng lòng tin thành công kẻ lừa đảo sẽ giới thiệu cho nạn nhân về cơ hội đầu tư hấp dẫn, thường là liên quan đến tiền mã hóa. Nạn nhân sẽ bị thuyết phục gửi tiền thông qua một nền tảng giả mạo giống hệt một dịch vụ quản lý tài sản hợp pháp. Từ đó, kẻ lừa đảo sẽ tìm cách rửa tiền.
Theo Wired, hoạt động này đòi hỏi một lực lượng lao động lớn. Nhiều người bị cưỡng bức làm việc trong các trung tâm lừa đảo. Các chuyên gia ước tính rằng người từ hơn 60 quốc gia đã bị bắt cóc và buôn đến các trại lừa đảo ở Đông Nam Á.
Gần đây, những trung tâm lừa đảo này cũng đã bị phát hiện ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới, với quy mô và cấu trúc khác nhau nhưng cùng chung mục tiêu.
Theo điều tra của tổ chức Humanity Research Consultancy, hoạt động lừa đảo đã lan rộng đến Dubai, thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Nơi này trở thành trung tâm lớn nhất của “mổ lợn” ngoài khu vực Đông Nam Á kể từ năm 2021. Với hơn 88% dân số là người nhập cư, Dubai cung cấp lực lượng lao động đa dạng và dễ bị lợi dụng cho các tổ chức tội phạm.
Nạn nhân của nạn buôn người bị dụ vào các khu phức hợp ở Đông Nam Á. Tại đây, họ bị buộc phải lừa đảo mọi người trên khắp thế giới. Ảnh: NewsNation. |
Mina Chiang, nhà sáng lập và giám đốc của Humanity Research Consultancy, nhận định: "Dubai không chỉ là đích đến mà còn là điểm trung chuyển”.
“Trại mổ lợn” đội lốt trung tâm nhập liệu
Vào tháng 7, Humanity Research Consultancy đã phát hiện ít nhất 6 trại lừa đảo ở Dubai dưới sự quản lý của các tội phạm nói tiếng Trung. Những trại này được thiết lập xung quanh các khu công nghiệp, hoạt động giống như những trại ở Đông Nam Á. Một số nạn nhân cho biết họ bị buộc làm việc tại những "trung tâm nhập liệu" khổng lồ, nhưng thực chất là các trung tâm gọi điện lừa đảo.
Một người dùng đã để lại bình luận 1 sao trên Google Maps cho một trong những địa điểm tại Dubai. Người này viết: "Chủ yếu là những người nghèo từ châu Phi làm việc ở đây. Họ bị nhốt tại Dubai. Bất kể họ đưa ra lời mời gọi hấp dẫn như thế nào, mọi thứ đều là lừa đảo”.
Ảnh chụp hàng dãy máy tính trong một trung tâm lừa đảo ở Campuchia. Ảnh: Humanity Research Consultancy. |
Hoạt động "mổ lợn" cũng đã lan sang nhiều quốc gia châu Phi, cũng là nơi các nhóm tội phạm lừa đảo đã có nền tảng phát triển từ trước.
Ở Nigeria, lừa đảo online đã trở thành một ngành công nghiệp bất hợp pháp phổ biến. Do đó, họ nhanh chóng áp dụng các chiến thuật của "mổ lợn".
Sean Gallagher, nhà nghiên cứu hàng đầu của công ty an ninh mạng Sophos, nhận xét: "Nigeria có lịch sử về các chiêu trò lừa đảo và công nghệ dễ dàng chuyển giao. Chúng tôi đã thấy những 'gói' lừa đảo tiền mã hóa được bày bán rộng rãi, có cả các trang web giả mạo”.
Tháng 6/2024, 88 người ở Namibia đã được giải cứu khỏi một trung tâm lừa đảo có liên kết với tội phạm người Trung Quốc. Tại Zambia, 22 người Trung Quốc đã bị kết án tù vì liên quan đến các trung tâm lừa đảo địa phương.
Nhiều người còn tự nguyện làm việc tại các trung tâm lừa đảo sau khi được giải cứu khỏi lao động cưỡng bức.
Jason Tower, giám đốc tổ chức Viện Hòa bình Mỹ, nhận xét: “Các nhóm tội phạm Trung Quốc đứng sau những hình thức lừa đảo phức tạp này đang tìm cách xây dựng các mạng lưới và trung tâm trên toàn cầu đơn giản vì hoạt động này rất sinh lợi”.
Chừng nào tiền còn chảy vào, nạn “mổ lợn” sẽ tiếp tục lan rộng khắp thế giới, ông kết luận.
Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ
Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.