Năm 2012, ngân sách TP.HCM cấp vốn duy tu hạ tầng giao thông cho các lĩnh vực công ích là 2.394 tỷ đồng. Trong đó cấp cho Sở Giao thông vận tải 1.893 tỷ đồng, gồm duy tu cầu 185 tỷ đồng, đường 533 tỷ đồng, chiếu sáng 626 tỷ đồng, cây xanh 487 tỷ đồng, đường thủy 30 tỷ đồng... Cũng trong năm này, ngân sách cấp vốn duy tu cho ngành thoát nước 501,6 tỷ đồng (bắt đầu từ năm 2009, vốn duy tu thoát nước được bàn giao từ Sở Giao thông vận tải về Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố quản lý).
Ngân sách tăng quá nhanh
So với 10 năm trước, ngân sách cấp cho các lĩnh vực công ích này đã tăng gấp 10 lần (năm 2003 là 234 tỷ đồng). Điểm lại một số thời điểm dễ thấy ngân sách cho khối này qua mỗi năm đều tăng mạnh. Năm 2007 toàn bộ khối duy tu cầu, đường, thoát nước, chiếu sáng, công viên cây xanh được cấp 691,8 tỷ đồng, nhưng năm 2008 lại đột ngột tăng thêm gần 45%, lên 991 tỷ đồng, năm 2010 giảm chút ít còn 953 tỷ đồng. Nhưng năm 2011 tăng lên rất mạnh, với 1.516 tỷ đồng, tăng 59% so với năm 2010. Sang năm 2012 lên 2.394 tỷ, tăng 58% so với năm 2011. Hai năm 2011, 2012 chính là thời điểm bốn doanh nghiệp công ích bị UBND TP yêu cầu truy thu lương.
Tình trạng ngập nước vẫn diễn ra nhiều nơi tại TP.HCM, trong khi lãnh đạo Công ty Thoát nước đô thị nhận lương khủng khiến dư luận bức xúc. |
Thừa nhận trong cơ cấu lương, hoạt động công ích chiếm tới 70%, ông Trần Thiện Hà, giám đốc công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh, cho biết tổng kinh phí rót xuống cho hoạt động công ích từ ngân sách thành phố trong năm 2012 là 300 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty cũng thu lợi nhuận từ các hoạt động ngoài công ích 70 tỷ đồng (như cho thuê sân khấu Trống Đồng, thi công công trình và được trích 35% hoạt động này đưa vào quỹ lương công ty).
Trong khi đó, dù kinh tế khó khăn, nhưng công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị lại có lợi nhuận tăng đột ngột. Ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc công ty TNHH một thành viên Thoát nước đô thị, cho biết lợi nhuận của công ty năm 2011 là 18 tỷ đồng, sang năm 2012 là 64 tỷ đồng, tăng hơn 3,5 lần.
Lý giải việc ngân sách tăng mạnh, các khu quản lý giao thông đô thị cho rằng, do Nhà nước điều chỉnh lương nhân công, giá nhiên liệu, chi phí vận hành thiết bị tăng...
Hưởng lợi từ định mức, định ngạch lạc hậu
Một cán bộ khu Quản lý giao thông đô thị số 2, cho rằng tiền lương cao ngất ngưởng của ban giám đốc các doanh nghiệp công ích một phần là do các doanh nghiệp này tự sản xuất và kinh doanh thêm, như công ty Quản lý công trình giao thông Sài Gòn sản xuất bêtông nhựa nóng, công ty Chiếu sáng công cộng sản xuất tụ điều khiển đèn tín hiệu giao thông, đèn chiếu sáng... Đồng thời các doanh nghiệp này còn tham gia đấu thầu các công trình bên ngoài.
Tuy nhiên, lãnh đạo một doanh nghiệp giao thông công chính không đồng tình ý kiến trên, và cho rằng trong những năm gần đây, vốn ngân sách đầu tư các công trình hạ tầng sụt giảm mạnh. Do đó hầu hết doanh nghiệp tham gia đấu thầu hạ giá đến mức không có lợi nhuận, chỉ nhận thầu để có công trình nuôi bộ máy làm việc. Vì vậy các doanh nghiệp công ích hưởng lương cao chủ yếu nhờ “bầu sữa” ngân sách bao cấp trên cơ sở định mức, định ngạch lạc hậu.
Ông Lê Quyết Thắng, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 - TP.HCM, cho hay vốn định mức và định ngạch trong duy tu hạ tầng giao thông được Bộ Xây dựng ban hành cách đây 15-20 năm đã lạc hậu. Chẳng hạn, định ngạch quy định thời hạn sử dụng làn sơn đường quá ngắn, trong khi hiện nay chất liệu sơn đường đã tốt hơn nên đơn vị công ích được hưởng lợi do không tốn thêm nhân công và chi phí sơn lại làn đường.
Tương tự, định ngạch quy định thời gian sử dụng một bóng đèn tín hiệu giao thông quá ngắn, trong khi công nghệ mới đã tăng tuổi thọ bóng đèn. Hay định mức số lượng nhân công, ca máy, nhiên liệu vật liệu để duy tu 1m2 đường, sửa chữa một bóng đèn, mé nhánh một cây xanh phần lớn định mức với nhiều nhân công nên chi phí rất cao.
Trong vòng năm năm trở lại đây, hầu hết doanh nghiệp công ích đã đầu tư thiết bị xe máy và đưa vào sử dụng nhiều công nghệ mới giúp giảm nhiều lao động, kéo dài tuổi thọ trong duy tu sửa chữa công trình. Chẳng hạn công ty Quản lý công trình giao thông Sài Gòn sử dụng xe quét dọn đất lề ở dải phân cách giúp giảm hàng chục công lao động, hoặc dùng bêtông nhựa nóng giặm vá ổ gà nên thời gian sử dụng đường dài hơn so với sửa chữa bằng bêtông nhựa nguội. Vì vậy các doanh nghiệp công ích thay vì tăng lên hàng ngàn lao động thì lại giảm hàng trăm lao động và thừa hưởng “lợi nhuận” vốn duy tu từ định mức, định ngạch lạc hậu.
Trước những bất cập trên, mới đây Sở Giao thông vận tải đã giao Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 - TP.HCM ký hợp đồng với Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải rà soát các định mức, định ngạch. Qua đó, sở sẽ trình phê duyệt định mức, định ngạch duy tu hạ tầng giao thông riêng cho TP.HCM ở mức hợp lý.
Phải sớm đấu thầu
Theo ông Vũ Kiến Thiết - Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2, lãnh đạo thành phố cũng thấy được những bất cập về định mức, định ngạch duy tu hạ tầng giao thông. Vì vậy, năm 2004, UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở Giao thông công chính (nay là Sở Giao thông vận tải) thực hiện khoán duy tu thí điểm, nhằm phát huy năng lực các doanh nghiệp công ích. Đến nay Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 đã thực hiện khoán khoảng 20% khối lượng duy tu hạ tầng giao thông. Hiệu quả của khoán là giảm được 10% vốn ngân sách dành cho duy tu cây xanh, chiếu sáng và thoát nước, giảm 30% vốn ngân sách dành cho duy tu cầu, đường. Tương tự, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 đã giao khoán 20% khối lượng duy tu đường, có hiệu quả là mức khoán thấp hơn 20% so với đơn giá định mức và khi xảy ra sự cố, đơn vị nhận khoán nhanh chóng khắc phục.
Tuy nhiên, ông Lê Quyết Thắng cho rằng, khu chưa dám tổ chức đấu thầu duy tu đường, vì khi xảy ra sự cố xe đụng dải phân cách thì nhà thầu chậm khắc phục, do không xác định đơn giá khắc phục sự cố. Theo ông Thắng, để tổ chức đấu thầu duy tu hạ tầng giao thông, các cơ quan chức năng cần xây dựng định mức, định ngạch mới về duy tu, ban hành quy chế về xử lý sự cố và các tiêu chí nhà thầu quản lý công trình trong thời gian ba năm hoặc năm năm.