“Tiến hành ngay việc thu hồi toàn bộ số tiền chi lương, thưởng đối với 7 viên chức quản lý sai quy định trong 2 năm 2011 và 2012; sẽ hoàn tất việc này trong tháng 9/2013”. Đây là nội dung chính trong báo cáo của công ty Thoát nước đô thị (công ty Thoát nước Đô thị) gửi Thường trực UBND TP.HCM sáng 28/8 xung quanh việc khắc phục những sai phạm về tiền lương.
Vung tay quá trán
Cũng cần nhắc lại, một trong những sai phạm của các đơn vị công ích được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà kết luận và chỉ rõ là đã sử dụng quỹ lương của người lao động (NLĐ) để chi trả tiền lương, tiền thưởng cho các viên chức quản lý.Liên quan đến vụ việc trên, tại cuộc họp khẩn cấp chiều 27/8, Chủ tịch hội đồng thành viên (HĐTV) công ty Thoát nước đô thị đã yêu cầu ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc công ty, khắc phục ngay những sai phạm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động và tiền lương.
Công nhân công ty Thoát nước đô thị đang nạo vét cống. |
Trả lời phóng viên vì sao có sự chênh lệch quá lớn giữa mức lương lãnh đạo, viên chức quản lý và NLĐ, ông Lê Thanh Sơn thừa nhận đã “vung tay quá trán”. Ông Sơn cho biết năm 2011, nếu như doanh thu công ty chỉ 18 tỷ đồng thì đến năm 2012, con số này đã lên đến 64 tỷ đồng. Nguyên nhân doanh thu tăng là do ngoài hoạt động công ích, công ty còn mở rộng hoạt động sản xuất, chưa kể các khoản thu nhập.
“Lãnh đạo công ty chỉ suy nghĩ đơn giản nếu ăn nên làm ra thì sẽ được hưởng mức lương tương xứng, dẫn đến chi sai” - ông Sơn nói. Theo ông Sơn, việc thu hồi số tiền chi sai cho viên chức quản lý (hơn 3,2 tỷ đồng) sẽ được hoàn tất trong tháng 9/2013.
Về việc ký hợp đồng mùa vụ với thời hạn dưới 3 tháng đối với 163 lao động thường xuyên và hợp đồng có thời hạn với 355 trường hợp đủ điều kiện ký hợp đồng không xác định thời hạn, lãnh đạo công ty Thoát nước đô thị cũng nhìn nhận sai phạm, đồng thời cho biết sẽ tiến hành ngay các biện pháp khắc phục hậu quả để khôi phục quyền lợi và đền bù thiệt hại cho NLĐ.
Chi lương cao do... làm ăn có lãi
Chiều 28/8, ông Trần Thiện Hà, Giám đốc công ty Công viên cây xanh TP.HCM, thừa nhận đã thiếu sót khi thiếu kiểm tra, thiếu đôn đốc, nhắc nhở cấp dưới trong việc ký hợp đồng cho các lao động thời vụ. Vì vậy, công ty khắc phục bằng cách tiến hành ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) cho những NLĐ thời vụ khi có đủ tiêu chuẩn theo quy định, đồng thời trả lại phần lương chi vượt 1,292 tỷ đồng trước ngày 1/9 (riêng ông Hà trả lại gần 200 triệu đồng).
Theo ông Hà, từ năm 2010 về trước, lương của ban giám đốc công ty được phát theo hình thức tổng quỹ lương chia cho hệ số lương cộng với hệ số trách nhiệm. Khi trở thành công ty vào năm 2011, đơn vị này không xây dựng lại quỹ tiền lương và phương án trả lương cho ban giám đốc mà vẫn tính theo cách cũ nên mới bị chi vượt.
Về vấn đề này, ông Hà thừa nhận sai sót vì đã không cập nhật những quy định của nhà nước. Tuy nhiên, theo ông Hà, nếu trả tiền lương theo công thức của Bộ LĐ-TB-XH thì lương của ban giám đốc có thể thấp hơn các trưởng đơn vị, trưởng phòng, thậm chí cả công nhân tay nghề cao.
Ông Hà cho biết quỹ lương của công ty được hình thành từ lợi nhuận của kế hoạch sản xuất, kinh doanh được TP phê duyệt. Trong 2 năm 2011 - 2012, công ty làm ăn có lãi, riêng doanh thu ngoài dịch vụ công ích là 140 tỷ đồng. Nếu thu hồi tiền lương chi vượt của năm 2012, khoảng 1.500 NLĐ của công ty sẽ bị thu hồi 49,316 tỷ đồng. Vì vậy, ông Hà xin UBND TP.HCM không hồi tố để tránh ảnh hưởng đến tư tưởng và đời sống NLĐ nghèo.
Chi sai nhưng vẫn chống chế!
Trong khi công ty Thoát nước đô thị và công ty Công viên cây xanh đã nhìn nhận sai phạm và khẩn trương khắc phục thì công ty Chiếu sáng công cộng vẫn dùng dằng. Theo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà, công ty phải thu hồi 2,5 tỷ đồng chi cho viên chức quản lý sai quy định trong năm 2011.
Thế nhưng, trao đổi với báo chí, ông Trần Trọng Huệ, chủ tịch HĐTV công ty, cho rằng doanh nghiệp của ông khác với đơn vị hành chính nhận lương từ ngân sách, thu nhập của NLĐ phụ thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh. Ông Huệ khẳng định quỹ tiền lương của công ty “không dư đồng nào từ ngân sách” mà là kết quả từ các hợp đồng kinh tế làm được và đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với nhà nước.
“Quỹ lương của công ty đã được thống nhất và chi trả theo quy chế, không thể yêu cầu công ty trả lại tiền cho nhà nước mà phải trả lại cho NLĐ. Công ty đã thực hiện đúng quy chế lương thỏa thuận với NLĐ và họ thấy điều đó là hợp lý” - ông Huệ nói.
Đáng lưu ý là trong kết luận của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà, lương bình quân của NLĐ tại công ty này là 52,9 triệu đồng/người/tháng! Ngay trong sáng 28/8, khi đọc được thông tin này trên báo, nhiều công nhân của công ty đang làm việc trên các công trình đều trố mắt kinh ngạc. Họ khẳng định thu nhập thực tế chỉ bằng 10%-15% mức bình quân ấy. Họ chất vấn: “Khoảng chênh lệch đó được trả cho ai?”.
Về vấn đề này, luật sư Đặng Anh Đức, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, phân tích: “Điều 7 Nghị định 50/2013/NĐ-CP (quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với NLĐ làm việc trong công ty TNHH MTV do nhà nước làm chủ sở hữu) quy định không được sử dụng quỹ tiền lương của NLĐ để trả cho thành viên HĐTV hoặc chủ tịch công ty, kiểm soát viên, tổng giám đốc hoặc giám đốc, phó tổng giám đốc hoặc phó giám đốc, kế toán trưởng. Do vậy, lãnh đạo các công ty nói trên phải có nghĩa vụ khắc phục hành vi sử dụng quỹ lương của NLĐ để chi tiền lương, tiền thưởng cho viên chức quản lý sai quy định.
Sẽ truy thu BHXH
Theo ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP.HCM, đối với hàng trăm trường hợp ký hợp đồng thời hạn dưới 3 tháng thì ngay khi có kết luận chính thức và quyết định xử phạt của thanh tra lao động, các đơn vị phải khắc phục ngay sai phạm. Trước tiên là việc ký lại HĐLĐ đúng quy định đối với lực lượng lao động làm việc thường xuyên, liên tục; thời hạn hợp đồng có hiệu lực phải được ghi lùi lại tại thời điểm xảy ra sai phạm.
Trên cơ sở đó, BHXH TP sẽ truy thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của thời gian này. Song song đó, BHXH TP sẽ tăng cường kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện ngay để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.