Qua một số phương tiện truyền thông, bầu Đức phát biểu ông mong muốn lứa cầu thủ Công Phượng, Tuấn Anh sẽ đóng vai trò nòng cốt tại đội tuyển Olympic Việt Nam, sau đó bổ sung thêm một số cầu thủ có chuyên môn và đạo đức tốt của các CLB khác.
Thậm chí, ông chủ quyền lực của HAGL kiêm Phó chủ tịch VFF còn bày tỏ sự không hài lòng: “Tôi sẵn sàng để quân của mình lên đội tuyển quốc gia. Nhưng triệu tập lên đông mà ngồi dự bị thì cũng không giải quyết được vấn đề gì. Mục tiêu của tôi khi xây dựng Học viện HAGL Arsenal JMG là các cầu thủ này sẽ mang về tấm huy chương vàng SEA Games”.
Bầu Đức mong muốn các cầu thủ trẻ của HAGL sẽ được trao cơ hội tại đội tuyển Olympic để tiếp tục đà thăng tiến. Ảnh: Nguyễn Đăng |
Đây là quan điểm hoàn toàn khác biệt với tuyên bố của HLV Miura. Trước đó, nhà cầm quân người Nhật Bản cho biết ông không hề có ý định xây dựng đội tuyển Olympic Việt Nam theo mô hình của CLB HAGL cả về con người lẫn lối chơi.
Điều HLV Miura muốn hướng đến trước hết là một cuộc cạnh tranh vị trí công bằng giữa các cầu thủ. Sau đó là một sự pha trộn theo cách ông từng xây dựng đội tuyển Việt Nam thi đấu khá thành công tại AFF Cup 2014.
Cả bầu Đức lẫn HLV Miura đều có lý lẽ riêng để bảo vệ cho quan điểm của mình. Sau rất nhiều tâm huyết dành cho lứa Công Phượng, Tuấn Anh suốt 7-8 năm qua để cho ra đời một thế hệ cầu thủ khác biệt với thứ bóng đá đầy cuốn hút trong màu áo U19 Việt Nam, bầu Đức hẳn nhiên mong muốn “gà nòi” của ông tiếp tục có cơ hội được phát triển ở các cấp độ cao hơn.
Một khi ở độ tuổi 18-19, những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… đã đủ trình độ so tài ngang ngửa với các đối thủ ở tầm quốc tế và châu lục thì điều đó ít nhất cũng là một sự hứa hẹn về khả năng thành công của họ trong tương lai.
Nhưng theo chiều ngược lại, HLV Miura có quan điểm riêng về lối chơi, triết lý bóng đá… tương ứng là con người phù hợp. Mặt khác, mục tiêu của nhà cầm quân người Nhật Bản là thành tích cao nhất có thể ở bất cứ giải đấu nào tham dự, chứ không phải chỉ đơn thuần trình diễn một thứ bóng đá đẹp mắt và cuốn hút.
Nếu xét theo tiêu chí này, rõ ràng dàn cầu thủ trẻ của HAGL vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Chẳng hạn, sự thiếu chắc chắn trong phòng ngự, không có một trung phong đúng nghĩa, hay vấn đề đã được nhắc đến rất nhiều thời gian qua là sức mạnh tranh chấp và khả năng tập trung ở những thời điểm quyết định.
HLV Miura: "Bất cứ cầu thủ nào cũng phải cạnh tranh vị trí một cách công bằng". Ảnh: Tùng Lê |
Việc HLV Miura triệu tập tới 9 cầu thủ HAGL vào danh sách đội dự tuyển Olympic Việt Nam cho thấy ông vẫn coi đây là đội ngũ giàu tiềm năng. Nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng cả 9 cầu thủ triệu tập hoặc đa phần trong số đó đều sẽ đá chính. Quyết định trao băng đội trưởng cho hậu vệ Quế Ngọc Hải hay triệu tập nhiều cầu thủ từng khoác áo đội tuyển Olympic Việt Nam tại Asian Games 17 hay đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2014 là những ví dụ thể hiện sự tin tưởng của nhà cầm quân người Nhật Bản dành cho họ.
Đây không phải lần đầu tiên bầu Đức và HLV Miura có quan điểm trái ngược nhau về lứa cầu thủ Công Phượng, Tuấn Anh. Cách đây không lâu, nhà cầm quân người Nhật Bản từng nhận xét: "Các cầu thủ của HAGL chưa đủ khả năng đá V.League". Sau đó, bầu Đức đáp trả: "Tụi nhỏ có kinh nghiệm đâu mà thiếu. Đá như thế theo tôi là quá tốt rồi".
Với tư cách ông chủ của CLB HAGL, bầu Đức hoàn toàn có quyền bày tỏ mong muốn chính đáng về việc cần tạo cơ hội cho lứa cầu thủ ông rất mực yêu quý. Song với tư cách Phó chủ tịch VFF, liệu có thể coi quan điểm của bầu Đức giống như một mệnh lệnh đối với HLV Miura?
Nếu thế, trái bóng tuy chưa lăn nhưng nhà cầm quân người Nhật Bản đã phải đối diện thêm sức ép giữa việc dung hòa mục tiêu thành tích với việc duy trì và kế thừa thứ bóng đá cuốn hút mà lứa cầu thủ Công Phượng từng thể hiện trong màu áo U19 Việt Nam.