Mong U19 chơi bóng như cầu thủ nước ngoài
Hai năm 2012, 2013 tổng chi tiêu cho bóng đá của HAGL không năm nào vượt quá 50 tỷ đồng/năm. Như năm 2012, bầu Đức chi gần 40 tỷ cho bóng đá bao gồm đội 1 HAGL, 2 lứa của học viện HAGL-Arsenal JMG cũng như lớp năng khiếu. Trong đó, 70% chi phí là dành cho đội 1 HAGL tham dự V.League.
HAGL từ vài năm nay không còn vung tay quá trán, chi bộn tiền cho các cầu thủ. Mức lương tối đa của 1 cầu thủ nội dừng ở 25 triệu đồng/tháng, trong khi lương cầu thủ ngoại cao nhất cũng chỉ 9.000 USD/tháng. Lương, thưởng cũng như lót tay của HAGL ở mức vừa phải so với mặt bằng chung của V.League.
HAGL ở mùa bóng 2015 sẽ là đội bóng có tuổi đời trung bình trẻ nhất V.League. |
Ở V.League 2015, chi phí cho đội 1 HAGL sẽ giảm xuống do bầu Đức đã chia tay hơn 20 cầu thủ cả nội lẫn ngoại. Ông đôn lứa U19 của Công Phượng, Tuấn Anh, Đông Triều, Xuân Trường… lên trám chỗ. Những cầu thủ này dĩ nhiên chưa thể hưởng mức lương cao hay có tiền lót tay như những đàn anh Khuất Hữu Long, Bùi Văn Long hay Lê Hoàng Thiên.
Có thể ngôi sao như Công Phượng không còn hưởng mức lương 1,5 triệu đồng/tháng nhưng con số thực chắc chắn cũng không quá cao. Ngay như một thủ môn từng bắt dự bị vài mùa nay tại HAGL cũng chỉ nhận mức lương dưới 10 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, mùa này HAGL chỉ nhắm chiêu mộ 2 ngoại binh, không dùng cầu thủ nhập tịch nên giảm đi 1 khoản kinh phí đáng kể.
Giảm chi phí cho cầu thủ nhưng bầu Đức lại chi nhiều tiền hơn cho nhân lực và trang thiết bị phục vụ họ. Chuyên gia thể lực người Pháp Anthony Debant được đưa về với mức lương rất cao để cải thiện điểm yếu nhất của lứa U19 HAGL. Bên cạnh đó, ông bầu chịu chơi này cũng cho nhập 1 lô các thiết bị điện tử hiện đại nhất để đo nhịp tim, tốc độ, quãng đường di chuyển của các cầu thủ…
Chuyên gia thể lực Anthony Debant hứa hẹn sẽ tạo nên bước đột phá về thể lực cho các cầu thủ HAGL mùa tới. |
Theo yêu cầu của chuyên gia thể lực, bầu Đức cũng trang bị một phòng thể lực tối tân nhất cho các cầu thủ. Tham vọng của ông là các cầu thủ phải nâng cao được thể lực, để có thể đảm bảo chạy được chừng 10 km mỗi trận, chứ không phải trung bình 5,8 km như hiện nay.
Các cầu thủ trẻ HAGL của ông phải có khả năng thi đấu như những cầu thủ châu Âu, vốn nổi tiếng chạy khỏe, chạy nhiều. Ngoài ra, ông kỳ vọng Công Phượng và các đồng đội sẽ thổi một làn gió mới vào V.League với lối chơi đẹp mắt, cống hiến, không tiểu xảo, câu giờ để khán giả được thưởng thức nhiều hơn những pha bóng đẹp, xứng đáng với số tiền bỏ ra để vào sân.
Không màng thành tích
Mùa giải 2014, HAGL chỉ đứng thứ 9 V.League. Với một người nhiệt tâm với bóng đá như bầu Đức, thành tích này không dễ gì chấp nhận. Cuộc cách mạng nhân sự với lứa U19 tại V.League mang theo nhiều hy vọng nhưng không dễ để đạt ngay những thành công.
Bầu Đức luôn dõi theo bước đi của các cầu thủ U19 suốt thời gian qua. |
Ngay ở trận đấu tập huấn chính thức đầu tiên chuẩn bị cho V.League 2015, HAGL đã để thua 1-2 trước Sanna Khánh Hòa. Trận thua này có nhiều điều để nói khi Sanna Khánh Hòa là tân binh V.League, đội hình không có cầu thủ nào quá nổi bật. Họ cũng không có một lứa cầu thủ đồng đều ăn tập với nhau suốt 7 năm mà đang trong quá trình “lắp ráp”. Thậm chí, có ngoại binh vừa xuống sân bay ít giờ đồng hồ cũng được họ cho ra sân nhưng vẫn gây khó khăn cho HAGL.
Tham vọng của bầu Đức là trong vài năm tới sẽ xây dựng HAGL thành đội bóng không sử dụng ngoại binh. Bên cạnh đó, ông dùng V.League để trui rèn kinh nghiệm cho những ngôi sao của mình như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đông Triều… và có thể chuyển nhượng họ sang nước ngoài sau 3 năm nữa.
Ở Việt Nam, bầu Đức để lại những dấu ấn, thành công lớn cả về thành tích lẫn thương hiệu với những cuộc cách mạng bóng đá. Thế nên, việc ông tin dùng lứa U19 ở V.League là việc đáng chờ đợi dù hứa hẹn sẽ gặp rất nhiều thách thức.