Khi được hỏi về việc HLV Graechen sẽ thôi dẫn dắt HAGL, ông Phan Thanh Hùng phát biểu: “Trong bất cứ hoàn cảnh nào, HLV trưởng là người chịu trách nhiệm về thành tích của đội bóng. Nên khi thành tích của HAGL không như ý, ông Graechen bị sa thải cũng là điều bình thường”.
HLV Phan Thanh Hùng (phải) và HLV Graechen sau trận đấu giữa Hà Nội T&T và HAGL ở vòng 11. Ảnh: Tùng Lê |
Theo nhà cầm quân người Đà Nẵng, nguyên nhân quan trọng nhất khiến đội bóng phố núi thi đấu bết bát tại V.League 2015 xuất phát từ sự chuẩn bị không tốt trước mùa giải.
“HAGL không phải CLB đầu tiên ưu tiên sử dụng cầu thủ trẻ ở V.League. Nhưng một khi xác định tung họ vào sân chơi khắc nghiệt, HLV cần phải nhìn thấy ưu, nhược điểm để đưa ra giải pháp bổ khuyết. Việc quá tự tin vào khả năng của lứa cầu thủ Công Phượng đã khiến HAGL trả giá đắt”, HLV Phan Thanh Hùng phân tích.
Trong nhiều phát biểu của mình trước đây, nhà cầm quân người Đà Nẵng cho rằng, cách làm của đội bóng phố núi bộc lộ sự nóng vội. Vì khoảng cách giữa tiềm năng của các cầu thủ trẻ và khả năng chinh chiến tại V.League không dễ để san lấp trong một vài mùa giải.
Trên thực tế, trong lứa cầu thủ khóa 1 của Học viện HAGL Arsenal JMG chỉ có một số gương mặt nổi bật như Công Phượng, Tuấn Anh hay Xuân Trường. Họ không thể đủ sức gánh vác cả tập thể, khi chính mình chưa đạt đến sự ổn định và khả năng liên tục tỏa sáng.
HLV Phan Thanh Hùng chia sẻ từ cách làm của Hà Nội T&T: “Trung bình mỗi năm, chúng tôi đưa khoảng 5-7 cầu thủ trẻ lên đội một để cọ xát, tích lũy kinh nghiệm và sàng lọc. Bóng đá rất khắc nghiệt, mỗi năm chọn được một, hai em đủ khả năng thi đấu cũng đã là thành công”.
Công Phượng và Tuấn Anh chìm nghỉm tại V.League 2015. Ảnh: Tùng Lê |
Quyết định đôn nguyên lứa cầu thủ Công Phượng lên chơi V.League thuộc về bầu Đức. Với tư cách một người làm chuyên môn, HLV Graechen lẽ ra phải tham mưu và tư vấn cho ông chủ đội bóng phố núi những giải pháp phù hợp. Nhưng thành công ngoài mong đợi của U19 Việt Nam khiến chính nhà cầm quân người Pháp cũng không đủ tỉnh táo để thực hiện điều này.
Trong nhiều phát biểu của mình, HLV Graechen cho biết: “Cầu thủ của tôi tập 10 nhưng vào đá chỉ còn 6-7”. Đó chính là giới hạn của các cầu thủ trẻ, khi họ không vượt qua được rào cản về áp lực đặt trong vòng xoáy thất bại. Nhưng vấn đề của nhà cầm quân người Pháp nằm ở chỗ, ông không đưa ra được giải pháp để khai thông bế tắc.
Vì vậy, trong cuộc trao đổi với Zing.vn, HLV Lê Thụy Hải cũng cho rằng việc thay thế HLV Graechen là cần thiết để tạo ra luồng gió mới thổi vào diện mạo u ám của HAGL suốt thời gian dài vừa qua.
Tất nhiên, thành tích thi đấu bết bát của đội bóng phố núi không chỉ thuộc về trách nhiệm của nhà cầm quân người Pháp. Thậm chí, nhiều ý kiến bày tỏ, cách làm “tiền hậu bất nhất” của bầu Đức cùng cộng sự mới là nguyên nhân chính dẫn đến hậu quả ngày hôm nay.
Bầu Đức họp kín cùng HLV Graechen khi nhà cầm quân người Pháp dẫn dắt U19 Việt Nam. Ông chủ của đội bóng phố núi từng khẳng định không sa thải HLV Graechen trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ảnh: Minh Đức |
Nhưng ở góc độ một người làm nghề, HLV Phan Thanh Hùng chia sẻ, các nhà cầm quân bắt buộc phải đối diện sự bất công này. Khi đội bóng thành công, đó là sự tổng hòa của nhiều yếu tố. Trong không ít trường hợp, vai trò của HLV bị nhìn nhận mờ nhạt hơn màn thể hiện của các ngôi sao trên sân cỏ.
Song nếu điều ngược lại xảy ra, HLV là nhân vật đầu tiên lĩnh hậu quả. HLV Lê Thụy Hải từng ví ông chỉ là que tăm của các ông chủ CLB Bình Dương: "Dùng xong rồi cũng chỉ vứt vào xọt rác là xong".
“Chính tôi cũng từng nghĩ đến quyết định nghỉ việc khi Hà Nội T&T thi đấu không tốt ở lượt đi. Trong bóng đá, dù anh là ai, thành công hay thất bại, quyết định tiếp tục hay dừng lại đôi khi cách nhau chỉ gang tấc”, HLV Phan Thanh Hùng tâm sự.