Ý tưởng của bầu Đức từng được cổ súy bởi Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và chính người đứng đầu nền bóng đá còn chủ động “đặt thêm” chỉ tiêu cho lứa cầu thủ mà nhiều người bây giờ vẫn quen gọi là U19.
Theo tính toán của bầu Đức, U23 Việt Nam nên để lứa Công Phượng chinh chiến ở SEA Games 2015 để lấy kinh nghiệm, sau đó, độ chín sẽ được bồi đắp và bùng nổ vào năm 2016.
Bầu Đức còn hảo sảng tuyên bố: “Nếu lứa này không vô địch SEA Games, hãy gọi tôi là Đức nổ”. Đến giờ, câu nói ấy chắc đa phần người hâm mộ còn nhớ. Nhớ vì đấy là tâm huyết của ông bầu đã dựng lên lứa cầu thủ trẻ đầy triển vọng. Nhớ vì tâm nguyện của bầu Đức cũng là khát khao của cả triệu fan Việt Nam.
Tham vọng dùng lứa cầu thủ Công Phượng để giành huy chương vàng SEA Games của bầu Đức có nguy cơ bị đổ bể. Ảnh: Tùng Lê. |
Nhưng ông bầu phố Núi đang đứng trước nguy cơ “nổi tiếng” ở vế thứ hai: Cả thiên hạ gọi ông là… Đức nổ!
Cách đây ít ngày, Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) dự định hạ tuổi tham dự SEA Games của các đội bóng trong khu vực xuống chỉ còn 21 (Under 21). Điều này cũng đồng nghĩa với việc, Công Phượng, Tuấn Anh và những cầu thủ ưu tú nhất của BĐVN thời điểm này sẽ không có cơ hội tranh tài. Họ chỉ còn cách xem SEA Games qua truyền hình.
Ý tưởng của AFF có khả năng rất lớn trở thành hiện thực khi bộ sậu đầu não của tổ chức này là người Malaysia. Cách đây 15 năm, chính họ cũng đưa ra quyết định hạ cấp SEA Games khi giới hạn tuổi thi đấu là U23 chứ không phải ĐTQG. Sau đó đúng 1 năm, SEA Games 2001 tổ chức tại chính… Malaysia và ĐT U23 Việt Nam ra về ngay từ vòng bảng.
Sự cải cách được AFF (đa phần là người Malaysia) tiếp tục phát huy khi họ định đưa SEA Games về lứa tuổi U21. Đến đây, người ta có quyền đặt câu hỏi: SEA Games là sân chơi cho bóng đá trẻ hay vẫn đủ sức hút đối với người hâm mộ?
Ở lứa tuổi 21 tuổi, các cầu thủ Việt Nam nói riêng, Đông Nam Á nói chung chưa thể gọi là “một đội tuyển quốc gia” và nó khó thuyết phục được nhiều người về câu chuyện chất lượng cũng như danh giá.
ĐT U23 dành cho SEA Games là sự hạ cấp, nhưng ít nhiều, nó còn chấp nhận được khi tiêu chí “vươn tầm thế giới” được AFF quán triệt. Nhưng cũng cần nói thêm, trên thế giới chưa có giải đấu nào tầm khu vực mà người ta dùng nguyên vẹn ĐT U23. Nó được nâng tầm lên thành ĐT Olympic với 3 cầu thủ quá tuổi được bổ sung.
Tiến bộ và có thâm niên hàng trăm năm như Olympic vẫn sử dụng công thức U23+3. Đến ngay giải đấu dành cho đội hình phụ của Ngoại hạng Anh người ta cũng cố gắng tạo ra “quota” để các CLB dùng ngôi sao lớn tuổi có mặt trong đội hình trẻ (gồm cầu thủ từ 19-21) để tăng sự hấp dẫn.
LĐBĐ Đông Nam Á đang có ý định giảm độ tuổi thi đấu tại SEA Games. Ảnh: Tùng Lê. |
Chưa ở đâu (phải khẳng định như vậy) lại đưa ra ý tưởng hạn chế như AFF. ĐT U23 dành cho SEA Games không được tăng cường đã đành, nay lại rục rịch hạ cấp thêm xuống U21 để tranh tài.
ĐT U21 – nếu được thành lập – chỉ có thể là đội tuyển trẻ, một đội tuyển dành cho sân chơi chưa định hình sự phát triển toàn diện. Cho nên, nếu SEA Games trở thành giải đấu của các cầu thủ U21 thì sự danh giá của nó cũng chẳng cần phải phấn đấu làm gì. Ước mơ thắng Thái, vượt Thái và vô địch ở lứa tuổi này liệu có ai ghi nhận? Người Thái đủ cơ sở để nói: giải trẻ thôi, đâu cần cạnh tranh!
Tiếc là, khi AFF đưa ra ý tưởng hạ cấp SEA Games, thông tin từ nhiều nguồn cho biết: VFF ủng hộ và nhiều khả năng thông qua. Như thế, bầu Đức nhiều khả năng trở thành… Đức nổ!