Nếu điều đó thành hiện thực, các đội tuyển trong khu vực sẽ phải thay đổi kế hoạch để chuẩn bị cho SEA Games. Lứa cầu thủ sinh năm 1995 như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… sẽ không thể dự giải đấu năm 2017 do quá tuổi. Đây là đòn giáng mạnh vào tham vọng giành ngôi vô địch SEA Games của LĐBĐ Việt Nam (VFF). Bầu Đức và VFF đã đặt ra lộ trình và kỳ vọng lứa cầu thủ thành danh từ đội U19 chinh phục thành công tấm HCV SEA Games vào năm 2017.
Thông tin trên tờ The Star (Malaysia) cho biết, AFF sẽ đề xuất với Liên đoàn thể thao Đông Nam Á (SEAGF) từ SEA Games 29 (2017) môn bóng đá nam sẽ dành cho cầu thủ U21 thay vì U23 như trước. “Chúng tôi thấy rằng AFF đang thiếu sân chơi dành cho các cầu thủ lứa U21 và SEA Games có thể lấp vào khoảng trống đó. SEA Games cũng có thể là một phần trong kế hoạch chuẩn bị của các đội Đông Nam Á cho vòng loại Olympic Tokyo năm 2020”, Tổng thư ký AFF Datuk Azzuddi Ahmad cho biết.
Công Phượng, Duy Mạnh... là những cầu thủ được đặt nhiều kỳ vọng giúp bóng đá Việt Nam giải cơn khát HCV SEA Games. Ảnh: Anh Tuấn |
Vòng loại Olympic Tokyo sẽ bắt đầu vào năm 2019 và nếu SEAGF thống nhất với đề xuất của AFF thì các cầu thủ U21 dự SEA Games 2017 sẽ đóng vai trò nòng cốt của các đội bóng. Hiện tại trong hệ thống thi đấu của AFF có các giải dành cho lứa U17, U19 nhưng không có giải chất lượng nào dành cho đội U21. Còn AFF là sân chơi của các cầu thủ ĐTQG.
Môn bóng đá nam tại SEA Games dành cho lứa tuổi U23 bắt đầu từ đại hội năm 2001 ở Malaysia. Trước thời gian này, các ĐTQG tham dự Đại hội thể thao Đông Nam Á. Sau thời gian cân nhắc, AFF và SEAGF quyết định dành sân chơi này cho lứa U23, còn các ĐTQG thi đấu ở AFF Cup (tiền thân là Tiger Cup).