- Mới đây, Tuấn Anh và Công Phượng được hai CLB ở J.League 2 mời sang thi đấu. Theo ông, đây là thương vụ thuần túy về chuyên môn hay có tác động của yếu tố thương mại trong đó?
- Tuấn Anh và Công Phượng là hai cầu thủ có chất lượng tốt, chơi bóng thông minh, tôi nghĩ họ được mời sang Nhật Bản thi đấu vì lý do bóng đá. Họ sẽ có những tiến bộ trong tương lai chứ không chỉ thi đấu ở giải J.League 2.
- Cách đây 20 năm, ông từng sang thi đấu ở Nhật Bản. Đâu là khó khăn lớn nhất mà một cầu thủ nước ngoài phải đối mặt tại đây?
- Bản thân tôi thích nghi rất nhanh với môi trường bóng đá mới. Khó khăn lớn nhất mà Tuấn Anh và Công Phượng sẽ gặp là bất đồng về ngôn ngữ nhưng điều này sẽ được khắc phục theo thời gian, khi họ thi đấu cùng cầu thủ bản địa. Ngoài ra, thuận lợi cho họ là khí hậu tại Nhật Bản không có nhiều khác biệt so với Việt Nam.
Franck Durix (phải) là HLV của học viện JMG mới mở tại TP HCM. |
- Theo ông, yếu tố nào quyết định đến việc hai cầu thủ trẻ Việt Nam có thể thành công ở giải chuyên nghiệp Nhật Bản?
- Tôi đã xem Công Phượng thi đấu ở SEA Games và nhận thấy đây là cầu thủ giỏi. Anh ấy có sẵn tố chất, cộng với việc tập luyện chăm chỉ, môi trường thích hợp nên tài năng ngày càng phát triển. Cả Tuấn Anh cũng thế. Nhưng việc họ có thành công hay không phụ thuộc hoàn toàn vào bản thân họ, vào việc họ có siêng năng hay ý chí cầu tiến hay không. Một lời nói của tôi không thể ảnh hưởng đến sự nghiệp của họ.
Franck Durix: Sinh năm 1965 là cựu cầu thủ Pháp. Ông từng khoác áo CLB Cannes (Pháp) từ năm 1988 đến 1995, làm đồng đội với danh thủ Zinadine Zidane. Sau đó, tiền vệ tấn công này sang Nhật Bản thi đấu cho Nagoya Grampus Eight – đội bóng khi đó được dẫn dắt bởi HLV Arsene Wenger. Hiện tại, Franck Durix là HLV của học viện bóng đá NutiFood-HAGL-Arsenal JMG tại TP HCM.
- Cách thức đào tạo của học viện JMG toàn cầu nói chung trong đó có HAGL-Arsenal JMG có giúp ích Tuấn Anh và Công Phượng?
- Rất nhiều là đằng khác. Triết lý đào tạo của học viện HAGL-Arsenal JMG và lối chơi của các đội bóng Nhật Bản có sự tương đồng. Hầu hết các đội tại J.League đều chơi bóng ngắn, ít chạm, cường độ cao, xây dựng lối chơi khoa học. Đây là cách chơi phù hợp với những cầu thủ xuất thân từ học viện. Tiêu chí đào tạo của chúng tôi là giúp các cầu thủ chơi bóng thông minh, xử lý trong 1-2 chạm.
- Học viện NutiFood-HAGL-Arsenal JMG mới mở tại TP HCM có những thay đổi gì so với cơ sở ở Gia Lai, để có thể tạo ra nhiều cầu thủ nối gót Công Phượng, Tuấn Anh trong tương lai?
- Tùy theo triết lý của mỗi HLV mà sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp ở từng nơi nhưng phải thuân thủ theo giáo án thống nhất của học viện JMG toàn cầu. Bản thân tôi chú trọng đến việc các cầu thủ có niềm đam mê chơi bóng, xử lý đơn giản và thông minh.
Franck Durix và tác giả bài viết. |
- Giữa Tuấn Anh và Công Phượng, ai sẽ thành công hơn khi sang Nhật Bản thi đấu?
- Tôi không thể trả lời câu hỏi này bởi tôi mới chỉ quan sát họ, không thể hiểu họ bằng những người khác. Thành công của một cầu thủ phụ thuộc vào chính bản thân họ. Họ phải có năng khiếu, thông minh và đặc biệt phải tập luyện liên tục, bền bỉ. Bóng đá Việt Nam chưa được biết đến nhiều trên thế giới, nhưng qua việc có 2 cầu thủ trẻ sang Nhật Bản thi đấu, tôi nghĩ đây là thành công bước đầu rất quan trọng. Hy vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu.
- Ông từng làm việc với HLV Arsene Wenger tại Nhật Bản và thi đấu cùng Zinedine Zidane ở CLB Cannes. Ấn tượng lớn nhất của ông về họ là gì?
- Wenger là một quý ông thật sự. Ông ấy là người ít nói, nhưng khi ông nói ra điều gì, mọi người đều phải lắng nghe. Còn Zidane xử lý bóng rất nhuẫn nhuyễn, chơi bóng rất đơn giản. Nhưng bóng đá cần đơn giản như vậy mới thành công được. Tôi cũng vậy, lúc nào cũng muốn hướng đến cách chơi bóng đơn giản, hiệu quả. Bóng đá là thế, đừng làm phức tạp nó quá.