Tên tuổi CLB bóng đá HAGL gắn liền với ông Đoàn Nguyên Đức (tức bầu Đức). Ảnh: Quang Thịnh. |
Xung đột quyền lợi giữa nhà tài trợ chính của V.League và nhà tài trợ chính của câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh Gia Lai (CLB HAGL) chưa thể giải quyết đang đặt đội bóng phố núi vào tình thế có thể phải bỏ giải vì không đủ kinh phí hoạt động. Trong khi đó, nếu câu lạc bộ này rời giải, V.League 2023 cũng có thể phải diễn ra với chỉ 13 đội bóng.
Tại Việt Nam, HAGL là câu lạc bộ gắn liền với tên tuổi của ông Đoàn Nguyên Đức (tức bầu Đức) và Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAG). Thực tế, câu lạc bộ bóng đá này hiện vẫn vận hành với vai trò là công ty con của HAG.
Bên cạnh nguồn tài trợ từ các đối tác thứ ba, với vai trò là công ty mẹ, công ty của bầu Đức vẫn đều đặn bơm tiền để câu lạc bộ bóng đá này duy trì hoạt động.
Công ty bầu Đức làm ăn ra sao
Nguồn tiền chính để bầu Đức tài trợ cho các hoạt động bóng đá của CLB HAGL là lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của HAG. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cả vị thế và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này đã không còn được như trước.
HAG từng là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam, cá nhân bầu Đức cũng từng là người giàu nhất thị trường này với khối tài sản hơn 6.100 tỷ đồng vào năm 2008.
Tuy nhiên, những biến động của thị trường trong hơn một thập niên qua đã khiến HAG cũng như bầu Đức không còn giữ được vị thế.
Với riêng HAG, trong giai đoạn hoàng kim 2009-2014, mỗi năm công ty này đều mang về cho bầu Đức và các cổ đông hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận. Kết quả kinh doanh của HAG chỉ bắt đầu lao dốc khi doanh nghiệp mở rộng quy mô quá nhanh và vướng vào các khoản nợ vay hàng chục nghìn tỷ. Trong khi đó, các chiến lược chuyển hướng kinh doanh của ban lãnh đạo đều không mang lại hiệu quả.
HAG chịu đà suy giảm từ năm 2015 khi lợi nhuận ròng giảm mạnh từ mức 1.556 tỷ đồng năm trước xuống còn hơn 600 tỷ đồng. Một năm sau đó (năm 2016), HAG báo lỗ ròng hơn 1.500 tỷ đồng.
HƠN MỘT THẬP KỶ THĂNG TRẦM CỦA HAG | |||||||||||
Kết quả kinh doanh hàng năm của HAGL | |||||||||||
Nhãn | 2013 | 2014 | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 | |
Doanh thu thuần | tỷ đồng | 2771 | 3054 | 6252 | 6440 | 4841 | 5388 | 2075 | 3177 | 2097 | 5081 |
Lợi nhuận sau thuế | 972 | 1556 | 602 | -1503 | 372 | 6.2 | -1809 | -2383 | 128 | 1181 |
Trong giai đoạn 2017-2021, HAG báo lỗ ròng 2/5 năm với giá trị gần 4.200 tỷ, trong khi lợi nhuận của 3/5 năm còn lại chỉ là hơn 500 tỷ đồng. Đến cuối năm 2021, công ty đã ghi nhận khoản lỗ lũy kế lên tới gần 4.500 tỷ đồng, bất chấp việc đã giảm được hàng nghìn tỷ đồng tiền lỗ từ việc không hợp nhất kể quả kinh doanh của HAGL Agrico (HNG).
Phải đến năm 2022, thông qua việc tất toán, hoán đổi nợ vay cũng như nợ trái phiếu, HAG đã tiết giảm được hàng nghìn tỷ đồng tiền nợ so với giai đoạn trước. Bên cạnh đó, việc không còn hợp nhất kết quả kinh doanh của HAGL Agrico cũng giúp chất lượng tài sản và kết quả kinh doanh của tập đoàn này cải thiện.
Cụ thể, trong năm vừa qua, HAG đã ghi nhận doanh thu thuần gần 5.100 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với năm liền trước. Bên cạnh việc tăng mạnh doanh thu, HAG cũng cắt giảm được đáng kể chi phí phát sinh nhờ cơ cấu xong các khoản nợ cũng như các mảng kinh doanh.
Kết quả là công ty của bầu Đức đã ghi nhận khoản lãi trước thuế 1.092 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 131 tỷ. Đây cũng là năm đầu tiên kể từ năm 2014, doanh nghiệp này mới ghi nhận mức lãi nghìn tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này đạt 1.181 tỷ nhờ được hoãn lại gần trăm tỷ đồng tiền thuế thu nhập. So với năm liền trước, mức lãi này của HAG cũng đã tăng gấp gần 6 lần.
Với cá nhân bầu Đức, trải qua hơn nửa thập kỷ khó khăn cùng HAG, nhưng vị đại gia này vẫn luôn nằm trong nhóm những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt.
Hiện cá nhân ông đang nắm giữ trực tiếp gần 320 triệu cổ phiếu HAG, tương đương 34,5% vốn doanh nghiệp. Với thị giá xấp xỉ 9.000 đồng/cổ phiếu, lượng cổ phiếu HAG do bầu Đức nắm giữ có giá thị trường lên tới gần 2.900 tỷ đồng.
Thậm chí, nếu tính cả cổ phiếu do người thân trong gia đình và các công ty liên quan nắm giữ, tỷ lệ sở hữu của ông tại HAG còn cao hơn.
Đều đặn bơm tiền làm bóng đá
Trong đầu tư bóng đá, kể từ năm 2009, khi CLB HAGL được chuyển đổi thành Công ty CP Thể thao Hoàng Anh Gia Lai với vốn điều lệ 115 tỷ đồng (HAG sở hữu 51% và các công ty con nắm 19%), doanh nghiệp bầu Đức đã liên tục rót tiền vào đội bóng này.
Tháng 4/2021, sau khi rót thêm gần 31 tỷ đồng vào CLB HAGL, HAG đã nâng tỷ lệ sở hữu tại câu lạc bộ này lên 97,5%.
Theo báo cáo tài chính mới nhất của công ty mẹ HAG, hiện giá gốc của khoản đầu tư vào CLB HAGL là gần 90 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty đang phải trích lập dự phòng cho toàn bộ khoản đầu tư này.
HAG VẪN LIÊN TỤC BƠM TIỀN CHO CLB HAGL BẤT CHẤP KẾT QUẢ KINH DOANH | |||||||||
Kết quả kinh doanh hàng năm và số dư phải thu về cho vay của HAG với Công ty Thể thao HAGL (CLB HAGL). | |||||||||
Nhãn | 2015 | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 6T2022 | |
Lợi nhuận ròng | tỷ đồng | 602 | -1503 | 372 | 6 | -1809 | -2383 | 128 | 531 |
Phải thu về cho vay với CLB HAGL | 206 | 227.6 | 236.2 | 259.2 | 275.8 | 413 | 421.5 | 445.4 |
Báo cáo tài chính của HAG cũng cho biết kể từ năm 2009, công ty thường xuyên phát sinh các khoản chi trả hộ chi phí cho CLB HAGL. Năm 2009, mức chi hộ này mới là 340 triệu đồng, nhưng đã tăng lên gần 10 tỷ đồng sau đó một năm. Trong giai đoạn 2011-2014, các khoản chi hộ chi phí này liên tục tăng lên hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Đến năm 2014, mức chi hộ này đã là gần 58 tỷ đồng. Cùng năm, HAG cũng cho CLB HAGL mượn hơn 12 tỷ, mua dịch vụ quảng cáo 13 tỷ và ứng trước cho dịch vụ quảng cáo với giá trị gần 95 tỷ đồng.
Từ năm 2015, giá trị các khoản chi trả hộ này bắt đầu giảm đi nhưng công ty lại tăng cường cho đội bóng vay tiền. Bên cạnh 13 tỷ đồng mua dịch vụ quảng cáo trong năm, HAG đã cho CLB HAGL vay hơn 39 tỷ đồng. Đến cuối năm 2015, công ty đã ghi nhận một khoản phải thu về cho vay dài hạn với đội bóng, giá trị gần 206 tỷ.
Trong những năm gần đây, giá trị khoản phải thu về cho vay giữa hai bên liên tục tăng lên, bất chấp kết quả kinh doanh của HAG thế nào.
Nửa đầu năm 2022 vừa qua, bên cạnh hơn trăm triệu đồng tiền chi trả hộ chi phí, doanh nghiệp của bầu Đức còn cho CLB vay gần 24 tỷ đồng. Đáng chú ý, việc cho vay này diễn ra trong bối cảnh công ty đang có một khoản nợ khó đòi đã xử lý với đội bóng giá trị lên tới gần 422 tỷ đồng vào cuối năm 2021. Đến cuối tháng 6/2022, giá trị khoản nợ khó đòi này đã tăng lên hơn 445 tỷ đồng.
Số tiền mà bầu Đức chi cho CLB HAGL đã không dưới nghìn tỷ đồng. Ảnh: Quang Thịnh. |
Trong năm 2021 liền trước, HAG cũng đã cho CLB HAGL vay gần 39 tỷ đồng. Mức cho vay trong năm 2020 cũng là hơn 19 tỷ đồng.
Tính trong hơn một thập niên qua, số tiền bầu Đức và HAG chi ra để đầu tư cho bóng đá đã ngót nghét nghìn tỷ, chưa kể giá trị cố định đến từ các cơ sở vật chất mà doanh nghiệp đã đầu tư cho đội bóng trong hơn 10 năm qua.
Trở lại với những xung đột lợi ích giữa hai nhà tài trợ chính của V.League và CLB HAGL, hiện hai bên vẫn chưa thể đưa ra phương án giải quyết cuối cùng. Chưa biết đội bóng phố núi có thể tham gia V.League 2023 với nguồn tiền từ nhà tài trợ mới hay không, nhưng gần như chắc chắn bầu Đức và doanh nghiệp của ông sẽ không dừng rót thêm tiền cho CLB này.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về doanh nhân, câu chuyện kinh doanh, khởi nghiệp, vượt qua khó khăn, kinh nghiệm quản trị... tại Tủ sách doanh nhân. Những cuốn sách được chia sẻ bởi các doanh nhân nổi tiếng thế giới như Bill Gate, Warren Buffett, Elon Musk...