Một giả thuyết đang có khả năng trở thành hiện thực: Trump đứng trước cơ hội lớn để trở thành ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa, CNN nhận định. Vậy tương lai của nước Mỹ và thế giới sẽ thế nào nếu Trump trở thành tổng thống?
Ứng viên khó dự đoán nhất nước Mỹ có thể trở thành vị tổng thống khó lường nhất.
“Chúng ta sẽ không còn là những kẻ ngốc nữa. Chúng ta sắp trở thành những người thông thái”, Trump tuyên bố trước những người ủng hộ sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Nevada.
Donald Trump ủng hộ việc Nga can thiệp bằng quân sự vào Syria để hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad. Ảnh: AP |
Không chỉ là tỷ phú bất động sản, Trump còn là nhân vật nổi tiếng trong giới truyền hình, tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy. Nhưng ông chưa bao giờ giữ chức vụ trong bộ máy công quyền hay nghiên cứu về chính sách đối ngoại.
“Tôi không nghĩ ông ấy sẽ quan tâm tới việc tích lũy kiến thức về những lĩnh vực ấy. Trump tỏ ra là người rất bản năng và không hề do dự khi hành động theo bản năng”, Christopher Hill, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ, bình luận.
Xây bức tường dọc biên giới Mỹ - Mexico
Điểm nhấn trong chiến dịch tranh cử của Trump là kế hoạch xây một bức tường dọc theo biên giới Mỹ - Mexico để chặn những người di cư bất hợp pháp, bọn tội phạm và những kẻ buôn ma túy. Doanh nhân tỷ phú tuyên bố Mexico sẽ phải chi tiền cho hàng rào. Nhưng một người phát ngôn của Tổng thống Mexico đáp lại rằng nước này sẽ không trả tiền.
Chỉ diệt Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq
Trump cam kết ông sẽ không kích IS để chúng biến mất trên lãnh thổ Iraq, đặc biệt là từ những giếng dầu mà chúng chiếm.
Tại Syria, trùm bất động sản muốn dành cuộc chiến chống IS cho chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Khác với những ứng cử viên tiềm năng còn lại, ông hoan nghênh chiến dịch quân sự của Nga ở Syria.
Nếu Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng, Mỹ sẽ không tiếp nhận người tị nạn từ Syria và có thể toàn bộ người Hồi giáo trên khắp thế giới.
Thay vào đó, ông muốn lập một vùng an toàn cho dân thường trong lãnh thổ Syria bằng tiền của Mỹ. Các nước khác sẽ xây dựng và bảo vệ vùng an toàn đó.
Mỹ sẽ tra tấn nghi phạm khủng bố
Trấn nước, biện pháp tra tấn nghi phạm khủng bố của Mỹ từng bị dư luận lên án, sẽ hồi sinh nếu Trump trở thành tổng thống. Thậm chí ông còn bình luận rằng biện pháp ấy chưa đủ mạnh để trừng trị bọn khủng bố.
“Tra tấn là một biện pháp hiệu quả”, ông từng nói với những người ủng hộ như vậy. Ngoài ra, Washington cũng sẽ tiếp tục sử dụng nhà tù trên đảo Guantanamo và đưa thêm nhiều tù nhân tới đó.
Cứng rắn với Trung Quốc trong thương mại
Quan điểm của Trump là các đối tác thương mại đang lợi dụng Mỹ. Ông muốn Washington áp dụng các biện pháp mạnh với Trung Quốc.
Trùm bất động sản từng nói với New York Times rằng ông sẽ áp mức thuế nhập khẩu tới 45% đối với hàng hóa Trung Quốc.
Lập trường bất nhất về thay đổi chế độ ở nước khác
Năm 2011, Trump kêu gọi Mỹ can thiệp để giúp phe nổi dậy ở Libya lật đổ đại tá Moammar Gadhafi. Tháng trước, ông phủ nhận việc đó. Tuy nhiên, giới truyền thông vẫn còn lưu lại đoạn ghi âm lời kêu gọi của ông.
Giờ đây Trump lại chỉ trích gay gắt quyết định đưa binh sĩ vào Iraq trong năm 2003. Tỷ phú không thể giải thích lý do khiến ông ủng hộ cuộc chiến trong thời gian trước. “Việc đó diễn ra quá lâu rồi. Ai mà biết điều gì tồn tại trong đầu tôi lúc ấy”, ông nói với NBC News. Trump cũng khẳng định với CNN rằng ông thay đổi thái độ với cuộc chiến Iraq ngay trước khi nó bắt đầu.
Giảm chi phí quân sự ở nước ngoài
Khoản chi phí khổng lồ để quân đội Mỹ hiện diện ở châu Âu và dẫn dắt NATO khiến Trump cảm thấy bức xúc. Ông cho rằng Đức phải đảm nhận trách nhiệm đó.
“Tôi không muốn giúp châu Âu”, ông khẳng định.
Trùm bất động sản cũng muốn Hàn Quốc gánh bớt phí tổn của việc quân đội Mỹ bảo đảm an ninh cho họ.
“Nước Mỹ chẳng hưởng lợi ích nào từ chính sách bảo vệ Hàn Quốc. Tôi không nói rằng chúng ta sẽ mặc kệ họ khi biến cố xảy ra. Nhưng họ phải san sẻ phí tổn với chúng ta chứ”, ông bình luận.
Một tổng thống gây tranh cãi
Vị tỷ phú bạo miệng có thể trở thành nhân vật gây tranh cãi nhất trong dư luận Mỹ vào thời điểm hiện tại. Vì thế, chẳng ai cảm thấy lạ khi giới chuyên gia không thể thống nhất quan điểm về cách thức ông sẽ điều hành đất nước nếu đắc cử.
Dưới thời của một tổng thống như Trump, chính sách đối ngoại sẽ trở nên quyết đoán và chủ động, giống như thời Ronald Reagan. Khi đó nước Mỹ sẽ xây dựng hòa bình kiểu cổ điển bằng sức mạnh quân sự và kinh tế”, Peter Navarro, một nhà kinh tế của Đại học California, bình luận.
Nhưng Jamie Metzl, một cựu quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ, không đồng tình với Navarro.