Trong những ngày sau khi Trump đánh bại các đối thủ Cộng hòa ở bang South Carolina và Nevada, các nghị sĩ Dân chủ ủng hộ cựu ngoại trưởng Hillary Clinton tổ chức hàng loạt cuộc họp và hội thảo để xử lý một câu hỏi mà nhiều người nghĩ rằng họ sẽ chẳng bao giờ đặt ra: Làm thế nào để họ đánh bại Trump trong tổng tuyển cử?
Nhiều nghị sĩ Dân chủ cho rằng nếu Clinton trở thành người đại diện cho đảng Dân chủ, bà sẽ đánh bại Trump một cách dễ dàng. Họ tin rằng những tuyên bố gây bất hòa của tỷ phú về người di cư, phụ nữ và tín đồ Hồi giáo sẽ khiến nhiều người Mỹ không chấp nhận ông. Họ tin rằng vị thế đang lên của người da màu, người gốc Mỹ Latin và cử tri nữ sẽ giúp Clinton giành thắng lợi vang dội nếu bà trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ, New York Times đưa tin.
Donald Trump tuyên bố những chính trị gia truyền thống không thể xử lý các vấn đề kinh tế của nước Mỹ. Ảnh: CNBC |
Song một bộ phận thành viên đảng Dân chủ, bao gồm cựu tổng thống Bill Clinton, không đồng tình với quan điểm ấy. Họ nói rõ ràng Trump hiểu tâm lý cử tri và nếu Clinton muốn thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11, bà cần một chiến dịch vận động bài bản để dư luận thấy Trump là người nguy hiểm và mù quáng.
Chiến lược đó đang bắt đầu định hình, với việc những nhóm ủng hộ cựu ngoại trưởng chuẩn bị các thông điệp để mô tả Trump là người ghét kết hôn, kẻ thù của tầng lớp lao động, trong khi tính khí ngang ngược của ông có thể đẩy đất nước và thế giới vào tình trạng nguy hiểm.
Phe Dân chủ nhận định họ có thể để tuột chức tổng thống nếu không đối phó Trump một cách nghiêm túc, sai lầm mà các ứng viên Cộng hòa mắc phải trong chiến dịch vận động trước bầu cử sơ bộ.
“Ông ấy ghê gớm, hiểu nỗi lo của cử tri và sẽ không khoan nhượng với Hillary Clinton. Từ chỗ không tin người dân sẽ nghe Trump, tôi đã ngưỡng mộ, bởi ông biết cách nắm bắt sự giận dữ cũng như nỗi lo thực sự của mọi người”, Dannel Malloy, Thống đốc bang Connecticut, bình luận.
Trong cuộc tranh luận đầu tiên bên phía đảng Cộng hòa vào mùa hè năm ngoái, Robby Mook, người quản lý chiến dịch vận động tranh cử của Clinton, tỏ ra coi thường khi Trump bắt đầu lên tiếng.
Giờ đây, Mook và các cộng sự coi Trump là một đối thủ lão luyện, quyết tâm và không bao giờ mệt mỏi, quan tâm tới mối lo về kinh tế của công chúng và khiến dư luận tin rằng những chính trị gia truyền thống không có khả năng giải quyết những vấn đề kinh tế. Mỗi khi Trump phát biểu, phe của Clinton ra vẻ không quan tâm. Song trên thực tế họ và nhiều đảng viên Dân chủ khác đang nghiên cứu dữ liệu thăm dò dư luận để hiểu những nguyên nhân khiến công chúng mến mộ Trump, đồng thời tìm hiểu sự nghiệp kinh doanh của vị tỷ phú.
“Chiến dịch chống Trump sẽ diễn ra trên hai cấp độ”, Geoff Garin, một chuyên gia khảo sát ý kiến của đảng Dân chủ và từng là trưởng nhóm chiến lược gia của Clinton trong chiến dịch vận động năm 2008, nhận định. Theo Garin, cấp độ thứ nhất là tính khí của Trump, còn cấp độ thứ hai là việc ông phù hợp với vị trí của người lãnh đạo nước Mỹ hay không.
Cuộc chiến chống "niềm tin mù quáng"
Vũ khí mạnh nhất để chống Trump, theo bà Clinton, là xu hướng đưa ra những lời bình luận đầy căm thù. Hai cựu tổng thống Mexico từng ví ông với trùm phát xít Adolf Hitler sau khi ông đề nghị xây một hàng rào lớn ở biên giới Mexico để ngăn người nhập cư trái phép vào Mỹ.
Ở bang South Carolina và Tennessee, bà Clinton bắt đầu đặt nền tảng cho cái mà các cố vấn gọi là “chiến dịch chống niềm tin mù quáng”. Cựu ngoại trưởng sẽ thể hiện bà là người có tư tưởng công bằng và hoàn toàn tương phản với Trump. Bà tuyên bố người Mỹ cần thêm tình yêu và lòng tốt.
“Thay vì xây những hàng rào, chúng ta cần bỏ những chướng ngại vật”, bà phát biểu.
Trong cuộc tranh luận của đảng Cộng hòa hôm 25/2, những trợ lý của Clinton đăng một ảnh lên Instagram với nội dụng: “Những thứ người Mỹ không coi trọng: Phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, mù quáng, sự phân biệt đối xử, bất công”.
Trump bác bỏ một cách mạnh mẽ rằng ông không phải là người có niềm tin mù quáng. Nhưng ông cũng ám chỉ rằng ông sẽ đấu tranh quyết liệt với bà Clinton. Vị tỷ phú nói lẽ ra Clinton phải ra tòa vì hành vi sử dụng thư điện tử cá nhân khi giữ chức Ngoại trưởng Mỹ, còn chuyện ngoại tình của cựu tổng thống Bill Clinton là hành vi lạm dụng phụ nữ.
Đòn tấn công tổng lực
Trong lúc bà Clinton tiếp tục vận động tranh cử, các nhóm Dân chủ bắt đầu quy tụ quanh một chiến lược để tung những đòn tấn công hiểm về phía Trump.
Kế hoạch gồm 3 hướng chính: tạo cảm giác Trump là doanh nhân tàn nhẫn, chống đối những lợi ích của cử tri thuộc tầng lớp lao động; tung những lời bình luận tiêu cực về phụ nữ của Trump lên các phương tiện thông tin đại chúng để nữ giới thành thị xa lánh ông; nhấn vào tính khí bốc đồng và ngạo mạn để chứng minh ông không phù hợp với vị trí nguyên thủ.
American Bridge, một tổ chức ủng hộ Clinton, thành lập một nhóm chuyên gia thuế và kinh doanh để nghiên cứu các tài liệu của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch, cũng như các hồ sơ tòa án liên quan tới sự nghiệp kinh doanh của Trump.
Mặc dù đảng Dân chủ đã chuẩn bị kế hoạch đối phó Trump, giới quan sát vẫn lo ngại thông điệp của họ sẽ không tạo nên sự đột phá.
Hồi tháng 1, các cố vấn của bà Clinton sửng sốt khi Thượng nghị sĩ Ted Cruz của bang Texas công bố một phim nhằm tố cáo Trump tìm cách san phẳng nhà của một góa phụ ở thành phố Atlantic City để có đất cho một dự án sòng bạc.
Góa phụ kiện công ty của Trump ra tòa và giành chiến thắng nên vẫn giữ ngôi nhà. Tuy nhiên, bộ phim không hề khiến tỷ lệ người ủng hộ Trump giảm.