Khắp đất nước Thái Lan đang tràn ngập sự háo hức khi chỉ còn gần 2 tháng nữa là cuộc tổng tuyển cử, vốn được mong đợi từ lâu, sẽ chính thức diễn ra vào ngày 24/3. Đây là cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên được tổ chức kể từ năm 2014 khi Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha lên điều hành chính quyền quân sự.
Gần 6.000 ứng viên đã xuất hiện để ghi danh trong ngày đầu đăng ký hôm 4/2, và có vẻ như không ai muốn bỏ lỡ thời cơ để giành lấy một ghế trong quốc hội, theo Guardian.
Bà Ketpreeya Kaewsanmuang, phát ngôn viên đảng Pheu Thai (Vì Nước Thái), cho biết 10 ứng viên nam đã đổi tên mình thành Thaksin và 5 ứng viên nữ đã đổi tên mình thành Yingluck, theo tên của 2 anh em cựu thủ tướng.
Một số ứng viên cầm thẻ căn cước mới của họ với tên Thaksin và Yingluck. Ảnh: The Nation. |
"Tôi nghĩ họ có quyền tự do làm vậy, và điều đó không vi phạm pháp luật hay các quy định bầu cử. Tôi không thể giải thích điều này thay họ, nhưng theo ý kiến của tôi thì nếu một người muốn tên của họ trở nên dễ nhớ với các cử tri, thì đó cũng là điều bình thường", bà Kaewsanmuang cho biết.
Một trong những ứng viên nam, trước đây có tên đầy đủ là Jirajoi Kiratisakvorakul, trả lời báo Bangkok Post, cho biết ông muốn đổi tên mình để nó trở nên đáng nhớ với các cử tri. Các quy định bầu cử nghiêm ngặt khiến cái tên dài của ông trở thành một trở ngại khi vận động tranh cử.
Trong ngày đầu tiên của đợt đăng ký ứng viên, 58 đảng phái đã ghi danh ứng viên của mình cho cuộc đua sắp tới.
Ông Thaksin Shinawatra, người từng là một tỷ phú ngành viễn thông, thành lập đảng Thai Rak Thai (Người Thái Yêu Người Thái) vào năm 1998 và trở thành thủ tướng Thái Lan vào năm 2001. Ông Thaksin bị lật đổ bởi quân đội Thái Lan vào năm 2006 và sống lưu vong từ đó đến giờ, di chuyển giữa London và Dubai. Dù vắng mặt, ông Thaksin vẫn bị tuyên án 2 năm tù vào năm 2006 trước cáo buộc xung đột lợi ích.
Đảng Thai Rak Thai và ông Thaksin bị cấm hoạt động chính trị và điều đó dẫn tới sự hình thành của đảng Pheu Thai vào tháng 9/2008. Đảng này giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2011, đưa bà Yingluck Shinawatra, em gái ông Thaksin, trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan.
Bà Yingluck bị tòa án hiến pháp Thái Lan phế truất vào năm 2014 và sau đó chính phủ của bà cũng bị quân đội lật đổ. Nữ thủ tướng trốn khỏi Thái Lan vào tháng 8/2017 trong khi đang bị điều tra về việc quản lý lỏng lẻo chương trình trợ giá lúa gạo gây thất thoát lớn. Bà bị tòa án tuyên vắng mặt 5 năm tù.
Tuy vậy, giới chuyên gia cho rằng dù không có mặt ở Thái Lan, tầm ảnh hưởng chính trị của hai anh em nhà Shinawatra vẫn rất mạnh mẽ.
Mặc dù không còn ở Thái Lan, ông Thaksin và bà Yingluck vẫn có tầm ảnh hướng lớn với nền chính trị nước này. Ảnh: Kyodo. |
Ông Thitinan Pongsudhirak, giám đốc Viện Nghiên cứu Khoa học và An ninh Quốc tế thuộc Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, cho rằng chiến lược đổi tên có thể sẽ không thành công và còn gây phản tác dụng.
Trong email trả lời Guardian, ông Thitinan cho rằng các ứng cử viên không có nền tảng ủng hộ vững chắc và nhận thức xã hội sâu rộng đang hy vọng việc đổi tên sẽ tạo lối đi tắt giúp họ có được sự chú ý và có thể đắc cử.
"Nhưng họ phải cẩn thận để tránh vi phạm các quy định rất nhỏ khi tranh cử. Ví dụ, nếu họ sử dụng hai cái tên này một cách công khai, điều đó có thể được hiểu là ông Thaksin hoặc bà Yingluck, hoặc cả hai, những người không phải là thành viên, đang có quyền kiểm soát và sức ảnh hưởng đến đảng Pheu Thai. Cáo buộc này có thể dẫn tới việc giải thể đảng", ông Thitinan nhận định.