|
Rời khỏi cuộc vận động của cựu Tổng thống Bill Clinton ở Columbus hôm 29/10, Gregg, một cử tri da trắng dẫn tôi đi quanh khu dân cư dọc đại lộ Mt. Vernon gần đó.
“Đây vốn là lằn ranh phân chia sắc tộc trước kia”, Gregg chỉ vào hai bên nhà cửa dọc đại lộ Mt Vernon. “Một bên là trắng, một bên là da màu. Lằn ranh sắc tộc đã xoá bỏ từ lâu (về mặt chính sách), nhưng đầu óc con người thì không thay đổi nhanh như thế", ông nói.
Các ngôi nhà gỗ của người da đen phía nam đại lộ Mt. Vernon hầu hết trong tình trạng xuống cấp, những ngôi nhà lâu ngày không được sơn sửa. Một số người da đen đang tụ tập trước hiên nhà – khu phía đông này là khu nghèo của Columbus, thủ phủ bang Ohio.
Donald Trump đang dẫn Hillary Clinton từ 1-3 điểm % ở đây, bang có tỷ lệ người da trắng cao nhất ở Mỹ. Khó khăn của Hillary ở Ohio cũng là khó khăn chung của phe Dân chủ: họ đang mất dần ủng hộ của những cử tri da trắng, đặc biệt những người ở vùng nông thôn và thất học.
Trong khi đám đông ủng hộ Trump đa phần là da trắng và người già, đám đông của Hillary đông da màu và đa dạng hơn. Bầu cử tổng thống Mỹ năm nay ngày càng rõ nét với sự đối lập về sắc tộc.
Mất dần những ông 'da trắng, bụng to'
15 năm trước ở Florida, anh Đinh Công Bằng, một chuyên gia công nghệ thông tin làm việc tại hạt Leon, rất nhớ mỗi lần đi họp là thấy những chuyên gia ngồi cạnh mình đều là những ông “da trắng, bụng to, đầu hói”. Người da trắng từng một thời chi phối công việc này trong thời gian dài.
Nhưng 15 năm qua, thế chi phối này của người trắng đang mất dần. Công việc này đang dần rơi vào tay những người Ấn và châu Á. “Các cuộc họp của tôi giờ xung quanh đa phần là châu Á. Các ông da trắng, bụng to, đầu hói không còn nữa”, anh Bằng nói với Zing.vn
Nước Mỹ đang chuyển tiếp sang giai đoạn người da trắng không còn chiếm đa số, phụ nữ có thêm quyền lực và địa vị. Những lo sợ như vậy đã dẫn đến sự xuất hiện Trump.
Giáo sư chính trị học Graham Wilson của Đại học Boston
Những ông bác sĩ da trắng dần mất việc trước những bác sĩ người Trung Đông và Ấn Độ. Những công việc chân tay lương thấp thì bị những người nhập cư thiểu số lấy mất, hoặc, dưới tác động của toàn cầu hoá, được chuyển sang các nước đang phát triển. Cơ hội việc làm không còn dễ cho những người da trắng, đặc biệt những người không học hành đầy đủ.
“Trước kia, khi có việc gì khó, mình phải đến hỏi những người da trắng. Họ là những người nhiều cơ bắp, họ có kỹ năng. Giờ thì Google thay họ hết. Đây là thảm kịch với những người trung niên da trắng ở các thị trấn nhỏ”, anh Bằng nói.
Giây phút kinh hoàng nhất của lịch sử Mỹ
Đồng ý với quan điểm này, giáo sư chính trị học Graham Wilson của Đại học Boston nói với Zing.vn rằng đó là thực tế “của những người thua cuộc trong toàn cầu hoá”.
Ông thừa nhận, đây giống như cuộc vùng vẫy lần chót của người da trắng, một thử thách quan trọng quyết định nước Mỹ sẽ đi về đâu về mặt ý thức hệ.
“Họ không phải đến từ nông thôn hoàn toàn mà là những người hạn chế về kỹ năng và giờ phải cạnh tranh với lao động chân tay từ các nước khác (thường thì thua cuộc). Họ cũng đến từ những vùng ít có tương tác với bên ngoài và thường kém về mặt kinh tế”, giáo sư Graham Wilson phân tích.
Nhà sử học nổi tiếng Richard Hofstadter nói “những giây phút kinh hoàng nhất của chính trị Mỹ thường xuất hiện khi một nhóm chi phối cũ cảm thấy mình đang mất dần quyền lực”.
Đây không phải lần đầu tiên có sự thay đổi nhóm sắc tộc chi phối này ở Mỹ. Ông lấy ví dụ việc những người Tin lành, từng là nhóm chi phối, chống đối dữ dội thế nào trong thời kỳ chống rượu (1920-33) ở Mỹ như một cách chống những người Ý Công giáo nhập cư (khi Kennedy đắc cử tổng thống năm 1960, ông là tổng thống Công giáo đầu tiên của nước Mỹ).
“Tương tự, nước Mỹ đang chuyển tiếp sang giai đoạn người da trắng không còn chiếm đa số, phụ nữ có thêm quyền lực và địa vị. Những lo sợ như vậy đã dẫn đến sự xuất hiện Trump", ông Wilson nói.
Obama: Biểu tượng người da trắng đánh mất quyền lực
Chia sẻ quan điểm này, giáo sư Franita Tolson của trường luật tại Đại học bang Florida nói với Zing.vn: “Nhiều cử tri của Trump cảm giác họ bị ra rìa trong nhiều năm và họ xem các nhóm thiểu số là nguyên nhân của mọi bất công”.
Giờ khi máy hỏng thì tôi vứt thẳng đi, có thể mua máy Trung Quốc với cùng giá công trả ông thợ da trắng. Khi tôi vứt chiếc máy thì cũng đồng nghĩa là vứt đi anh hàng xóm da trắng.
Đinh Công Bằng, chuyên gia công nghệ thông tin ở Florida, Mỹ
Theo giáo sư Wilson, việc nhóm da trắng biết rằng xu thế này không thể đảo ngược được càng khiến họ thêm giận dữ. Nhiều nhóm da trắng nhìn nhận việc Obama lên làm tổng thống như một biểu tượng cho sự đánh mất quyền lực của người da trắng.
150 năm trước, những người da trắng còn là chủ nô ở mảnh đất này. Và phải đến 1965, nửa thế kỷ trước, nước Mỹ mới thông qua luật về bầu cử bình quyền và chấm dứt tình trạng phân biệt chủng tộc. Với nhóm người da trắng chi phối trong xã hội Mỹ, họ đang trải qua những thay đổi kinh hoàng trong một thế hệ.
Việc Obama bị chống kịch liệt ở quốc hội trong 8 năm qua hay việc cử tri của Trump chống ông đã được nhiều nhà phân tích chỉ ra là xuất phát từ nguồn gốc phân biệt chủng tộc vẫn còn dai dẳng ở Mỹ.
Một điều không giúp người da trắng nữa là về mặt dân số học: họ đang là nhóm có tỉ lệ tử cao nhất trong các nhóm dân cư Mỹ.
Điều tra của cơ quan dân số Mỹ năm 2015 tính rằng người da trắng sẽ trở thành thiểu số vào năm 2044. Người da trắng dù chiếm 62% dân số nhưng lại chiếm tới 78% tỷ lệ tử ở nước Mỹ - tỉ lệ tử cao nhất trong các nhóm sắc tộc.
Ở Florida, anh Bằng giải thích nếu trước kia có máy khoan hỏng, anh sẽ kiếm ông da trắng để sửa. Mất 20-50 USD tiền công sửa cho cái máy có giá 300 USD.
“Giờ khi máy hỏng thì tôi vứt thẳng đi, có thể mua máy Trung Quốc với cùng giá công trả ông thợ da trắng. Khi tôi vứt chiếc máy thì cũng đồng nghĩa là vứt đi anh hàng xóm da trắng”, anh Bằng nói.
Những người da trắng trước chỉ làm nông nghiệp thì giờ cảm thấy mình vô dụng, tù túng và cũ kỹ với nhu cầu mới của xã hội – một xã hội ngày càng nhiều những việc làm bằng công nghệ và các loại hình kinh tế mới.
Họ bối rối trước áp lực thay đổi này và Trump đưa ra những thông điệp với họ được coi là lối thoát.
Ohio, bang tranh chấp quan trọng
Ohio là một trong những bang tranh chấp quan trọng nhất – trong suốt 130 năm qua, trừ hai lần, bang này luôn lựa chọn đúng ứng viên sẽ trở thành tổng thống Mỹ. Trong lịch sử, tất cả ứng viên phe Cộng hoà thắng cử đều phải thắng ở bang công nghiệp quan trọng này. Cả Trump và Clinton đều cần chiến thắng bang này.
Có mặt tại cuộc vận động tranh cử của Trump ở Florida, phóng viên Zing.vn ghi nhận điểm chung nổi bật của người ủng hộ Trump: nhiều người già, da trắng và hiếm nhóm thiểu số khác.
FBI điều tra vụ email bà Clinton: 'Cú đá vào giữa mặt'
Việc FBI quyết định xem xét lại vụ bê bối email của bà Clinton được coi là “bất ngờ tháng 10” mới và có thể tác động nghiêm trọng tới cuộc đua lần này.
Có mặt tại cuộc vận động tranh cử của Trump ở Florida, phóng viên Zing.vn ghi nhận điểm chung nổi bật của người ủng hộ Trump: nhiều người già, da trắng và hiếm nhóm thiểu số khác.