Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bê bối bỏ phiếu năm 2000: Cuộc bầu cử bị đánh cắp

Zing.vn gặp viên chức phụ trách bầu cử từng chứng kiến vụ bê bối phiếu bầu hồi năm 2000 giữa George W. Bush và Al Gore.

Cục diện bang chiến trường quan trọng của Clinton - Trump Florida là bang chiến trường quan trọng đối với các ứng viên trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, vì nơi này có số lượng đại cử tri lớn so với các bang tranh chấp còn lại.

Ông Ion Sancho vẫn nhớ những tháng ngày lịch sử cuối năm 2000 khi cuộc bầu cử giữa Al Gore và George W. Bush được định đoạt ở toà án hạt Leon, nơi ông đang đứng.

“Đó là những ngày sốc và kinh hoàng nhất cuộc đời tôi,” ông Sancho, quan chức giám sát bầu cử ở hạt Leon của bang Florida, nói với Zing.vn hôm đầu tuần. “Toà án Tối cao liên bang bỏ phiếu với tỷ lệ 5-4 để lần đầu tiên trong lịch sử không cho một tiểu bang hoàn tất việc bầu cử của mình.”

“Nó giống như trò đùa với công lý vậy”, ông nói. 

Sancho vẫn nhớ tuyên bố được đưa ra trên tầng 3 của trụ sở toà án hạt. Hàng trăm nhà báo, camera, máy ảnh chen chúc chật kín khán phòng. “Đó là những ngày điên rồ, 37 ngày đó”, ông nói.

Cuộc chiến giữa ông Al Gore và George W. Bush là bê bối lớn nhất lịch sử bầu cử Mỹ. Ảnh: USNews.

Cuộc bầu cử bê bối

Cuộc bầu cử Al Gore - George W. Bush năm 2000 đến nay vẫn là bê bối tệ hại nhất trong lịch sử bầu cử Mỹ. Ngày bầu cử 7/11, kết cục của cuộc đua được quyết định ở Florida, nơi có 25 phiếu đại cử tri lúc đó.

8 giờ tối, cả 5 đài lớn của Mỹ (CNN, NBC, Fox, CBS, ABC và MSNBC), dựa trên thăm dò sau bầu cử, đều tuyên bố Al Gore thắng ở Florida và thắng chung cuộc. Nhưng đến 10 giờ tối, khi kết quả thực tế đã có, các đài vội rút lại dự đoán và nói Florida chưa xác định được người thắng.

2h30 sáng hôm sau, khi 85% số phiếu được kiểm ở Florida cho thấy ông Bush dẫn trước Gore khoảng hơn 100.000 phiếu thì các đài chính thức tuyên bố là Bush chiến thắng. Al Gore thực tế đã gọi điện chấp nhận thua cuộc.

Nhưng do các phiếu kiểm sau đó đều ở các hạt có đông Dân chủ nên Gore lại thu hẹp khoảng cách với Bush. Tới 4h30 sáng, khoảng cách giữa hai người chỉ còn 2.000 phiếu, các đài rút lại dự đoán Bush thắng. Cùng lúc, Gore rút lại tuyên bố thua cuộc.

Theo luật của Florida, khoảng cách giữa hai ứng viên quá sát và chừng đó là đủ để yêu cầu phải đếm lại phiếu. Khi kiểm phiếu lúc cuối tuần, Bush chỉ còn dẫn 300 phiếu (trên tổng số hơn 6 triệu). Cuộc bê bối và tranh cãi bắt đầu từ đây.

Bush được tuyên bố thắng Al Gore chỉ với 537 phiếu bầu. Ảnh: Time.

Người phụ trách các vấn đề của bang khi đó, bà Katherine Harris, tuyên bố không chấp nhận việc kiểm lại phiếu nếu các hạt không nộp kết quả vào ngày 14/11 là thời hạn theo luật định. Toà Tối cao bang Florida gia hạn tới ngày 26/11 nhưng quyết định này sau đó bị Toà Tối cao liên bang bác bỏ.

Tới ngày 26/11, Ủy ban Bầu cử Florida tuyên bố Bush thắng tại bang này với khoảng cách 537 phiếu. Gore kiện kết quả này.

Toà Tối cao Florida yêu cầu kiểm lại hơn 70.000 phiếu bị máy bỏ phiếu loại trừ trước đó, nhưng quyết định này bị Toà Tối cao Liên bang bác bỏ ngay sau đó.

Tới ngày 12/12, Toà Tối cao chính thức tuyên bố yêu cầu đếm lại phiếu ở Florida là “phi hiến pháp”. Bush chiến thắng nhờ quyết định gây tranh cãi này.

Cuộc tranh cãi giữa hai phe chính thức bắt đầu sau đó. Hai phe đều có những chỉ trích với phía còn lại. Đảng Dân chủ nói phe Cộng hoà đã loại ra hơn 50.000 lá phiếu với cáo buộc đó là tội phạm, trong khi phần lớn đó chỉ là dân thường. Phe Dân chủ cũng phàn nàn về những hạt có số phiếu cao bất thường.

Về phần Bush, ông chính thức hơn Gore 537 phiếu trên tổng số hơn 6 triệu phiếu được bỏ. Đây là tỷ lệ rất sít sao, chỉ khoảng 0,001%. Các kiểm phiếu độc lập sau đó cho những kết quả khác nhau: lần thì Gore thắng, lần thì Bush thắng nhưng số phiếu chỉ chênh nhau vài trăm phiếu. 

Dù Gore thua số phiếu đại cử tri trong cuộc bầu cử, ông nhận nhiều hơn Bush 543.895 phiếu phổ thông. Điều này dấy lên rất nhiều chỉ trích đối với hệ thống bầu cử Mỹ.

Ông Sancho (phải) là viên chức phụ trách bầu cử ở hạt Leon. Ảnh: Thanh Tuấn.

“Sự phản bội nền dân chủ”

Sancho gọi đó là ngày “phản bội đối với nền dân chủ Mỹ” và mở ra kỷ nguyên của những tranh cãi về bầu cử. Ngày càng nhiều kiện cáo liên quan tới bầu cử ở Mỹ mà mọi thứ đều xuất phát từ di sản của năm 2000.

“Chúng tôi đến giờ vẫn chưa lành vết thương,” ông Sancho nói. Những tranh cãi, kiện tụng bầu cử kể từ sau tranh cãi Gore-Bush xuất hiện nhiều hơn bao giờ hết. Phe Dân chủ thường xuyên chỉ trích phe Cộng hoà về việc gây khó dễ trong việc đăng ký bầu cử... 

Sancho, người đàn ông học luật và có tính cách thân thiện, trở thành người phụ trách bầu cử của hạt Leon (nơi có thủ phủ Tallahassee của Florida) từ năm 1987.

Ở tuổi 65 và với 28 năm ở vị trí này,  ông trải qua giai đoạn chuyển giao từ Reagan sang Bush “cha”, cuộc đối đầu Bush “cha” với Bill Clinton, cuộc đấu Bush “con” với Al Gore, Bush “con” với John Kerry, Obama với McCain rồi Obama với Romney.

28 năm phụ trách công tác bầu cử khiến Sancho trở thành hình ảnh quen thuộc với các cử tri khi đến ngày bỏ phiếu. Họ đã quen người đàn ông với khuôn mặt tròn và nụ cười gần gũi mỗi ngày bầu cử.

Viên chức phụ trách bầu cử hạt Leon nói kết quả gần như đã được xác định. Ảnh: Thanh Tuấn.

Ông chào hỏi những người vừa đến và cám ơn những người vừa bỏ phiếu xong ở toà án hạt Leon: “Cám ơn ông/bà vì đã bỏ phiếu sớm.” Mọi người đáp lại: “Cám ơn Sancho, chúng tôi sẽ nhớ ông nhiều.”

Sancho vẫn nhớ rất rõ tỷ lệ đi bỏ phiếu trong mỗi kỳ bầu cử gắn liền với những chiến thắng lịch sử: “Năm 1992 (Bill Clinton) tỷ lệ là 82%, năm 2008 (nhiệm kỳ đầu Obama) là 84%.” 

“Năm 2008 là dấu mốc lịch sử”, ông Sancho nói. “Nhưng cuộc bầu cử năm nay mới là cuộc bầu cử quan trọng nhất đời tôi”. 

Năm nay, cuộc đấu giữa Donald Trump và Hillary Clinton sẽ là kỳ bầu cử cuối cùng trước khi Sancho nghỉ hưu vào ngày 31/12.

Phóng viên hỏi ông sẽ chọn ai. Sancho cười nhưng không nói tên, “Tôi không muốn dính vào chính trị nhưng tôi nghĩ sự lựa chọn là rất rõ ràng rồi”, ông trả lời.

Trong khi đó, tất cả những người đi bầu sớm ngày hôm đó ở hạt Leon mà Zing.vn đặt câu hỏi đều nói rằng họ bầu cho Hillary Clinton.

Sancho đã có kế hoạch của riêng mình. Ông muốn viết cuốn sách về vụ bê bối Gore - Bush. “Tôi biết ai đã ăn cắp cuộc bầu cử năm 2000, tôi sẽ viết cuốn sách đó”, ông nói.

Chạy đua với cuộc chiến bỏ phiếu sớm ở văn phòng của Clinton

Ngày 25/10, phóng viên Zing.vn có mặt tại văn phòng tranh cử của bà Hillary Clinton tại Tallahassee, thủ phủ bang Florida, trong ngày đầu tiên bỏ phiếu sớm bắt đầu ở bang này.

Các tân tổng thống Mỹ dọn về Nhà Trắng như thế nào

Sự chuyển giao quyền lực trong hòa bình vốn là niềm tự hào của nền dân chủ Mỹ nhưng quá trình này hết sức phức tạp và đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều người.

Thanh Tuấn (từ Florida, Mỹ)

Bạn có thể quan tâm