Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bầu chọn VĐV tiêu biểu 2015: Ánh Viên sáng giá nhất

Sáng 12/1, cuộc bầu chọn VĐV tiêu biểu 2015 sẽ diễn ra nhưng với những thành tích nổi bật trong năm qua, Ánh Viên nhiều khả năng sẽ được vinh danh.

Ánh Viên nhiều khả năng lần thứ 2 liên tiếp được bầu chọn là VĐV tiêu biểu toàn quốc. Ảnh: Hoàng Hà

Ban tổ chức đề cử ra 54 VĐV, nhưng không ai có được thành công chói lọi như Nguyễn Thị Ánh Viên. Trong năm 2015, cô giành 8 HCV, phá 8 kỷ lục SEA Games; giành 2 HCB, 1 HCĐ Cup thế giới; 7 HCV, 5 HCB Giải vô địch các nhóm tuổi Đông Nam Á; 16 HCV giải VĐQG; 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ giải Quân sự thế giới.

Trang tin tức bơi lội hàng đầu của Mỹ - Swimswam chọn Ánh Viên là một trong 5 kình ngư nữ hay nhất châu Á trong năm. Có thể nói, kình ngư sinh năm 1996 đã tạo nên một hiệu ứng đặc biệt đối với giới trẻ nhờ chuỗi thành tích đáng nể và luôn khát khao hướng đến những mục tiêu xa hơn. Báo chí Singapore đặt biệt danh cho Ánh Viên là “cô gái thép” và xem cô là VĐV giá trị nhất của đoàn Thể thao Việt ở SEA Games vừa qua.

Năm 2014, kình ngư người Cần Thơ chiến thắng ở cuộc bầu chọn với 1.077 điểm, hơn người xếp thứ 2 là Thạch Kim Tuấn với khoảng cách sít sao. Nhưng năm nay, Ánh Viên sẽ “đơn thương, độc mã” trong cuộc đua này bởi không ai có được những chiến tích như cô.

Công Phượng là một trong 7 cầu thủ được đề cử nhưng anh khó lòng chen chân vào top 10. Ảnh: Anh Tuấn

Top 15 VĐV tiêu biểu của thể thao Việt Nam 2015

Nguyễn Thị Ánh Viên, Nguyễn Thị Huyền, Đinh Phương Thành, Lý Hoàng Nam... là các VĐV đã tạo nên những cột mốc lịch sử cho thể thao Việt Nam (TTVN) trong năm 2015.

Điều bất ngờ là trong danh sách, môn bơi chỉ có một mình Ánh Viên được đề cử. Hai nhà vô địch SEA Games là Lâm Quang Nhật (1500 m tự do) và Hoàng Quý Phước (200 m tự do) đều không có tên. Kình ngư trẻ Nguyễn Diệp Phương Trâm (9 HCV nhóm tuổi ĐNA, phá 5 kỷ lục) cũng vắng bóng. Đây thật sự là thiếu sót lớn khi bơi là một trong 2 môn thể thao  quan trọng nhất tại các kỳ Olympic. Bên cạnh đó, nhà vô địch cờ nhanh châu Á Nguyễn Ngọc Trường Sơn cũng không được Liên đoàn cờ đề xuất lên.

Danh sách đề cử VĐV xuất phát từ các bộ môn, liên đoàn và hiệp hội chứ không phải do ban tổ chức tự ý đưa ra nên dẫn đến những thiếu sót. Thế nên nó dẫn đến tình trạng một số môn có thành tích không quá nổi bật, dính nhiều chuyện không hay như bóng bàn có đến 10 VĐV được đề cử. Bóng đá có một năm trầm lặng cũng có 7 VĐV nằm trong danh sách.

Ngoài Ánh Viên, trong danh sách 54 VĐV được đề cử có nhiều nhân tố nổi bật khác. Ở môn cử tạ, Vương Thị Huyền có một năm thi đấu thành công khi đoạt 2 HCV giải vô địch châu Á; 2 HCB, 1 HCĐ giải VĐTG. Lý Hoàng Nam giúp quần vợt Việt Nam rạng danh trên đấu trường quốc tế với chức vô địch đôi nam Wimbledon trẻ 2015. Vũ Thành An xuất sắc giành 3 HCV đấu kiếm ở SEA Games, giải châu Á. Ở môn TDDC, Phan Thị Hà Thanh (3 HCV SEA Games) và Đinh Phương Thành (4 HCV SEA Games) là những cái tên nổi bật khác. Ngoài ra, Nguyễn Thị Huyền (3 HCV SEA Games), Lê Trọng Hinh (1 HCV SEA Games) ở điền kinh cũng xứng đáng nằm trong top 10...

Môn bóng đá có 7 đề cử gồm Thành Lương, Văn Quyết, Anh Đức, Công Phượng, Huỳnh Như, Kiều Trinh và Nguyễn Thị Minh Nguyệt. Nhưng nhiều khả năng họ có đại diện nào góp mặt trong top 10 bởi thành tích năm vừa qua không có gì nổi bật. Ở cuộc bầu chọn năm 2014, môn thể thao vua cũng không có nhân tố nào được vinh danh.

160 phóng viên thể thao tại TP HCM và Hà Nội sẽ bỏ phiếu bầu chọn VĐV tiêu biểu dựa trên các đề cử. Bản thân họ cũng có quyền giới thiệu người xứng đáng để đưa vào danh sách. 10 người có số phiều bầu chọn cao nhất sẽ được vinh danh. Ngoài việc bầu chọn VĐV, các phóng viên cũng sẽ chọn ra HLV tiêu biểu, VĐV và HLV khuyết tật tiêu biểu dựa trên danh sách đề cử. 


Hoàng Tâm

Bạn có thể quan tâm