Mọi chuyện bắt đầu với đoạn video ghi lại cảnh 4 người đàn ông đang vùng vẫy trong các đợt sóng biển. Những người này không hề có áo phao và bị vài chiếc tàu đánh cá lớn vây quanh. Điều bất thường là không ai có ý định cứu họ ra khỏi dòng nước chảy xiết.
Trong đoạn video, một giọng nói tiếng Trung Quốc bất ngờ vang lên: “Đằng trước, bên trái. Đang làm gì đấy?”, tiếp đó là “Bắn! Bắn! Bắn đi”. Chỉ vài giây sau, hàng loạt viên đạn găm thẳng vào một trong 4 nạn nhân. Cơ thể người này trở nên bất động khi dòng máu nóng nhuộm đỏ vùng nước xung quanh. Sau đó, các thuyền viên, những người ghi lại đoạn video, cười cợt và chụp ảnh tạo dáng.
Đoạn video, được lan truyền trên mạng xã hội suốt nhiều năm qua, đã hé lộ một vụ việc kinh hoàng tại vùng biển Ấn Độ Dương vào năm 2012. Trong đó, ít nhất 4 người đàn ông đã bị sát hại một cách dã man.
Sau hơn 7 năm, giới chức Đài Loan mới bắt giữ được một nghi phạm 43 tuổi mang quốc tịch Trung Quốc. Các điều tra viên nhận định nghi phạm chính là người đã ra lệnh “Bắn” trong đoạn video. Từ manh mối này, họ hy vọng sẽ làm sáng tỏ phần còn lại của vụ án mạng tàn nhẫn năm 2012.
Lật lại vụ án năm 2012
Năm 2014, các nhà chức trách lần đầu phát hiện ra đoạn video ghi lại vụ án mạng trên biển. Cụ thể, đoạn phim được lưu trữ trong một chiếc điện thoại di động, vốn bị bỏ quên trong xe taxi ở đảo Fiji.
Sau đó, công ty nghiên cứu tội phạm hàng hải Trygg Mat Tracking của Na Uy đã so sánh hình ảnh trong đoạn video với cơ sở dữ liệu sẵn có. Bằng phương pháp này, họ xác định được tàu Ping Shin 101 và tàu Chun I 628 là hai phương tiện có liên quan đến vụ việc.
Các điều tra viên tiếp tục tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội và kết nối được với một vài thuyền viên của tàu Ping Shin 101. Trong số đó, hai thuyền viên người Philippines, ông Aldrin và ông Maximo, đã tận mắt chứng kiến vụ giết người năm 2012.
Ông Aldrin là một đầu bếp trên tàu Ping Shin 101. Ảnh: Washington Post. |
Riêng ông Maximo cũng xuất hiện trong đoạn video ghi lại vụ giết người. Lúc này, thuyền viên Maximo mặc áo phông màu xanh, tươi cười chụp ảnh tạo dáng sau khi ghi hình vụ việc. Cả hai nhân chứng đều đã tiết lộ chi tiết vụ án cũng như tên của thuyền trưởng tàu Ping Shin, Wang Feng Yu.
Theo lời khai của Aldrin và Maximo với điều tra viên Karsten Von Hoesslin, tàu Ping Shin 101 ra khơi đánh cá tại vùng biển Ấn Độ Dương hồi tháng 8/2012. Khi đến khu vực nằm giữa Somali và Seychelles, tàu Ping Shin 101 nhận được cảnh báo trên sóng radio rằng một con tàu ở gần đó đã bị cướp biển tấn công.
Họ nghe được tiếng la hét và biết rằng những tên cướp biển không có vũ khí. Trước tình hình này, thuyền trưởng của tàu Ping Shin 101, ông Wang Feng Yu đã ra lệnh cho các thuyền viên nổ súng vào con tàu bị nghi có cướp biển, tàu Chun I 628.
Để tự vệ, vài người đàn ông trên tàu Chun I 628 đã nhảy xuống biển và thanh minh họ không phải là mối đe dọa. “Không phải Somalia. Không phải cướp biển”, những người này la hét.
Song tình hình vẫn diễn biến xấu giống như trong đoạn video: 4 người đàn ông ở tàu Chun I 628 đã bị sát hại ngay trên biển. Ngoài ra, ông Aldrin và ông Maximo còn tiết lộ hơn 10 người khác cũng trúng đạn.
Theo các nhân chứng, 4 nạn nhân trong đoạn video có vẻ không phải là cướp biển. “Họ không có súng, chỉ có đồ nghề đánh cá trên thuyền”, ông Maximo nói. “Điều này là sai trái, có nhiều người bị bắn hạ. Nhưng tôi không thể làm gì vào lúc ấy”.
Ông Aldrin tiết lộ đây không phải là lần đầu tàu Ping Shin tham gia vào một vụ đụng độ đẫm máu. Trước đó một tuần, tàu Ping Shin cũng chủ động tấn công một con tàu khác vì nghi tàu này “bị cướp biển tấn công”. Trong sự việc, thuyền viên tàu Ping Shin đã nổ súng và sát hại những người trên con tàu còn lại.
Một tàu cá Trung Quốc neo đậu tải bến cảng. Ảnh: FIS. |
Trải qua nhiều thủ tục khó khăn với các bên liên quan, giới chức Đài Loan hồi tháng 12/2018 đã ban hành lệnh bắt giữ đối với thuyền trưởng tàu Ping Shin 101, ông Wang Feng Yu. Mãi đến tháng 8 năm nay, lực lượng tuần duyên mới bắt được nghi phạm Wang khi ông này đưa tàu cập bến cảng Cao Hùng. Ông Wang đang bị giam giữ để phục vụ quá trình điều tra.
“Sau khi bắt giữ thuyền trưởng, chúng tôi sẽ tiếp tục thẩm vấn để làm rõ những cá nhân khác có liên quan”, ông Tseng Ching-ya, phát ngôn viên của Văn phòng Công tố Cao Hùng cho biết.
Theo ông Hsu Hung-Ju, phó phòng công tố Cao Hùng, các cuộc điều tra tương tự thường kéo dài từ 6 đến 8 tháng. Ông Hsu từ chối tiết lộ danh tính luật sư của nghi phạm Wang, đồng thời giữ kín thông tin thẩm vấn nhân chứng.
Tội phạm hàng hải
Trên thực tế, nạn cướp biển thường bị lợi dụng làm “cái cớ” để che giấu những hành vi phạm tội khác, dẫn nhận định của nhiều chuyên gia phân tích an ninh hàng hải. Do đó, trong vụ án mạng năm 2012, các nạn nhân có thể chỉ là thuyền viên, có thể là ngư dân vùng lân cận và cũng có thể là một nhóm cướp biển thực thụ.
Ông Klaus Luhta, phó chủ tịch Tổ chức Quốc tế về Thuyền viên, cho biết: “Cảnh sát có mặt kịp thời là điều gần như bất khả thi trên biển. Do đó, những người đi biển thường tự xử lý vấn đề của mình, giống như trong trường hợp này”.
Maximo là thuyền viên người Philippines trên tàu Ping Shin 101. Ảnh: Washington Post. |
“Dù đây là một vụ thanh trừng nhân danh công lý hay là một vụ sát hại không rõ lý do, chúng tôi vẫn đánh giá đây là một vụ giết người tàn bạo trên biển”, ông Luhta nhận xét. Cũng theo chuyên gia Luhta, nhiều vụ án tương tự sẽ còn tiếp diễn nếu các quốc gia, các tổ chức không cải thiện năng lực quản lý an ninh hàng hải.
Nhà sử học Claude Berube của Học viện Hải quân Mỹ cho rằng các nước phải chú trọng vào việc giải quyết sai phạm trên biển. Theo ông Berube, nếu tội phạm hàng hải không bị trừng phạt thích đáng, nhiều đơn vị và thế lực trên biển sẽ không ngại “chơi xấu” để giành lợi thế cạnh tranh.
“Công chúng nên quan tâm hơn đến tội phạm hàng hải vì những sai phạm này không chỉ tồn tại trên biển”, chuyên gia Berube cảnh báo. “Các tổ chức tội phạm hàng hải có thể mở rộng hoạt động trên đất liền, gây ảnh hưởng đến cuộc sống và nền kinh tế”.