Tổng thống Obama bắt tay thanh niên ASEAN tại buổi giao lưu với đại biểu YSEALI chiều 7/9. Ảnh: C.T. |
Trong lần gặp đại biểu YSEALI tại Lào, ông Obama tỏ ra muốn công bằng nên lựa chọn người đặt câu hỏi theo từng quốc gia. Đại biểu đoàn Việt Nam được tổng thống gọi đặt câu hỏi là anh Phạm Duy Khương (Hà Nội).
“Khi đó tôi cứ giơ tay thôi chứ không nghĩ là mình sẽ được gọi. Bản thân cũng cố gắng giương phù hiệu quốc kỳ gắn trên áo, mong ông nhận ra mình là người Việt Nam. Và có thể tổng thống đã nhận ra thật”, Duy Khương kể.
Phạm Duy Khương đặt câu hỏi cho Tổng thống Obama. Ảnh: C.T. |
Tuy nhiên, anh cho biết cảm giác ngay sau khi được tổng thống chỉ định nêu câu hỏi là "run và giật mình, còn hiện tại thì vẫn cảm thấy lâng lâng”.
"Tổng thống Obama là thần tượng của rất nhiều người, nên hôm nay tôi vô cùng may mắn khi không chỉ được gặp mà còn được nói chuyện cùng ông”, Khương nói.
Duy Khương đặt câu hỏi cho Tổng thống Obama về khả năng quốc hội Mỹ thông qua TPP hay không. Nói về câu trả lời của ông chủ Nhà Trắng, Khương cho rằng đó là tất cả những gì tổng thống có thể trả lời chúng ta vào thời điểm này.
"Vì lĩnh vực nghề nghiệp của tôi là luật sỏ hữu trí tuệ, nên tôi rất quan tâm chuyện TPP được thông qua hay không. Nay tổng thống đã trấn an lo lắng của tôi rằng TPP sẽ được thông qua nhưng quá trình này chỉ phải trì hoãn vì nhiều lý do”, Khương nói.
Tổng thống Obama giao lưu cùng đại biểu thanh niên các nước ASEAN chiều ngày 7/9 tại Lào. Ảnh: C.T. |
Chàng luật sư trẻ đánh giá phần giao lưu của tổng thống hài hoà và mang tính gắn kết đại biểu các nước. “Như chuyện ô nhiễm môi trường và phát triển bền vững do bạn từ Philippines đặt ra, nhưng khi trả lời thì ông cũng lồng ghép tình hình ở một quốc gia khác. Các câu trả lời của ông đã khái quát được tình hình nhiều nước”.
Trước khi chào tạm biệt các đại biểu YSEALI, Tổng thống Obama dành nhiều thời gian đến từng dãy khán đài để bắt tay với những bạn trẻ tham dự. Trần Ngọc Thanh Huyền (đại biểu từ TP HCM) và cô bạn kế bên đã may mắn được bắt tay cùng ông. “Cảm giác được bắt tay Tổng thống Obama rất là vui sướng và hạnh phúc. Đây chính là cơ hội có một không hai”, Thanh Huyền nhớ lại.
Trần Ngọc Thanh Huyền (áo dài hồng, thứ 3 từ phải qua) bắt tay chào tạm biệt Tổng thống Obama. Ảnh: C.T. |
Theo Thanh Huyền, bài phát biểu và các câu trả lời của Tổng thống Obama luôn tràn đầy năng lượng và ý nghĩa, để truyền cảm hứng cho người nghe. “Thời gian chỉ khoảng một tiếng nhưng càng nghe những điều mà tổng thống chia sẻ thì bản thân càng cảm thấy thôi thúc, muốn phải bắt tay ngay vào làm điều gì có ích cho xã hội”.
Cô bạn ấn tượng nhất về kết luận của tổng thống về việc lựa chọn một thái độ sống tích cực. “Tổng thống đã chỉ ra rằng chúng ta dễ bị ám ảnh bởi một thế giới đầy rẫy thông tin tiêu cực. Nhưng mọi người thường quên rằng cuộc sống ngày nay đã được cải thiện đáng kể, cuộc sống con người đã tốt hơn, do vậy tổng thống nhắn nhủ rằng chúng ta cần phải biết trân trọng những điều đang có trong cuộc sống”, Thanh Huyền nói.
Buổi đối thoại giữa đại biểu thanh niên Đông Nam Á với tổng thống Mỹ diễn ra tại Luang Prabang, Lào và có sự tham dự của hơn 180 bạn trẻ từ các nước trong khu vực, bao gồm 21 đại diện của Việt Nam.
Sáng kiến Lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (YSEALI) do Tổng thống Obama công bố hồi năm 2013, nhằm kết nối cộng đồng thanh niên của các nước trong một khu vực quan trọng đối với chính sách "tái cân bằng" hướng về châu Á của ông Obama.
Trong hơn 2 năm qua, nhà lãnh đạo Mỹ thể hiện tâm huyết với chương trình qua 6 buổi gặp giới trẻ các nước, bao gồm các sự kiện ở Việt Nam hồi tháng 5 và tại Lào hôm nay 7/9.