Bắt tạm giam chủ tịch Công ty chứng khoán SME
Ông Phan Huy Chí (37 tuổi) - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty chứng khoán SME và ông Phạm Minh Tuấn (38 tuổi) - Phó chủ tịch vừa bị bắt tạm giam vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tháng 4/2010, Công ty cổ phần Bảo hiểm dầu khí VN (PVI) ký hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán với ông Hoàng Ngọc Anh (Hà Nội) và Công ty SME có giá trị hơn 168 tỉ đồng. Theo đó, PVI góp 40% (49 tỉ đồng), ông Hoàng Ngọc Anh góp 60% (119 tỉ đồng) bằng số dư các mã chứng khoán trên tài khoản giao dịch, PVI được hưởng lợi nhuận 13%/năm.
Chủ tịch Chứng khoán SME có bằng Thạc sĩ luật chuyên ngành kinh tế |
Ngoài ra, PVI cũng ký một hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán với Công ty cổ phần tư vấn Anh và Công ty SME với giá trị hợp đồng trên 198 tỉ đồng, trong đó PVI góp 40% (gần 59 tỉ đồng) và được hưởng lợi nhuận 13%/năm. PVI đã chuyển tiền vào tài khoản của Công ty SME để thực hiện hai hợp đồng trên với tổng số tiền gần 108 tỉ đồng.
Theo thỏa thuận, Công ty SME có nhiệm vụ cung cấp thông tin về khách hàng là Công ty cổ phần tư vấn Anh và ông Hoàng Ngọc Anh, chịu trách nhiệm phong tỏa toàn bộ chứng khoán hợp tác đầu tư, bán theo yêu cầu của PVI... Tuy nhiên, Công ty SME đã đưa ra những thông tin không chính xác để lừa dối PVI. Bản thân ông Hoàng Ngọc Anh không đầu tư chứng khoán và chữ ký trên hợp đồng cùng các giấy tờ liên quan là giả mạo;
Công ty cổ phần tư vấn Anh thực chất là thành viên của Công ty SME, được ông Phạm Minh Tuấn - Phó chủ tịch HĐQT chỉ đạo ký hợp đồng với PVI. Đến tháng 4-2011, thời điểm tất toán hợp đồng, Công ty SME chỉ mới chuyển trả cho PVI hơn 65 tỉ đồng, vẫn nợ gốc 57 tỉ đồng.
Cơ quan điều tra xác định số tiền này đã bị SME chiếm đoạt nên khởi tố và bắt tạm giam các bị can để điều tra làm rõ.
Theo thông tin từ SME, ông Phan Huy Chí là thạc sỹ chuyên ngành Luật Kinh tế, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý - Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam... Còn ông Phạm Minh Tuấn từng giữ vị trí Trưởng phòng Quản lý tài chính của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ông Tuấn tốt nghiệp Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ và Thạc sỹ Kinh tế Đại học Libre de Bruxelles (Solvay Business School - Bỉ).
Báo cáo tài chính mà SME công bố gần nhất là quý 3/2011. Mặc dù SME đã xin gia hạn nộp báo cáo tài chính quý 4/2011 nhưng đã không được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội chấp thuận.
Theo báo cáo tài chính quý 3/2011, SME lỗ 6 tỷ đồng và lỗ lũy kế gần 23 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đến cuối quý 3 còn 203,5 tỷ đồng, trong đó vốn góp của chủ sở hữu là 225 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn của SME là gần 667 tỷ đồng.
Việc SME không công bố báo cáo tài chính đầy đủ cùng với việc công ty chứng khoán này gần như ngừng hoạt động khiến có những phỏng đoán cho rằng, còn nhiều chủ nợ vẫn chưa đòi được tiền từ SME, bởi báo cáo tài chính quý 3/2011 cho thấy công ty này vẫn nợ gần 600 tỷ đồng.
Theo Tuổi trẻ - Vneconomy