Trao đổi với Zing.vn, luật sư Phạm Huỳnh (Trưởng văn phòng luật sư Tâm Đức) cho biết: “Tôi sẵn sàng tranh luận đến cùng về việc chấn thương của cầu thủ Anh Khoa là một dạng rủi ro trong thi đấu thể thao”.
Theo ông Huỳnh, một khi đã là rủi ro trong thi đấu, không thể áp dụng quy định của bản án dân sự với trường hợp trung vệ Ngọc Hải, thông qua việc cầu thủ này phải chi trả toàn bộ chi phí điều trị chấn thương của Anh Khoa.
Theo quyết định kỷ luật của VFF, trung vệ Ngọc Hải bị treo giò 6 tháng và phải chi trả toàn bộ chi phí điều trị cho cầu thủ Anh Khoa. Ảnh: Nguyễn Đăng |
Trưởng văn phòng luật sư Tâm Đức phát biểu: “Nói cho dễ hiểu, nếu không may xảy ra tai nạn giao thông, bên sai phải bồi thường cho bên chịu thiệt hại. Đó là án dân sự. Còn vụ việc của Ngọc Hải là lĩnh vực đặc thù, chấn thương có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Người tham gia lĩnh vực đó hiểu và chấp nhận rủi ro của nghề nghiệp họ theo đuổi”.
Xung quanh những tranh cãi trong việc Ngọc Hải phải trả toàn bộ viện phí cho Anh Khoa, điều không được các nước trên thế giới áp dụng, Trưởng ban kỷ luật VFF Nguyễn Hải Hường lý giải: "Luật là do con người đưa ra. Chúng tôi áp dụng điều này vì nó phù hợp với điều kiện của Việt Nam".
Theo ông Hường, điều này đã được đưa vào Quy định kỷ luật VFF và trước đó đã xin ý kiến của các CLB, đồng thời nhận được sự đồng ý của tất cả đội bóng. Trong những sửa đổi sau này, không có đội bóng nào phản đối quy định trên.
Vì vậy, luật sư Phạm Huỳnh khẳng định, việc bắt cầu thủ gây ra chấn thương phải bồi hoàn toàn bộ chi phí điều trị là điều vô lý. “Đó là trách nhiệm của cơ quan chủ quản, đơn vị tổ chức giải đấu và cơ quan bảo hiểm”, ông Huỳnh nói.
Luật sư Phạm Huỳnh cho rằng, chỉ ở Việt Nam, những tai nạn trong thể thao mới bị xử lý theo màu sắc của án dân sự. Trên thế giới, có những trường hợp va chạm dẫn đến chấn thương rất nặng, nhưng không ai, đội bóng nào đặt ra yêu cầu bồi hoàn chi phí điều trị.
Ví dụ gần nhất của điều này là trường hợp hậu vệ Luke Shaw (M.U) bị gãy chân sau pha vào bóng của Hector Moreno (PSV Eindhoven), nhưng không ai đặt ra vấn đề “thủ phạm” phải bồi thường cho nạn nhân.
Mặt khác, chính điều 39 (Hành vi xâm phạm thân thể) trong quy định kỷ luật của VFF cũng có nhiều điểm không rõ ràng. Khung hình phạt chỉ nêu mức án tối thiểu là treo giò 3 trận, phạt tiền 10 triệu đồng, song mức án tối đa là… vô biên.
Vì lý do này, chuyên gia Vũ Mạnh Hải nhận xét, cầu thủ Việt Nam luôn đứng ở thế yếu trong các phán quyết của VFF và không có ai bảo vệ cho quyền lợi chính đáng của họ. Theo ông Hải, đã đến lúc cần phải ra đời hiệp hội cầu thủ ở Việt Nam để đại diện cho một nghề nghiệp được xã hội công nhận.