Sách "Bùa chú" mới xuất bản. Ảnh: NN. |
Tác phẩm Bùa chú của tác giả Trần Lang vừa được Nhà xuất bản Thế giới liên kết với Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam ấn hành.
Theo lời của đơn vị xuất bản, bùa chú, phù thuật là một dạng tín ngưỡng dân gian cổ truyền của người Việt bắt nguồn từ Đạo giáo Trung Hoa, và "có lẽ Bùa chú của Trần Lang là một cuốn sách hiếm hoi của người Việt tuyển tập sơ lược các dạng bùa cơ bản mà người Việt hay dùng". Ấn bản này được in lại theo bản in năm 1939 của Mai Lĩnh.
Trong bản in mới nhất, không có thông tin thêm nào khác về tác giả Trần Lang. Chúng tôi tìm về bản in Bùa chú đầu tiên năm 1939, thấy ở phần Lời nói đầu, tác giả Trần Lang có giới thiệu làm việc "trong bộ biên tập báo Khoa học huyền bí". Ngoài ra không có thông tin gì thêm.
Bùa chú của Trần Lang, được ghi là số đặc biệt của Tiểu thuyết nhật báo số 268, ra ngày 29/9/1939. Ảnh: Đình Ba. |
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết Trần Lang còn là tác giả của một số tác phẩm Bịp đời (1939), Thụ thai theo ý muốn (1940) cũng do nhà in Mai Lĩnh thực hiện. Vậy, Trần Lang là ai mà thân thế, tiểu sử mù mịt thế dù có một số tác phẩm được thực hiện tại đơn vị in ấn, xuất bản nổi tiếng Mai Lĩnh trước 1945?
Nhớ khi thực hiện tác phẩm Đằng sau mặt báo - Hồi ký chân dung báo chí Việt buổi đầu đến 1945, chúng tôi có đề cập đến tờ Tiểu thuyết nhật báo của nhà Mai Lĩnh, và trong đó cũng có Trần Lang. Liên hệ với Hồi ký Phạm Cao Củng (Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Nhã Nam, 2012) thì Trần Lang, chính là một bút hiệu của nhà văn trinh thám Phạm Cao Củng.
Phạm Cao Củng nổi tiếng với những tác phẩm văn học trinh thám, là cha đẻ của nhân vật thám tử Kỳ Phát nổi tiếng trong các tác phẩm Đám cưới Kỳ Phát, Kỳ Phát giết người, Bóng người áo tím... Nhưng không chỉ thế, ông còn viết cả truyện kiếm hiệp, sách khoa học huyền bí như lời tâm sự trong hồi ký.
Trên Tiểu thuyết nhật báo số 268 (số đặc biệt), ra ngày 29/9/1939 đăng Bùa chú của Trần Lang. Tiểu thuyết nhật báo số 296 (số đặc biệt), ra ngày 26/12/1939 đăng phóng sự khảo cứu Bịp đời cũng của Trần Lang. Hai số trên toàn bàn chuyện khoa học huyền bí liên quan đến những thuật như thôi miên, yểm bùa, gọi hồn…
Viết khoa học huyền bí thì Phạm Cao Củng lấy bút hiệu Trần Lang, còn viết truyện kiếm hiệp Tàu giả thì mang bút hiệu Văn Tuyền. Bút hiệu Trần Lang được chính nhà văn trinh thám xác nhận trong Hồi ký Phạm Cao Củng của ông khi đề cập đến việc viết các thể loại: "Mười mấy cuốn khảo cứu khoa học thực hành và khoa học huyền bí (bút hiệu Trần Lang)".
Nhà văn trinh thám Phạm Cao Củng và vợ. Ảnh: TL. |
Như vậy, tác giả Trần Lang của sách Bùa chú, không ai khác, chính là nhà văn trinh thám nổi tiếng Phạm Cao Củng, người được sách Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan khen về tài viết truyện trinh thám "Trong các tiểu thuyết trinh thám của Thế Lữ, Bùi Huy Phồn và Phạm Cao Củng, chỉ có tiểu thuyết của Phạm Cao Củng là có phần đặc sắc hơn!".