Quốc gia Tonga ở Nam Thái Bình Dương đang náo động sau khi cuộc thi sắc đẹp hàng năm của họ bị hủy hoại bởi những cáo buộc bắt nạt, đâm sau lưng và phân biệt chủng tộc.
Cuộc thi Hoa hậu Heilala của đất nước rơi vào hỗn loạn vào ngày 5/7 khi người chiến thắng bị ngắt micro giữa bài phát biểu và một phụ nữ khác cho biết cô bị miệt thị chủng tộc khi đọc bài phát biểu quan trọng.
Tại sự kiện thường niên, nơi một cô gái trẻ đăng quang Hoa hậu Heilala và trở thành ứng viên của Tonga cho cuộc thi Hoa hậu Nam Thái Bình Dương, người chiến thắng đã đưa ra bài phát biểu kể chi tiết về các cáo buộc bắt nạt và thiếu sự hỗ trợ từ ban tổ chức cuộc thi trong năm ngoái đã khiến cô "bị nghiền nát".
Bị lừa dối, đâm sau lưng và ngược đãi
Kalo Funganitao, một sinh viên luật tại Đại học Auckland, cho biết cô và mẹ cô đã "bị lừa, nói dối, đâm sau lưng và nói chung là ngược đãi" trong nhiệm kỳ của mình, mặc dù cô không nói rõ chính xác những gì đã xảy ra với mình.
Ngay sau khi cô bắt đầu chỉ trích cuộc thi, micro của Funganitao bị ngắt và nhạc được mở lớn ở đầu bài phát biểu của cô. Funganitao hét lên: "Tôi chưa nói xong!" và tiếp tục nói, khi mẹ và anh trai lên sân khấu cùng cô.
"Như vậy là quá đủ và tôi sẽ không tha thứ cho bất kỳ sự giả dối nào nữa! Nếu các người có can đảm tấn công một người theo cách hèn nhát như vậy, thì các người có thể đối mặt hậu quả khi cô ấy chia sẻ trải nghiệm của mình với toàn thế giới!", cô nói.
Hoa hậu Heilala 2018 Kalo Funganitao lên án các quan chức cuộc thi vì bị "hành hạ và bắt nạt" trong thời gian đăng quang. Ảnh: RNZ. |
Một tuyên bố được đưa ra thay mặt cho Hiệp hội Du lịch Tonga cho biết họ thấy "tiếc" khi Funganitao "chọn công khai những mối lo ngại được che giấu trong năm qua".
Cảnh giận dữ của Funganitao không phải là khoảnh khắc kịch tính duy nhất trong đêm. Khách mời đặc biệt tại sự kiện, Leoshina Mercy Kariha, người đã giành chiến thắng trong cuộc thi Hoa hậu Nam Thái Bình Dương vào tháng 12/2018, cho biết cô bị một người trong đám đông miệt thị chủng tộc khi đọc bài phát biểu quan trọng.
Trong khi Kariha, người đến từ Papua New Guinea, đang phát biểu, một người trong đám đông đã hét lên rằng cô là người "da đen, xấu xí và ghê tởm".
Trong một tuyên bố sau sự kiện này, Kariha xác nhận rằng "lời bình luận được đưa ra bởi một cá nhân trong khu vực VIP - và đó là điều không đẹp đẽ gì". Nhưng cô nói rằng từ khi đến Tonga, cô đã được đối xử với sự nâng niu và trân trọng.
Nạn bắt nạt, quấy rối trong các cuộc thi sắc đẹp
Nhà tổ chức sự kiện và Hiệp hội Du lịch Tonga cho biết trong một tuyên bố: "Phản ứng bị cho là bắt nạt và phân biệt chủng tộc của khán giả đối với bài phát biểu từ Hoa hậu Quần đảo Thái Bình Dương, cũng như của cựu Hoa hậu Heilala là rất đáng tiếc" và nói thêm rằng họ "không tha thứ bất kỳ hình thức nào của bắt nạt hoặc phân biệt chủng tộc và rất coi trọng cáo buộc này".
Các nhà lãnh đạo nữ quyền từ khắp Thái Bình Dương cho biết cần phải xem xét lại toàn bộ ngành công nghiệp tổ chức cuộc thi sắc đẹp.
"Toàn bộ vấn đề bắt nạt, quấy rối tình dục đã xảy ra trong suốt lịch sử của các cuộc thi", Shamima Ali, giám đốc Trung tâm Khủng hoảng Phụ nữ Fiji, nói với Guardian.
Người chiến thắng Hoa hậu Heilala 2019 đăng quang ngay sau khi Kalo Funganitao rời khỏi sân khấu. Ảnh: Instagram. |
Cô Ali cho biết các cuộc thi khuyến khích việc bình phẩm phụ nữ và có nhiều cách khác để thúc đẩy nữ quyền mà không cần để phụ nữ cạnh tranh với nhau trong cuộc thi sắc đẹp.
"Toàn bộ quan điểm về cái đẹp, đó là quan điểm về vẻ đẹp phương Tây. Phụ nữ Thái Bình Dương không có hông lớn, ngực lớn và có màu da khác. Những phụ nữ da trắng với thân hình thon thả, tóc thẳng và trang điểm cầu kì thường được ưa thích hơn, đó không phải là quan điểm về cái đẹp ở Thái Bình Dương", cô nói.
Betty Blake, giám đốc của tổ chức phi chính phủ Ma’a Fafine Moe Famili Tonga, cho biết cuộc thi sắc đẹp đã qua thời đỉnh cao.
"Nó đã hết thời, chúng ta không nên tổ chức nữa. Với tư cách nhà hoạt động vì bình đẳng giới, tôi cho rằng nó không công bằng, nó không đối xử đúng mực với các cô gái, không nâng niu và trân trọng họ. Nếu nhìn vào đó, bạn sẽ thấy đó là kiểu chương trình khai thác các cô gái trẻ nhưng theo cách được mọi người chấp nhận", cô nói.
Cả Blake và Ali đều cho rằng có những vấn đề lớn mà phụ nữ ở các quốc gia Thái Bình Dương, nơi có tỷ lệ bạo lực gia đình cao nhất thế giới, phải đối mặt. Đây nên là trọng tâm của các hoạt động giới, thay vì các cuộc thi.
"Có nhiều vấn đề quan trọng hơn. Đã đến lúc chấm dứt những cuộc thi kiểu này", Ali nói.