Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

10 tháng đẫm nước mắt của cô dâu Indonesia bị lừa sang Trung Quốc

Monika được hứa sẽ có cuộc sống tốt, khoản trợ cấp và tiền cho gia đình nếu cô kết hôn với người đàn ông từ Trung Quốc nhưng cô gái 23 tuổi sớm phát hiện mình bị lừa.

Khi Monika, cô gái Indonesia 23 tuổi đến từ tỉnh West Kalimantan, được giới thiệu với người mai mối vào năm ngoái, bà này đã hứa với cô cuộc sống tốt đẹp khi trở thành vợ của một người đàn ông Trung Quốc. Cô không ngờ nó sẽ đánh dấu sự khởi đầu của 10 tháng đầy hỗn loạn.

Cô nhận 17 triệu rupiah (1.200 USD) khi kết hôn với người đàn ông 28 tuổi nhưng kể anh ta đánh đập cô vì từ chối quan hệ tình dục, trong khi mẹ chồng hành hạ cô về thể xác và tinh thần tại nhà riêng ở tỉnh Hà Bắc, cách Bắc Kinh 122 km về phía đông bắc.

buon ban co dau sang Trung Quoc anh 1
Hàng chục phụ nữ Indonesia đã bị lừa kết hôn và lao động không được trả lương ở Trung Quốc trong năm qua. Ảnh: Shutterstock.

Theo Liên đoàn Lao động Di cư Indonesia, người phụ nữ có làn da trắng, nhỏ nhắn là một trong 29 người Indonesia bị lừa kết hôn và lao động không được trả lương ở Trung Quốc do buôn bán người trong vòng một năm qua.

Câu chuyện của họ thêm vào câu chuyện của hàng nghìn phụ nữ khác từ khắp Đông Nam Á và Nam Á, những người cũng bị lừa đảo tương tự.

Lời hứa hão huyền

Trong tháng 6, Trung Quốc cho biết họ đã giải cứu 1.147 nạn nhân nước ngoài vì buôn người, trong đó có 17 trẻ em đến từ các quốc gia bao gồm Myanmar, Campuchia, Lào, Việt Nam và Thái Lan.

Theo South China Morning Post, tổng cộng, có 1.332 nghi phạm bị giam giữ với cáo buộc tổ chức 126 cuộc hôn nhân lừa đảo, lấy thị thực kết hôn, lao động hoặc du lịch giả mạo, như trường hợp của Monika, để đưa nạn nhân vào nước này.

Monika cho biết cô vừa học xong những năm đầu cấp hai. Cô không nói tiếng Anh hay tiếng Trung Quốc mà chỉ nói tiếng Indonesia. 

buon ban co dau sang Trung Quoc anh 2
Monika, cô gái Indonesia 23 tuổi bị lừa sang Trung Quốc. Ảnh: South China Morning Post.

"Người mai mối nói rằng tôi sẽ có cuộc sống tốt ở Trung Quốc, tôi có thể gửi tiền cho bố mẹ và chồng tôi sẽ cho tôi một khoản trợ cấp. Bà ấy cũng nói rằng tôi có thể trở về thăm nhà và thăm bố mẹ bất cứ lúc nào", cô nói. 

Sau cuộc gặp gỡ đầu tiên của họ, Monika quyết định chấp nhận lời đề nghị mai mối và đến thành phố Singkawang, cách quê nhà của cô khoảng 150km, vài ngày sau đó.

Ở đó, cô gặp hai người đàn ông từ Trung Quốc và được yêu cầu chọn một người làm chồng tương lai. Cô đã chọn người đàn ông trẻ hơn, 28 tuổi. Họ đã dành hai giờ nói chuyện với nhau với sự trợ giúp của người phiên dịch.

Ngày hôm sau, họ gặp nhau tại một thẩm mỹ viện nơi cô được tân trang. Cặp đôi trao nhẫn, ký giấy kết hôn bằng tiếng Indonesia và tiếng Trung và chụp ảnh.

Cô nhận được 18 triệu rupiah làm của hồi môn, với 1 triệu trong đó được gửi đến người mai mối. Một tuần sau, cô lên máy bay sang Trung Quốc.

Monika nói rằng mặc dù đã ký các giấy tờ, cô chỉ nghĩ rằng mình đã đính hôn và một đám cưới sẽ diễn ra.

Nhưng một khi cô chuyển đến nhà chồng, cô nhận ra mình đã bị lừa. Chồng cô không kiếm được 10 triệu rupiah mỗi tháng như người ta nói mà kiếm được ít hơn rất nhiều với công việc của một công nhân xây dựng.

Mỗi ngày, từ 7h sáng đến 7h tối, cô buộc phải làm hoa giấy cho mẹ chồng bán. Người phụ nữ lớn tuổi đã trừng phạt vì thấy cô giấu thức ăn và không cho Monika dùng mạng, khiến cô không thể liên lạc với gia đình và bạn bè.

Trong 10 tháng, cô sống ở Trung Quốc bằng visa du lịch với hộ chiếu và tất cả tiền lương bị mẹ chồng giữ. Một lần, giữa mùa đông, cô buộc phải ngủ ngoài trời sau khi hỏi khi nào cô được phép về thăm nhà.

Cuộc sống hôn nhân đáng sợ

"Mẹ chồng tôi là một người đáng sợ, giờ tôi vẫn còn sốc khi nghĩ về bà. Chỉ cần nhìn thấy bà từ xa là đủ để làm tôi khiếp sợ", Monika nói.

Cuối cùng cô đã trốn thoát bằng cách gọi một chiếc taxi đến đồn cảnh sát địa phương sau khi học cách nói rằng cô muốn đến đó bằng tiếng Quan Thoại từ một người bạn trực tuyến.

Nhân viên ở quầy lễ tân cho cô mượn điện thoại để gọi cho đại sứ quán Indonesia ở Bắc Kinh. 

Oky Wiratama, luật sư tại Viện Trợ giúp Pháp lý có trụ sở tại Jakarta, mô tả những gì đã xảy ra với Monika "rõ ràng" là buôn bán người.

"Những người phụ nữ này được tuyển dụng với lời hứa về một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và các mục tiêu là những người phụ nữ kém may mắn. Khi nạn nhân đến Trung Quốc, họ bị bóc lột, số tiền đã hứa với gia đình họ ở Indonesia không được chuyển đi và họ không được nhận bất kỳ khoản tiền nào cả", ông nói.

Đầu tháng này, sau khi được báo cáo về vụ việc của Monika, cảnh sát đã đột kích vào một ngôi nhà ở Pontianak được cho là của người quản lý những người mai mối. 

buon ban co dau sang Trung Quoc anh 3
Nghi phạm Trung Quốc bị bắt ở Pakistan vì dụ dỗ các cô gái trẻ vào các cuộc hôn nhân giả ở Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Chiến dịch đã phát hiện thêm 60 phụ nữ chuẩn bị bay sang Trung Quốc và kết hôn với những người đàn ông đã trả tới 400 triệu rupiah (28.276 USD) mỗi người - phần lớn trong số đó đã đến gặp người mai mối, theo Viện Trợ giúp Pháp lý.

Hôm 22/6, Monika đã trở lại Jakarta, sau những gì cô mô tả là 10 tháng "đẫm nước mắt". Cuộc hôn nhân của cô đã bị hủy bỏ.

"Tôi rất nhẹ nhõm vì tôi chưa có con với anh ta, chuyện gì sẽ xảy ra với những đứa con của tôi nếu bố chúng là một người đánh vợ và bà của chúng ngược đãi con dâu?", cô nói.

"Tôi đã rất chán nản ở Trung Quốc đến nỗi biến thành người điên, tôi đã khóc mỗi ngày cho đến nửa đêm. Bây giờ tôi chỉ muốn có một công việc để giúp anh chị em của tôi tới trường. Hôn nhân là điều xa vời nhất trong tâm trí tôi", cô bày tỏ.

Tội phạm gốc Việt lợi dụng lỗ hổng luật Anh, vào trại trẻ rồi bỏ trốn

Khi Kim Thien Tran đến thị trấn Milton Keynes, cách London 80 km về phía tây bắc, vào năm 2017, cô thuộc lòng câu trả lời trước cảnh sát di trú: “Tôi 16 tuổi và tôi bị buôn bán”.

Cô dâu Pakistan bị cha mẹ ép gả sang TQ qua các đường dây buôn người

Đường dây buôn bán cô dâu Pakistan sang Trung Quốc hoạt động mạnh hơn trong một năm nay, cho thấy đàn ông Trung Quốc ngày càng đi xa hơn tìm vợ do sự thiếu hụt phụ nữ ở nước này.



Tuyết Mai

Theo South China Morning Post

Bạn có thể quan tâm