Đầu tư bất động sản cần kinh nghiệm và bản lĩnh thương trường. Ảnh: V.C. |
Cho dù chưa muốn kết hôn, tôi vẫn thích tự lập khi đến tuổi trưởng thành và sống trong một căn hộ sạch sẽ đầy tiện nghi ở Seoul. Tôi tính toán, cho dù tôi có ki cóp bao nhiêu đi nữa thì số tiền tiết kiệm được cũng chẳng có bao nhiêu. Một hiện thực mà bản thân tôi đã không thể ngờ được khi còn là sinh viên.
Cho dù bản thân chẳng giàu có gì, tôi vẫn nghĩ nếu mình làm một công việc tử tế thì đến năm 30 tuổi tôi vẫn sẽ có thể sống trong một ngôi nhà ấm cúng. Càng nghĩ tôi càng kết luận được rằng điều kiện tiên quyết để có thể sống hạnh phúc trong xã hội tư bản chính là “tiền”.
[...]
Có cặp vợ chồng A và cặp vợ chồng B khoảng 30 tuổi. Trong khi cặp vợ chồng A đang nóng lòng tìm một căn nhà cho thuê hàng tháng, thì bạn của họ là cặp đôi B có thể sẽ chuyển đến sinh sống ở một khu chung cư có nhiều tiện ích tốt. Vậy sự khác biệt giữa cặp đôi A và cặp đôi B ở đây là gì? Điểm khác nhau chính là tiền.
Nói một cách cụ thể hơn, sự khác biệt này phụ thuộc vào việc họ có đầu tư để làm tăng số tiền của mình ở độ tuổi 20 hay không. Điều đáng nói là việc họ có đầu tư hay không lại không hề được tiết lộ ra bên ngoài.
Tuy nhiên, kết quả khác biệt này là quá rõ ràng và những người thông minh ở độ tuổi 20 đã sớm suy tính về điều đó nên đã lặng lẽ chuẩn bị tiền. Thực tế cho thấy không dễ để những người ở độ tuổi 20 hiểu được tính chất thiết yếu của việc đầu tư tài chính ngay từ khi còn trẻ.
Bởi vì bạn không có khoản chi tiêu nào quá lớn ở độ tuổi 20. Ở độ tuổi này phần lớn chi tiêu là để mua quần áo, mỹ phẩm và giày dép. Đa số các khoản chi tiêu của bạn đều nhỏ nhặt nên khiến bạn suy nghĩ rằng bản thân không cần phải tiết kiệm nhiều tiền để làm gì.
Tuy nhiên, khi bước sang độ tuổi 30, bạn phải đối mặt với những khoản chi tiêu khổng lồ như tiền mua xe, mua nhà và tiền nuôi con cái ăn học. Nếu bạn chỉ đi chơi với những người cùng trang lứa thì bạn sẽ cảm thấy những chuyện đó thật xa vời, khiến bạn không hề có ý định theo đuổi đầu tư tài chính.
Tôi sống bằng tiền tiêu vặt cho đến khi học hết cấp 3 và tôi rất ghét điều đó. Điều làm tôi chán ghét hơn chính là việc không thể mua những bộ quần áo mình thích, hoặc khi ăn bánh gạo phô mai là phải nộp sổ ghi chép chi tiêu. Bố mẹ tôi yêu cầu tôi viết ra sổ ghi chép tiền tiêu vặt hàng tuần và đưa cho bố mẹ xem. Tuần nào mà tôi mua nhiều quần áo một chút là y như rằng phải nghe bố mẹ cằn nhằn.
“Mặc dù số tiền tiêu vặt của tôi không nhiều, nhưng tôi cũng không thể tiêu số tiền đó một cách thoải mái.” Thật là bực bội, nhưng tôi không thể cãi lại lời bố mẹ. Làm như vậy nhỡ bố mẹ cắt luôn cả tiền tiêu vặt đi nữa thì tôi sẽ chẳng thể mua được bất cứ thứ gì. Bởi thế bắt đầu ngay từ thời điểm đó tôi đã muốn tự mình kiếm tiền và tiêu tiền mà không bị ai can thiệp. Tôi nghĩ mình cần kiếm được tiền và tiêu tiền một cách đường đường chính chính.
Nếu bạn nói với những người xung quanh rằng “Bây giờ tôi sẽ làm việc chăm chỉ để tiết kiệm tiền”, nhất định họ sẽ phản ứng lại rằng “Lo gì bạn vẫn còn trẻ mà, đợi khi nào đi làm, lập gia đình rồi tiết kiệm cũng chưa muộn, sao phải vất vả kiếm tiền từ sớm để làm gì.” Lập nghiệp chính là sự kết hợp của việc tìm việc làm và lập gia đình.
Nhưng dù người mà tôi kết hôn có yêu thương tôi thế nào đi chăng nữa mà tôi chỉ biết nhận tiền của người đó để tiêu thì chẳng khác nào chuyện khiến tôi khó chịu khi phải viết chi tiết các khoản tiền tiêu vặt được bố mẹ cho trước đây. Vì vậy, tôi càng quyết tâm hơn trong việc tự làm chủ cuộc sống của mình bằng số tiền “tôi tự kiếm được”.
Kể từ khi có việc làm ở tuổi 20 với mức lương hàng tháng khoảng 1 triệu won (khoảng 20 triệu VNĐ), cho đến khi sở hữu tài sản ròng gần 200 triệu won (khoảng 4 tỷ VNĐ) ở tuổi 25, tôi đã trải qua vô vàn những thử nghiệm và sai lầm trong quá trình tìm kiếm phương pháp phù hợp nhất đối với mình, rồi dần dần tự sửa chữa những sai lầm đó để đạt lấy mục tiêu.
Không có một ai ở cạnh chỉ bảo cho tôi phải làm gì, làm như thế nào, cảm thấy nản lòng nên tôi đi đến hiệu sách để tìm kiếm thứ gì đó, nhưng cũng chỉ có những quyển sách chuyên ngành về “đầu tư chứng khoán, đầu tư bất động sản, đấu giá”... Cho dù có nhìn thấy những cuốn sách bất động sản với lời giới thiệu “dù ít tiền vẫn có thể đầu tư được” thì tôi cũng không hiểu chúng có ý nghĩa gì, hơn nữa, “số tiền nhỏ” được đề cập trong cuốn sách cũng là một số tiền quá xa vời đối với tôi.
Một người mới bắt đầu đầu tư tài chính và muốn bắt tay ngay vào đầu tư bất động sản cũng giống như một người mới tập gym đã muốn tập bài squats (động tác ngồi xổm giúp tăng vòng ba) với tạ nặng ngay khi vừa mới bắt đầu. Nếu bạn cố gắng thực hiện bài tập squat với tạ nặng mà không có sự chuẩn bị cơ bản, điều này sẽ phản tác dụng khiến bạn bị chấn thương nặng và mất thêm chi phí điều trị.
Bình luận