Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bật đèn pha xe máy ban ngày để giảm tai nạn giao thông

Giải pháp đèn pha tự động của xe máy sẽ góp phần đảm bảo ATGT đối với người tham gia giao thông.

Thông tin trên được chia sẻ tại Hội thảo “kinh nghiệm quốc tế về đảm bảo ATGT cho người đi môtô, xe máy và khả năng áp dụng tại Việt Nam” được Uỷ ban ATGT Quốc gia tổ chức vào hôm 11/12 tại Hà Nội nhằm trao đổi và đưa ra những giải pháp bảo đảm ATGT cho người đi xe máy ở Việt Nam.

Bật đèn vào ban ngày an toàn hơn

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT quốc gia cho biết, những năm qua Uỷ ban đã có nhiều ứng dụng công nghệ trong công tác đảm bảo ATGT.

Đèn pha tự động dành cho xe máy đã được áp dụng thành công ở nhiều nước trên thế giới, TNGT ở các nước này đã giảm xuống 25%. Nếu được áp dụng ở Việt Nam, chỉ cần giảm 10% số người chết, TNGT ở Việt Nam sẽ giảm rất nhiều, giao thông Việt Nam sẽ an toàn hơn.

Khẳng định điều này, ông Micheal Woodford, Chủ tịch Qũy An toàn đường bộ (SRF) cho rằng, khi đèn pha xe máy tự động bật sáng sẽ giúp nhận biết được xe máy ở các hướng khác đang di chuyển tới và tránh được các vụ va chạm có thể xảy ra. Giải pháp này có hiệu quả ở nhiều nước.

Chia sẻ kinh nghiệm của Thái Lan về đèn pha tự động, GS Pichai Tanneerananon, Trung tâm nghiên cứu ATGT đường bộ Châu Á cho rằng, Thái Lan đã sớm nhận thấy lợi ích của việc bật đèn pha ban ngày, đặc biệt là đối với môtô, xe máy.

Người lái xe ôtô có thể phát hiện các xe máy đi cùng chiều ở phía sau thông qua gương chiếu hậu từ xa, giảm thiểu được tai nạn khi rẽ, nhất là trên quốc lộ. Chúng ta có thể xử dụng cơ chế đèn pha tự động, giúp chúng ta ngăn chặn TNGT mà không có tốn kém gì. Đèn pha tự động sẽ giúp nhận biết được xe đến từ các hướng khác và tránh được các va chạm giao thông đáng tiếc.

Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng và đại diện các tổ chức Quốc tế chủ trì Hội thảo..
Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng và đại diện các tổ chức Quốc tế chủ trì Hội thảo..

“Năm 2005, Thái Lan bắt đầu triển khai đèn pha tự động, và chính thức được quy định bằng văn bản quy phạm pháp luật. Kinh nghiệm từ một số nước cho thấy, TNGT do va chạm với xe máy ở Thụy Điển đã giảm 10%, Malaixia giảm 20% và  Nhật Bản giảm 40%, TNGT đâm trực diện giảm 26%.

Tại Thái Lan đã có 80% số người đi xe máy bật đèn pha. So với luật đội mũ bảo hiểm việc bật đèn pha tự động dễ áp dụng hơn, không tốn kém, không gây bất tiện”, GS Tanneerananon nói.

Cần có lộ trình áp dụng thí điểm

Ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng giám đốc thứ nhất Công ty Honda Việt Nam cho rằng, khi áp dụng tại Việt Nam cần xem xét khía cạnh thực tế như: mật độ giao thông, nhiệt độ môi trường, nhất là vào mùa hè nhiệt độ ở Việt Nam thường cao, lưu lượng phương tiện ở các thành phố lớn cao nhất giờ cao điểm, trong điều kiện đó, nếu tất cả các xe bật đèn có thể làm gia tăng yếu tố môi trường. Trước mắt có thể thí điểm đối với xe phân khối lớn, nếu như bắt buộc phải tuân thủ, cần có lộ trình thực hiện.

Đồng quan điểm này ông Aihara, chuyên gia kỹ thuật của Honda Việt Nam cho rằng, chúng tôi cần thời gian cho việc thay đổi thông số chế tạo của xe, có nhiều phụ tùng liên qua cần thay đổi. Khi đèn pha tự động được chính thức áp dụng, đối với đời xe mới cần thời gian thay đổi là 2 năm và đối với xe đang lưu thông trên thị trường thì cũng cần thêm 2 năm nữa.

Ủng hộ việc ứng dụng công nghệ mới trong đảm bảo ATGT, ông Đặng Việt Hà, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, Cục sẽ nghiên cứu đưa vào sửa đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn.

“Cần thí điểm cho người dân quen với việc này và cũng cần có thời gian để nhà sản xuất chuẩn bị, sự phối hợp của các cơ quan liên quan để đưa công nghệ này vào cuộc sống”, ông Hà đề xuất.

Tán thành việc ứng dụng đèn pha tự động cho môtô, xe máy, Thiếu tướng Nguyễn Minh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho rằng, hiện Việt Nam có trên 43 triệu xe môtô, xe máy nhưng tập trung nhiều ở hai thành phố lớn. Vì vậy cần nghiên cức kỹ về điều kiện thời tiết để không làm tăng nhiệt độ, cần thực hiện thí điểm trước đối với xe phân khối lớn ở một địa phương cụ thể.

“Hải Dương là địa phương có nhiều đường ngang với đường sắt, xe máy đang có sự gia tăng nên có thể thí điểm ở địa phương này. Tất cả các xe đang có đèn, thì chỉ cần quy định khi tham gia giao thông phải bật đèn. Và tăng cường tuyên truyền trước một tháng để người dân biết”, thiếu tướng Tuấn đề xuất.

Giải thích điều này, GS Pichai Tanneerananon cho rằng, hiện trong 10 nước ASEAN, đã có 7 nước áp dụng đèn pha tự động, chỉ còn 3 nước là Việt Nam, Campuchia và Myanma chưa áp dụng. Hàng năm Việt Nam có gần 9.000 người chết vì TNGT, chúng ta có thể chịu thêm mức năng lượng phát ra từ đèn, cũng là sự đánh đổi phù hợp.

Kết luận Hội thảo, ông Khuất Việt Hùng cho rằng, đây là giải pháp khá đơn giản, vấn đề chính là triển khai thực hiện, chúng ta cần có thời gian chuyển đổi về mặt thiết kế, chọn thời điểm thuận lợi nhất cho các nhà sản cho các dòng sản phẩm mới nhưng nếu chúng ta thấy điều này cần phải làm ngay có thể ngắn hơn, nếu giảm được 10% số người chết vì TNGT do xe máy ở Việt Nam, tức là chúng ta sẽ giảm mỗi năm khoảng 500-600 người chết vì TNGT.

“Theo báo cáo của tổ chức Y tế Thế giới, một năm TNGT gây thiệt hại 2,9% GDP của Việt Nam. Như vậy một ngày mất khoảng 320 tỷ đồng. Cho nên chúng ta bàn về thiệt hại kinh tế do bật đèn pha so với những thiệt hại kinh tế do TNGT gây ra là không có gì có thể so sánh được.

Tại Việt Nam những người tử vong do TNGT 80% trong độ tuổi từ 15-55 là trụ cột của gia đình, đây là những thiệt hại rất lớn”, ông Hùng nói và nhấn mạnh, Việt Nam đã tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN, chúng ta phải hài hòa các tiêu chuẩn, quy chuẩn. 7/10 nước ASEAN đã thực hiện, vì vậy chúng ta cần có lộ trình cụ thể.

Chúng ta phải quyết tâm làm, trong đó cần bàn với nhà sản xuất xem thời điểm nào, lộ trình nào đối với những phương tiện mới, với những phương tiện đang lưu hành, với trên 43 triệu phương tiện mà chuyển đổi ngay sẽ rất khó, vì vậy cần phải có lộ trình.

“Uỷ ban ATGT Quốc gia sẽ phối hợp với các nhà sản xuất môtô, xe máy và các cơ quan của nhà nước, trong năm nay sẽ tổ chức cao điểm vận động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của đèn chiếu sáng tự động phái trước”, ông Hùng cho biết.

Gần 50.000 người chết vì tai nạn giao thông trong 5 năm

Trong 5 năm (2010 - 2015), toàn quốc xảy ra hơn 158.000 vụ tai nạn giao thông làm chết hơn 48.000 người, bị thương hơn 162.000 người.

http://www.atgt.vn/bat-den-pha-xe-may-ban-ngay-de-giam-tai-nan-giao-thong-d131084.html

Theo Trần Duy/Giao Thông

Bạn có thể quan tâm